Tiềm lực không quân của Syria mạnh cỡ nào?

Tiềm lực không quân của Syria mạnh cỡ nào?
TPO - Cùng với sự gia tăng cường độ xung đột ở Syria, lực lượng không quân Syria trở thành tâm điểm của những đầu báo trên toàn thế giới.

Tiềm lực không quân của Syria mạnh cỡ nào?

> Lùng nhùng bài toán Syria
> Nga duy trì 10 tàu chiến gần Syria

TPO - Cùng với sự gia tăng cường độ xung đột ở Syria, lực lượng không quân Syria trở thành tâm điểm của những đầu báo trên toàn thế giới.

Trong suốt 2,5 năm đất nước đã rung chuyển bởi những cuộc biểu tình và bạo động bởi cuộc đấu tranh của lực lượng nổi dậy nhằm lật đổ chế độ Bashar al-Assad. Trong cuộc xung đột kéo dài này, không quân (KQ) đã đóng một vai trò quan trọng trong các trận tấn công các nhóm chiến binh Hồi giáo của quân đội chính phủ.

Vị trí, vai trò của lực lượng không quân Syria

Năm 2013 là một năm căng thẳng nhất của một trong những lực lượng không quân bí mật nhất khu vực Trung Đông. Từ khi đảng Bass cầm quyền vào năm 1963. Lực lượng không quân Syria đóng vai trò chủ đạo trong lực lượng bảo vệ nhà nước. Sỹ quan KQ dưới sự lãnh đạo của Hafez al-Assad, cha của tổng thống Assad hiện nay, đã tiến hành cuộc đảo chính đưa Đảng "Baas" vào vị trí đảng cầm quyền. Từ đó, lực lượng không quân đã có một vị trí đặc biệt trong đời sống xã hội.

MiG 23 Không quân Syria
MiG 23 Không quân Syria.

Sự cần thiết về quốc phòng (cũng có thể là những đam mê cá nhân) đã đưa đến sự tăng trưởng vượt bậc của KQ Syria. Là đồng minh của Liên xô, Syria đã có những mâu thuẫn căng thẳng với Israel, tham gia vào cuộc xung đột ở Li-băng, đồng thời có những sự khác biệt nghiêm trọng của đường lối đảng Bass ở Syria với đường lối đảng Bass Iraq dưới sự lãnh đạo của Saddam Hussein. Năm 1980 lực lượng KQ Syria đã tiến hành những hoạt động tác chiến căng thẳng chống Israel và đã có những kết quả khá tốt. KQ Syria dành được chiến thắng trước một đội quân thiện chiến Israel bằng những máy bay MiG 23 mới nhất – với một cái giá đắt đỏ - mất 30 máy bay. Sự kiện này đã biểu thị một xu hướng phát triển tích cực của KQ theo những so sánh với những gì mà lực lượng KQ có được trong các cuộc xung đột vào những năm 1970-x. đặc biệt là trong cuộc chiến tranh “Ngày phán xét” khi mà toàn bộ lực lượng không quân Syria bị hủy diệt gần hết ngay trên mặt đất.

Phát triển từ đơn vị hạt nhân nhỏ bé, được người Anh tổ chức và chuẩn bị vào năm 1948, đến cuối năm 1980, KQ Syria đã đạt được đến đỉnh cao huy hoàng của nó. Lực lượng KQ có trong biên chế 650 phương tiện bay, 100 nghìn quân nhân và 37,5 nghìn lực lượng dự bị. Quá trình hiện đại hóa là ưu tiên số 1 của sự phát triển không quân. Đơn đặt hàng muc máy bay tiêm kích MiG – 29 được quyết định vào năm 1986. Sau thời kỳ chiến tranh lạnh, khối lượng nhiệm vụ mà KQ phải gánh vác giảm xuống nhiều lần, đến những năm 1990 –x, các hoạt động tác chiến của KQ hầu như chấm dứt mặc dù Syria chưa bao giờ ra khỏi tình trạng chiến tranh với Israel. Syria đã dừng tham gia cuộc nội chiến ở Lebanon và sức mạnh quân sự phát triển vượt bậc của Israel đã dẫn đến tình trạng bế tắc trong phát triển lực lượng. Số lượng quân nhân của KQ giảm xuống còn 60 nghìn người, dự bị động viên còn 30 nghìn người. Số lượng các phương tiện bay bị giảm xuống còn 555 đơn vị chiến đấu.

