Tiết lộ động trời về các chương trình giám sát bí mật của Mỹ

Cách thức hoạt động của Stingray. Tranh: EFF
Cách thức hoạt động của Stingray. Tranh: EFF
TPO - Theo truyền thông Mỹ, các chính quyền địa phương, bang và liên bang hiện vẫn sử dụng không ít chương trình giám sát bí mật để phơi lộ bạn là ai, đang đi đâu, đang gặp ai, đang nói gì.

Các chương trình bí mật đó được sử dụng để giám sát một số cá nhân đáng bị giám sát. Nhưng thiết bị công nghệ cao cũng không phân biệt được đâu là người tốt, đâu là kẻ xấu, nên nhiều cá nhân có thể vô tình mắc vào lưới nhện giám sát bí mật đó.

Mới đây, đài truyền hình KXTV ở bang California và các cơ quan báo chí, truyền thông khác ở Mỹ đưa tin, một trong các chương trình giám sát của chính phủ Mỹ được gọi là Stingray (Cá đuối).

Stingray giả lập một tháp điện thoại và lừa các điện thoại di động gần đó kết nối với nó, thay vì với các trạm thương mại tiêu chuẩn. Hệ thống này thu gom số điện thoại di động; tình trạng gọi đến hoặc gọi đi; số đã quay; ngày tháng, thời điểm bắt đầu và kết thúc cuộc gọi; vị trí người dùng…

Một chương trình khác có tên Triggerfish (Cá bò), khi kết hợp với Stingray sẽ phơi lộ nội dung các cuộc gọi di động. Triggerfish cho phép các cơ quan thực thi pháp luật nghe lén tới 60.000 cuộc nói chuyện qua điện thoại tại một khu vực nhất định. Tất cả thiết bị giám sát đều có tính cơ động cao, nên có thể được lắp đặt trên máy bay, xe hơi, tàu thuyền.

Việc giám sát bí mật như vậy làm dấy lên các cuộc tranh cãi về tính pháp lý, sự hợp lý của nó. Người ta ví cách nghe lén như vậy với việc camera ở các giao lộ chụp ảnh phương tiện qua lại. Camera chụp biển số của xe vượt đèn đỏ. Đây là một việc làm hữu ích.

Tuy nhiên, camera cũng chụp biển số xe của tất cả những người tham gia giao thông khác, số hóa chúng và giúp người ta lần theo sự di chuyển của xe.

Ngoài ra, phần mềm nhận dạng khuôn mặt được sử dụng cùng với camera giám sát lắp dọc đường phố, trong cửa hàng… cũng ghi lại hình ảnh của vô số người.

Năm 2015, trang tin công nghệ ARS Technica đưa tin, nhiều cơ quan liên bang, trong đó có Cục Điều tra liên bang (FBI) cố gắng kiểm soát thông tin về Stingray trong nhiều năm. FBI và tập đoàn Harris, một trong những nhà sản xuất thiết bị giám sát, từ chối trả lời các câu hỏi của công chúng về Stingray.

Thiết bị giám sát bí mật được nhiều cơ quan sử dụng, trong đó có FBI, Cơ quan bài trừ ma túy, Sở Mật vụ, Cơ quan An ninh quốc gia, Lực lượng Cảnh sát tư pháp, Cục Kiểm soát di trú và hải quan, Cục Rượu, thuốc lá, vũ khí và chất nổ, Bộ An ninh nội địa…

Năm 2014, CNET đưa tin, cảnh sát bang Florida đã sử dụng thiết bị theo dõi điện thoại di động Stingray hơn 200 lần mà không nói cho thẩm phán biết. Họ lý giải là đã ký thỏa thuận không tiết lộ theo yêu cầu của nhà sản xuất thiết bị.

Hạ nghị sĩ Jason Chaffetz đã đưa ra một dự luật, theo đó, trong hầu hết trường hợp, các cơ quan chính phủ không được sử dụng các hệ thống giả lập kiểu như Stingray khi chưa được thẩm phán cho phép. Hai thượng nghị sĩ Chuck Grassley và Patrick Leahy đã đề nghị Bộ An ninh nội địa thực thi một chính sách liên quan thiết bị giám sát điện thoại.

Đến nay, các đề xuất, đề nghị trên vẫn chưa được hiện thực hóa. Và nhiều người ở Mỹ và một số nước khác vẫn đang bị giám sát một cách bí mật.

Năm ngoái, cảnh sát ở thành phố Vancouver của Canada thừa nhận họ đã sử dụng thiết bị Stingray, CBC đưa tin. 

Đến thời điểm hiện tại, giới chức an ninh Mỹ chưa đưa ra bình luận về những thông tin do truyền thông nước này cung cấp.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.