Thủy quân lục chiến Mỹ gây 'bão' vì từ chối nữ binh

Trung úy Krisren Griest (giữa) và đồng đội trong buổi huấn luyện giao chiến tại trường đào tạo biệt kích ở Fort Benning, Georgia, Mỹ. Ảnh: Reuters
Trung úy Krisren Griest (giữa) và đồng đội trong buổi huấn luyện giao chiến tại trường đào tạo biệt kích ở Fort Benning, Georgia, Mỹ. Ảnh: Reuters
Thủy quân lục chiến Mỹ đang tạo ra một làn sóng tranh luận gay gắt khi bày tỏ quan điểm không chấp nhận nữ giới tham chiến, dựa trên những định kiến về năng lực của phụ nữ.

Thuỷ quân lục chiến Mỹ hôm 10/9 nêu rõ quan điểm không mặn mà với sự hiện diện của phụ nữ trong hàng ngũ của họ thông qua một bản báo cáo thể hiện cái nhìn thiếu thiện chí về hiệu quả hoạt động của nữ binh sĩ. Báo cáo kết luận nữ giới có thể lực yếu, dễ bị thương, thao tác với vũ khí kém chính xác. Bên cạnh đó, sự có mặt của họ còn tiểm ẩn nhiều nguy cơ liên quan tới đạo đức và kỷ luật quân ngũ, theo CSMonitor.

Trước đó, một tướng thuỷ quân lục chiến về hưu cũng nhận xét rằng nữ giới "không thể hoà hợp với những hoạt động mang tính tục lệ truyền thống của một tập thể binh lính".

Nhưng chỉ mới tháng trước thôi, hai cô gái là Krisren Griest và Shaye Haver đã hoàn thành xuất sắc khoá đào tạo biệt kích nổi tiếng khắc nghiệt của quân đội. Hải quân Mỹ ngay lập tức ra thông báo lực lượng Thủy Bộ Không Phối hợp (SEAL) sẵn sàng tiếp nhận các nữ binh sĩ này.

Vậy nguyên nhân vì đâu mà thủy quân lục chiến Mỹ lại có những phản ứng trái ngược về vấn đề nữ binh sĩ tham chiến như vậy?

Công việc không dành cho nữ giới

Trong giới quân sự Lầu Năm Góc, thuỷ quân lục chiến bị ví như hòn đá tảng làm trì trệ quá trình tiếp nhận nữ giới tham gia chiến đấu.

Thủy quân lục chiến Mỹ gây 'bão' vì từ chối nữ binh ảnh 1

Trung sĩ Sheena Adams (trái) và Shannon Crowley, đội trưởng Đội nữ giao chiến, từ Tiểu đoàn 1, đơn vị Thủy quân lục chiến số 8, ngồi trong xe bọc thép rời căn cứ ở Musa Qala, tỉnh Helmand, miền nam Afghanistan, đi thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Reuters

Bộ trưởng Hải quân Mỹ Ray Mabus bày tỏ "việc nhiều nam binh sĩ không tán thành sự thay đổi này, cho rằng nữ giới không đủ tiêu chuẩn" có thể gây ra nhiều tác động lớn.

Tuy nhiên, những người ủng hộ quan điểm của thuỷ quân lục chiến lập luận rằng ngoài khác biệt về thể chất thì chiến tranh là một điều gì đó vô cùng khốc liệt, vì vậy nó chỉ nên dành cho đàn ông.

Theo bài viết của trung tướng về hưu Gregory Newbold, chỉ đàn ông mới có thể "chia sẻ nhiệm vụ dọn bồn cầu với nhau" và đủ sức "trải qua những lần chết đi sống lại".

Dù thừa nhận các nữ binh sĩ đã chứng minh được khả năng khi vượt qua mọi thử thách thể lực trong khóa huấn luyện biệt kích nhưng ông Newbold vẫn giữ nguyên suy nghĩ rằng chiến đấu trên chiến trường thực sự chỉ dành cho nam giới.