MiG 25 trong biên chế của không quân Syria
MiG 25 trong biên chế của không quân Syria.

Trên thống kê giấy tờ, số lượng máy bay của KQ còn vượt rất xa các lực lượng không quân láng giềng, bao gồm cả các nước hàng đầu khu vực như Israel và Ai cập. Nhưng những con số đó ẩn chứa sự lỗi thời của KQ - ngay cả máy bay hiện đại nhất lúc đó (60 chiếc MiG – 29, hơn 30 chiếc MiG – 25 và hơn 20 chiếc máy bay ném bom chiến thuật Su -24) không thể cạnh tranh được với lực lượng không quân hiện đại của Israel. Hơn nữa, chương trình máy bay không người lái UAV phát triển rất mạnh ở Israel đã cho thấy KQ Syria đã không còn có ưu thế cả về số lượng nữa. Mặc dù trong biên chế của KQ có các không đoàn trinh sát điện tử, nhưng hầu hết là những trang thiết bị đã quá cũ.

Một số lượng lớn máy bay tiêm kích của Syria MiG-21MF/bis đã bị tiêu diệt trong cuộc xung đột cuối cùng với KQ Israel vào đầu năm 1980. Israel tuyên bố đã bắn hạ 45 máy bay của Syria. Hiện nay Syria có khoảng 100 chiếc tiêm kích MiG – 23, một chiếc MiG – 23MS thuộc không đoàn 678 theo như thông báo đã bị lực lượng nổi dậy phá hủy tại căn cứ sân bay Abu ad Duhur ngày 07/04/2012. Theo một đoạn băng video, thì một chiếc MiG – 23 khác bị tai nạn và nổ tung vào ngày 13/08/2012. Lực lượng nổi dậy tuyên bố rằng các phân đội chiến binh đã bắn hạ máy bay đó trong khi máy bay đang tiến hành tấn công các mục tiêu mặt đất, nhưng không có những khẳng định khách quan ghi nhận.

Thời gian khó khăn và trì trệ của lực lượng

Không quân Syria đã trải qua một giai đoạn vô cùng khó khăn do sự bỏ quên của chính quyền, khi ngân sách quốc phòng bị cắt giảm như các nước khác trong khu vực Trung Đông. Từ 21% GDP của cả nước vào khoảng giữa năm 1980-x. Ngân sách tụt xuống còn 5,3% vào cuối năm 1990-х. Và thấp nhất là 3,5% vào năm 2009. Tình hình còn tồi tệ hơn sau khi vào năm 2003, Liên Hiệp quốc đã tiến hành những biện pháp trừng phạt khắc nghiệp chống Syria theo cáo buộc là Syria đã ủng hộ lực lượng chiến binh khủng bố ở Iraq. Mối quan hệ thù địch giữa Syria với Mỹ và sự gia tăng căng thẳng với Israel đã buộc KQ Syria phải tăng cường lực lượng.

Kết quả là các hợp đồng mua sắm thiết bị quân sự với tổng số là 600 triệu USD vào những năm 1990 –x đã tăng lên đến 5,2 tỷ USD vào giai đoạn những năm 2005 – 2008. Cũng trong giai đoạn này, số lần máy bay Israel thâm nhập vào không phân Syria tăng cao, mà đỉnh cao là "Chiến dịch Orchard", được tiến hành vào năm 2007, trong chiến dịch này máy bay F-15I và F-16I của Israel được cho là đã phá hủy một lò phản ứng hạt nhân ở Deir ez-Zor thuộc miền đông Syria, hoàn toàn không gặp phải sự chống trả nào của KQ Syria.

Một số tuyên bố cho rằng đây là kết quả của đòn tấn công vào mạng máy tính phòng không của Syria. Giả thiết này có rất ít bằng chứng chứng minh, ngoài ra, cụm không quân Israel tấn công từ phía Bắc Syria. Nơi mà lực lượng PK bảo vệ là phòng không địa phương.

Sự ủng hộ của nước Nga

Nga duy trì vai trò cung cấp vũ khí trang bị cho Syria theo truyền thống đã có được từ thời kỳ chiến tranh lạnh. Chính vì vậy lực lượng KQ Syria đã yêu cầu đồng minh cũ của mình giúp đỡ nhằm hiện đại hóa vũ khí, phương tiện chiến đấu đường không. Giai đoạn gần đây, KQ Syria tập trung vào sửa chữa và nâng cấp máy bay trực thăng Mi – 25 (phiên bản xuất khẩu của Mi – 24D) – sự hợp tác kỹ thuật quân sự Nga – Syria cũng gây lên nhiều tranh cái trên các phương tiện thông tin đại chúng do có những cáo buộc KQ Syria đã sử dụng máy bay trực thăng chiến đấu chống lại các cuộc biểu tình đòi dân chủ của phe đối lập.

Trước đó, hợp đồng cung cấp máy bay MiG – 31E ( phiên bản xuất khẩu với những thông số kỹ thuật kém hơn) cũng bị đặt nhiều nghi ngờ. Hợp đồng được ký vào năm 2007, ngay sau khi không quân Israel tấn công vào mục tiêu được cho là lò phản ứng hạt nhân tại Deir ez-Zor. Syria muốn mua của Nga máy bay MiG – 31E nhằm thay thế các máy bay tiêm kích MiG – 25. Lúc đó, hợp đồng được ký với số máy bay là 8 chiếc, đến tháng 5.2009 truyền thông Nga thông báo, hợp đồng sẽ không được thực hiện do những khó khăn về tài chính của Syria. Mọi việc đã trở lên rõ ràng khi ngày 27/10/2010 Tổng giám đốc tập đoàn "Rosoboronexport" thông báo, không có một hợp đồng nào cung cấp MiG – 31E cho Syria được ký kết.

Mi- 25 của không quân Syria
Mi- 25 của không quân Syria.

Một hợp đồng cung cấp MiG – 29M khác cũng đang ở trạng thái chờ. Israel đã phản đối quyết liệt hợp đồng này, đặc biệc khi đang tiến hành các thỏa thuận về việc cung cấp cho Nga những máy bay không người lái của Israel. Một hợp đồng khác có vẻ thành công hơn là cung cấp cho Syria 36 chiếc máy bay Yak – 130. Ngày 23/01/2012, theo các nguồn tin được cung cấp bởi các quan chức cao cấp, hợp đồng đã được ký kết vào tháng 12/2011 với tổng số tiền là 550 triệu USD. Nhưng rõ ràng là các máy bay Yak – 130 vẫn chưa được chuyển đến Syria.

Mặc dù những hợp đồng cung cấp vũ khí đó dẫn đến sự ngăn chặn đặc biệt của Mỹ và đồng minh, nhưng Nga vẫn quyết tâm thực hiện trách nhiệm của mình. Các hợp đồng chắc chắn sẽ được thực hiện ngoại trừ một trở ngại duy nhất, đó là năng lực tài chính của Syria. Hơn thế nữa, vào năm 1971 giữa Liên xô và Syria đã ký kết một thỏa thuận, cho phép Hải quân Nga được sử dụng căn cứ đảm bảo hậu cần kỹ thuật hải quân tại Tartus. Điều đó giải thích sự ưu tiên hàng đầu của Moscow đối với Damascus.