"Những đặc tính khiến các giá trị phi thường trở nên phổ biến trong thuỷ quân lục chiến không nằm ở thể lực. Chúng đến từ những tố chất bí ẩn hình thành nên từ sự gắn kết đầy nhiệt huyết của các nhóm binh lính", ông nói. "Tố chất ấy biến họ trở thành những chiến binh quả cảm áp đảo đối thủ".

Lập trường trên được ông bày tỏ rõ ràng trong bài báo với tựa đề "Điều tôi rèn ý chí sắt đá của một binh đoàn" đăng tải trên trang blog quân đội War on the Rocks.

"Tác phong lịch sự, vệ sinh cá nhân hay sự yếu đuối xin mời dẹp sang một bên", Newbold viết. Theo ông, sự xuất hiện của nữ binh sĩ còn kéo theo những "động lực tình dục" có khả năng "phá hoại mối liên kết tinh thần giúp một đơn vị quân đội hoàn thành những nhiệm vụ bất khả thi và chịu đựng nhiều điều không tưởng".

Lợi thế của nữ giới

Giới phân tích nhận định bài viết của Newbold có tính chất cổ súy cho việc duy trì một thời kỳ lạc hậu. Các nghiên cứu của Lầu Năm Góc từng chỉ ra rằng khả năng nam binh sĩ phá hoại mối đoàn kết trong đơn vị sẽ giảm thiểu đáng kể nếu họ được làm việc nhiều hơn với nữ giới.

Thủy quân lục chiến Mỹ gây 'bão' vì từ chối nữ binh ảnh 2

Hạ sĩ nghiệp vụ Erica Taliaferro tuần tra ở khu vực Pachir wa Agam, tỉnh Nangarhar, phía đông Afghanistan. Ảnh: Reuters

"Đọc những gì ông ta viết thật bức bối", Greg Jacob, người từng tham gia huấn luyện lính thủy quân lục chiến, bình luận. "Điều gây thất vọng nhất là việc Lầu Năm Góc thường nhờ cậy đến sự cố vấn của một mạng lưới các tướng về hưu". Newbold chỉ đơn giản là vin vào cái cớ "mối gắn kết của những người anh em" để "lặp đi lặp lại cái vòng luẩn quẩn bài trừ nữ giới", Jacob nhấn mạnh.

Ngay cả các nam binh sĩ hoàn thành khóa huấn luyện biệt kích cũng phải dành lời khen ngợi tới những nữ đồng môn của mình. Họ miêu tả các cô gái là những chiến binh tinh nhuệ nhất, đồng thời tuyên bố được chiến đấu bên cạnh những đồng đội đặc biệt này, bất kể lúc nào, dù ở đâu đi chăng nữa, cũng là một niềm vinh dự.

Ngoài ra, các nam binh sĩ cũng phủ nhận tác động của yếu tố tình dục đến hiệu quả huấn luyện và chiến đấu. Theo họ, vấn đề này là không thực tế bởi tất cả mọi người đều mệt nhoài và bị đẩy đến giới hạn thể lực sau khi tham gia các bài tập vất vả hay những nhiệm vụ đầy hiểm nguy nên không còn tâm trí cho việc khác.

Khi Bộ Quốc phòng quyết định bãi bỏ quy định không cho phép phụ nữ tham chiến vào năm 1994, lục quân Mỹ lập tức bổ sung nữ binh sĩ vào các đơn vị hỗ trợ chiến đấu.

"Họ đưa những cô gái vào nhanh nhất có thể", ông Jacob, cựu giám đốc phụ trách chính sách thuộc Mạng lưới Hoạt động của Phụ nữ trong Lực lượng Vũ trang, nói. Điều này tạo nên một lối tư duy mới, ông cho biết thêm.