Cùng với sự lan rộng của làn sóng bạo động chống chính quyền Syria, chương trình hiện đại hóa KQ bắt đầu có những ngắt quãng và cuối cùng mọi cung cấp dừng hẳn. Tàu vận tải Alaed, mang theo những chiếc máy bay Mi-25 bị bắt ở vùng nước của Anh, khi giấy phép bảo hiểm bị thu hồi theo yêu cầu của chính phủ Anh. Tàu đã quay trở lại Kaliningrad và vào cuối tháng 6 cùng với sự hộ tống của các tàu quân sự lại tiếp tục ra khơi. Số lượng chính thức máy bay không rõ ràng nhưng dự kiến khoảng từ 30 – 40 chiếc. Lực lượng nổi dậy Syria tuyên bố rằng, Mi – 25 đã được sử dụng để tấn công người biểu tình và khu vực chiếm đóng của lực lượng nổi dậy, trong đó có thành phố Homs, nơi diễn ra các trận chiến ác liệt. Mi – 25 được trang bị 4 thùng phóng rockets 57 mm và súng máy 12,7 mm YaKB.

Lực lượng quân đội Syria tự do – lực lượng vũ trang của phe nổi dậy, trong có rất nhiều các cựu sĩ quan quân đội Syria thông báo rằng các đơn vị của họ đã bắn hạ một số máy bay trực thăng, nhưng không có thông tin nào khẳng định vấn đề này. Trên mạng thông tin đại chúng có video, được những người chống đối đưa lên You Tube, trong đó có thể thấy các máy bay chính phủ đang bị các lực lượng mặt đất tấn công bằng súng phòng không.

Máy bay trực thăng chiến đấu Mi-25 và Mi – 17 là lực lượng yểm trợ hỏa lực chủ yếu của quân chính phủ khi tấn công các đội quân nổi dậy. Mi- 17 được trang bị cabin phi công bọc thép, có thể chống được đạn bộ binh, Mi – 17 có thể được sử dụng để tiến hành các chuyến đổ bộ đặc nhiệm đường không vào hậu phương của đối phương và yểm trợ hỏa lực. Cũng có thể có một số máy bay trực thăng Mi – 2, nhưng số lượng máy bay có thể tham gia chiến đầu khoảng dưới 10 chiếc.

Ngoài ra, KQ Syria được biên chế một số lượng lớn máy bay trực thăng chiến đấu của Pháp Aerospatiale SA-342L Gazelle, đã sử dụng rất hiệu quả chống lại tăng thiết giáp của Israel trong cuộc chiến ở Li băng, đặc biệt khi bay theo biên đội 2 chiếc. Nhưng người Pháp sẽ không đảm bảo kỹ thuật cho Syria trong cuộc xung đột này. Như vậy trong thời gian tới, khả năng hiện đại hóa KQ Syria, nếu như Damascus tránh được một cuộc can thiệp vũ trang đã cận kề chỉ có thể dựa hoàn toàn vào Nga.

Su – 24 máy bay cường kích của Syria
Su – 24 máy bay cường kích của Syria.

Hiện nay, không quân Syria có trong biên chế sẵn sàng chiến đấu gồm: Máy bay trực thăng các loại: 140 chiếc, máy bay chiến đấu các loại bao gồm cả MiG 21 là 371 chiếc, máy bay ném bom Su – 17M-2K là 50 chiếc, máy bay huấn luyện L – 39 là 70 chiếc. Đây cũng là một lực lượng không quân tương đối mạnh trong khu vực.

Bất ổn

Giai đoạn đầu của năm 2011, ở Syria bắt đầu có những biểu hiện manh động và bạo loạn. Nhiệm vụ của không quân không lớn. Lực lượng trinh sát đường không của Cơ quan tình báo trinh sát Không quân Syria chỉ làm nhiệm vụ yểm trợ thông tin và điều phối các hoạt động chống lại lực lượng nổi dậy. Điều đó dẫn đến lực lượng nổi dậy đã tiến hành một cuộc đánh bom vào một cơ sở của cơ quan tình báo trinh sát Không quân. Có những thông tin rằng kết quả của cuộc tấn công là có một số quan chức cao cấp của cơ quan tình báo bị giết hại.

Với sự leo thang xung đội, vai trò nhiệm vụ của KQ ngày càng mở rộng. Nhiệm vụ chủ chốt của không quân là đổ bộ đường không, vận chuyển binh lực và không kích các vị trí đóng quân của lực lượng phản kháng. Cũng có những cuộc tập kích đường không gây ra cái chết của dân thường – lực lượng nổi dậy khẳng định đó là thảm sát, nhưng hoàn toàn không thể khẳng định tính trung thực của nó. Tình hình chính trị xấu đi khiến KQ phải thực hiện nhiều mệnh lệnh mâu thuẫn, đồng thời các áp lực từ nhiều phía cũng ngày càng tăng với không quân Syria.

Bắt đầu có những biểu hiện bỏ đội ngũ và gây rối loạn tình hình. Vết nứt đầu tiên xuất hiện ngày 20/06/2012, khi viên đại tá Hassan Mari Hamada trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bay huấn luyện trên MiG 21 đã tách ra khỏi phi đội 4 chiếc, lúc đó đang bay trên sa mạc Deraa ở miền nam Syria. Viên đại tá đã hạ độ cao đến 50 m so với mặt đất để tránh sự phát hiện của hệ thống phòng không Jordan và thông báo sự cố hàng không, anh ta được phép hạ cánh trên sân bay Hussein gần thị trấn Mafraq. Hamada bị bắt bởi lực lượng đặc nhiệm Jordan và sau đó được công nhận là người tị nạn chính trị. Chính quyền Syria tuyên bố đại tá Hamada là kẻ phản quốc và yêu cầu Jordan trả lại chiếc máy bay. Đó là chiếc MiG cất cánh từ phi trường Doumeira đông bắc Damascus đang nằm trong biên chế của Lữ đoàn AKQ 73, đơn vị bay thử nghiệm của Sư đoàn không quân 20. Sau đó vài tuần, có thêm một số sĩ quan KQ đã bỏ chạy theo Hamada.

Chính quyền Syria đã tiến hành các biện pháp khẩn cấp nhằm kiểm soát tình hình. Sư đoàn 20 nhận được lệnh cấm bay đối với toàn bộ phi công. Đồng thời KQ tiến hành một đợt tập trận căng thẳng 4 ngày liên tiếp, tiến hành các trận chiến giả định, đổ bộ đường không, ném bom và chi viện hỏa lực. Trong cuộc tập trận có sự tham gia của MiG – 29, Su – 24, trực thăng chiến đấu Mi – 25 và Gazelle. Theo dõi diễn tập là các sĩ quan cao cấp của quân đội Syria, nhận xét là lực lượng không quân có trình độ kỹ chiến thuật cao, hoàn thành được nhiệm vụ. Có thể nhằm tăng cường ý chí chiến đấu và lòng trung thành nhưng những nỗ lực đó không có hiệu quả cao. Chỉ trong tháng 7 vừa qua đã có hàng chục phi công trực thăng vượt biên giới. Các sĩ quan không quân cũng xuất hiện trong lực lượng quân đội tự do Syria.