Trái ngược với các lực lượng khác, thuỷ quân lục chiến thời điểm đó kiên quyết nói không với nữ giới. "Trong suy nghĩ, họ vẫn muốn loại trừ phụ nữ khỏi đơn vị", Jacob nhận xét. "Kết quả chúng ta đã thấy, thuỷ quân lục chiến đang dần đánh mất vị trí của mình, lục quân giờ mới là lực lượng đi đầu".

Theo trung tá Kate Germano, bản báo cáo của  thủy quân lục chiến cho thấy mối định kiến về năng lực thấp kém của phụ nữ trong nội bộ lực lượng này. "Hai luận điểm có vấn đề nhất là khả năng thể lực của nữ giới và truyền thống quân đội", bà đánh giá.

"Không phải ngẫu nhiên mà những đối tượng khảo nghiệm có tốc độ chậm hơn, sức mạnh thân trên thấp hơn và bắn súng kém hơn nam giới" bởi "đó chính xác là những gì ta bảo họ có thể chấp nhận được ở các buổi huấn luyện cách ly".

Trung tá Germano không tin tưởng các tiêu chuẩn huấn luyện khác biệt này. Bà đã yêu cầu các binh sĩ dưới quyền của mình, là một đơn vị toàn nữ duy nhất của lực lượng vũ trang, phải tập luyện và duy trì một tiểu chuẩn khắt khe hơn.

Jacob cũng làm điều tương tự trong quãng thời gian ông tham gia huấn luyện thuỷ quân lục chiến từ năm 2001 đến 2004. Ban đầu, khi ông đưa ra một tiêu chuẩn chung cho cả nam và nữ binh sĩ, các cô gái, thậm chí một vài chàng trai "không thể theo kịp". Mặc dù những người có biểu hiện kém hơn "cảm thấy xấu hổ" vì thành tích của mình nhưng ông vẫn giữ nguyên các tiêu chí đề ra và thúc đẩy binh lính tập luyện.

Cuối cùng, "họ rèn luyện chăm chỉ và đạt được tiêu chuẩn đó", ông kể. Khi nữ binh sĩ đến phòng tập, họ được các đồng đội là nam giới giúp đỡ nhiệt tình. Điều này giúp tăng cường mối liên kết tập thể.

"Binh sĩ nam hướng dẫn binh sĩ nữ rất tận tình. Trong vòng 6 tháng, toàn bộ đội đã đạt chuẩn", Jacob nói.

Chính quan niệm phổ biến rằng nữ giới yếu kém hơn nam giới khiến các nữ binh sĩ bị thuỷ quân lục chiến "đánh giá thấp", bà Germano nhận định. Lối suy nghĩ này cũng là ngọn nguồn của những phát biểu phản cảm như của Newbold, bà kết luận. "Những ám chỉ của tướng Newbold về sự hiện diện của nữ giới trong hàng ngũ quân đội sẽ tự động làm suy yếu tình đoàn kết".

Các lãnh đạo Lầu Năm Góc từ lâu nhấn mạnh việc sử dụng nữ giới trong đội hình tác chiến là để "phát triển tài năng". "Một lực lượng sẽ mạnh mẽ hơn nếu nó đa dạng", Bộ trưởng Hải quân Mabus nói trong cuộc phỏng vấn với đài NPR. "Nếu tất cả đều cùng chung quan điểm, chung một lối mòn suy nghĩ thì sẽ chẳng có sáng tạo".

Mặt khác, giới phê bình cũng chỉ ra rằng việc dùng những luận điệu liên quan tới văn hóa quân đội để làm lý do cản trở phụ nữ gia nhập hàng ngũ là phủ nhận những đóng góp tích cực của họ. Điển hình như ở các nhiệm vụ tiếp cận phụ nữ tại những quốc gia Hồi giáo.

"Phe phản đối không hề nghĩ đến lợi thế của phụ nữ, không quan tâm tới những thiệt hại có thể xảy đến khi thiếu vắng bóng dáng nữ giới trong quân đội", Jacob nói.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.