Năng lực của phòng không Syria

Lực lượng phòng không Syria (PK) làm nhiệm vụ chi viện hỏa lực không quân và bảo vệ các mục tiêu quan trọng, tương tự như biên chế tổ chức của lực lượng KQ, cũng có những tồn đọng của các loại vũ khí đã lỗi thời, biên chế tổ chức, hệ thống huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và hệ thống điều hành lực lượng mang tính hỗn loạn không thông nhất. Đại đa số các phương tiện phòng không của Syria tồn tại từ thời Liên Xô như tổ hợp tên lửa S-125 và “Cvadrat”.
Các loại vũ khí trang bị này rất dễ bị gây nhiễu điện tử chủ động và bị tấn công bởi tên lửa chống radars. Phương thức huấn luyện và kỹ năng sẵn sàng chiến đấu không cao. Từ năm 2009 hệ thống phòng không Syria được tăng cường thêm tổ hợp phòng không tầm gần “Pantsir-S". Theo thông tin chung thì Damascus có khoảng từ 36 – 50 tổ hợp “Pantsir-S". Theo hợp đồng đã ký năm 2006, Syria cũng mua một số lượng lớn tên lửa Buk-M2E, có thể do sự cố không quân Israel tấn công vào Deir ez-Zor. Ngoài ra, Syria còn có hơn 4.000 súng phòng không các cỡ nòng.

Tổ hợp phòng không tầm gần “Pantsir-S
Tổ hợp phòng không tầm gần “Pantsir-S".

Trong thời gian vừa qua, ngày 22/06/2012 lực lượng phòng không Syria cũng đã từng bắn hạ một chiếc máy bay trinh sát điện tử RF-4E Phantom của Thổ Nhĩ Kỳ. Máy bay rơi xuống biển cách bờ biển Syria 10 km, hai phi công tử vong. Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố máy bay không xâm phạm không phận Syria. Phía Syria công bố, trong sự kiện xâm phạm không phận có 2 máy bay tham gia cùng hoạt động.

Theo các phương tiện thông tin đại chúng, Phantom đang bay ở độ cao 91 m với mục đích kiểm tra hệ thống phòng không của Thổ Nhĩ Kỳ thì bị PK Syria bắn hạ, máy bay thuộc lớp F-4E-2020 Terminator, được nâng cấp bởi hãng hàng không Israel IAI.

Sau sự kiện này tình hình giữa Thổ Nhĩ kỳ và Syria trở lên vô cùng căng thẳng. Khi xuất hiện các phương tiện bay Syria như máy bay trực thăng hoặc máy bay chiến đấu. Thổ Nhĩ kỳ lập tức cho các phi đội F-16 bay lên ngăn chặn và đe dọa, điều này buộc các phương tiện bay của Syria phải tránh xa khu vực biên giới. Nhưng dù sao sự kiện bắn hạ chiếc RF – 4 cũng nâng cao được khí thế chiến đấu của PK Syria. Nếu xét trên tổng thể vũ khí trang bị và lực lượng PK Syria, có thể nói có tình thần chiến đấu cao và sẵn sàng đánh trả các đợt không kích của đối phương. Điểm đáng ngại nhất là hệ thống PK chưa được nâng cấp và hiện đại hóa. Cũng hoàn toàn không có kinh nghiệm tác chiến đường không hiện đại với mật độ không kích dày đặc, sử dụng công nghệ cao của đối phương.

Chông gai

Trong thời gian gần đây, lực lượng phòng phòng không và không quân Syria đóng vai trò quan trọng trong tác chiến hỏa lực chống lại một cuộc xung đột nội bộ dường như không bao giờ dứt. Không quân Syria bao gồm máy bay tiêm kích, cường kích và trực thăng tiếp tục tấn công hỏa lực vào các vị trí đóng quân của lực lượng nổi dậy. Sự kiện tấn công hóa học ngày 21.8 đã đặt toàn bộ lực lượng KQ Syria vào tình trạng đe dọa bị tiêu diệt hoàn toàn.

Nếu Mỹ và các nước đồng minh tiến hành được một chiến dịch không kích và đặt vùng cấm bay trên Syria, thì với tình trạng năng lực chiến đấu và và vũ khí trang bị, tình hình tư tưởng chính trị tinh thần như vậy, KQ Syria hoàn toàn không có khả năng chống lại một lực lượng quân sự hùng mạnh với các loại vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại và rất dày dạn kinh nghiệm chiến trường. Hệ thống phòng không và các cơ quan chỉ huy đầu não, các trung tâm điều hành quân đội, sân bay, kho tàng căn cứ sẽ bị tiêu diệt nhanh chóng trong các đợt tấn công đầu tiên. Điều đó đối với quân đội Syria hiện nay đồng nghĩa với sụp đổ và tan rã.

Quan điểm quyết liệt ủng hộ Syria của Nga thể hiện: một là ngăn chặn khả năng tiến hành một cuộc can thiệp vũ trang vào Syria, hai là tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký. Như vậy có thể lực lượng Không quân và Phòng không Syria có được những vũ khí trang bị mới hiện đại hơn. Sự tạm dừng chiến dịch không kích có thể cho chính quyền ông Bashar al-Assad một thời gian nhất định. Nhưng cuộc chiến tranh trên bộ sẽ trở lên khốc liệt hơn do tất cả các nhà quan sát, các nước phương Tây đều đang muốn được nhìn thấy tổng thống Assad bị trừng phạt và chính thể hiện nay ở Syria sụp đổ. Các nước như Mỹ, Saudi Arabia, Anh, Pháp sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí bộ binh và phòng không hiện đại hơn cho lực lượng nổi dậy. Nếu Nga có đủ mạnh để ngăn chặn một cuộc tấn công can thiệp, thì vấn đề còn lại là chính phủ Syria sẽ phải làm gì để chứng minh mình trước toàn thế giới, đồng thời ngăn chặn phong trào đối lập ly khai.

Syria có thể nhận được vũ khí hiện đại, dù chưa rõ ràng trạng thái những cũng có thể là S-300PMU2. Những vẫn còn tồn tại một vấn đề then chốt đối với khả năng sẵn sàng chiến đấu. Bằng cách nào lực lượng phòng không Syria có thể tích hợp đầy đủ hệ thống phóng không và không quân, cũng như khai thác sử dụng thành thạo các phương tiện chiến đấu mới và hiện đại.

Một điểm vô cùng quan trọng, đó là tình thần chiến đấu và lòng tin vào chính thể cầm quyền, ông Bashar al-Assad và đảng Bass. Những người đang duy trì quyền lực kiếm soát đất nước, những người đang thực hiện các chính sách đối nội và những người ra mệnh lệnh tấn công và cuối cùng là binh sĩ, quân nhân, những người đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Bộ đội thiết giáp Syria
Bộ đội thiết giáp Syria.

Quân đội Syria và lực lượng Không quân, trước đây đóng một vai trò quan trọng trong việc đảo chính quân sự, xây dựng chính quyền ông Bashar al-Assad ngày nay và hiện đang đóng vai trò chủ đạo trong sức mạnh quân đội Syria. Luôn đứng ở vị trí trọng tâm quyền lực của đất nước, lực lượng không quân vừa có khả năng ngăn chặn được sự can thiệp vũ trang của nước ngoài, yểm trợ duy trì quyền lực của chính thể đương thời. Nhưng cũng không loại trừ khả năng trong tình hình phức tạp và hỗn loạn của khu vực, lực lượng này có thể sẽ lại đóng một vai trò tương tự như trước đây, làm sụp đổ chính quyền hiện tại.

Dù Nga, Syria, Trung Quốc và các lực lượng khác đang nỗ lực ngăn chặn một cuộc can thiệp nước ngoài, thì sự sụp đổ trong nước chỉ có thể ngăn chặn được bằng các giải pháp hòa hợp dân tộc và dân chủ. Trước mắt lực lượng KQ Syria và chính thể của tổng thống Bashar al-Assad vẫn còn quá nhiều những vấn đề chông gai.

Trịnh Thái Bằng

Theo Dịch
MỚI - NÓNG