Tiết lộ mới về biến thể khung gầm siêu tăng Armata

Siêu tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của Quân đội Nga.
Siêu tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata của Quân đội Nga.
Sắp có biến thể xe cứu kéo dựa trên khung gầm hạng nặng Armata, tất cả biến thể được tích hợp hệ thống quản lý tác chiến, có trí thông minh nhân tạo...

Hãng thông tấn Itar-Tass dẫn lời Vyacheslav Khalitov – Phó giám đốc kiêm phụ trách bộ phận sản xuất các phương tiện cơ giới đặc biệt của công ty Uralvagonzavod cho biết, nền tảng khung gầm hạng nặng Armata của Nga sẽ có khả năng được tích hợp với nhiều loại vũ khí và thiết bị quân sự đặc biệt đang được Quân đội Nga sử dụng.

Theo Khalitov cho hay, Uralvagonzavod đã hoàn tất việc phát triển nền tảng khung gầm hạng nặng thế hệ mới cho Quân đội Nga mặc dù công ty này vẫn phải đang chuẩn bị cho việc phát triển các biến thể phương tiện cơ giới tiếp theo dựa trên thiết kế khung gầm của Armata hiện tại

Với thay đổi cơ bản là việc hệ thống động cơ của Armata được bố trí phía trước, thiết kế này sẽ giúp nó có thể tích hợp được với nhiều loại thiết bị và vũ khí đặc biệt. Hiện tại, biến thể tiếp theo được phát triển dựa trên khung gầm Armata là xe bọc thép sửa chữa và cứu kép (ARV).

Khung gầm hạng nặng Armata sẽ là nền tảng chung để Quân đội Nga phát triển các phương tiện cơ giới quân sự trong tương lai với nhiều biến thể khác nhau. Bên cạnh đó bất cứ dòng xe bọc thép nào được phát triển dựa trên Armata đều sẽ được tích hợp sẵn hệ thống quản lý tác chiến có khả năng tự cảnh báo kíp chiến đấu về các mối đe dọa tiềm năng.

Theo đó, hệ thống kiểm soát và phân tích dữ liệu của Armata sẽ đưa ra những cảnh báo sớm về các mối đe dọa có thể xảy ra trong khi đó công việc này thường được kíp chiến đấu dựa trên kinh nghiệm tác chiến có sẵn đưa ra các cách xử lý tình huống nhất định. Tuy nhiên, với Armata công việc này sẽ được hệ thống quản lý trung tâm của nó thực hiện nhằm hạn chế thấp nhất các lỗi do con người gây ra hoặc đưa ra các giải pháp xử lý tình huống nhanh hơn.

Một trong những tính năng đặc biệt của Armata là nó có khả năng được điều khiển từ xa. Thậm chí trong tương lai các biến thể của nền tảng khung gầm Armata có thể tự vận hành và ý tưởng này hoàn toàn có khả năng thành hiện thực nếu như công nghệ trí thông minh nhân tạo phát triển đủ mạnh để có thể đánh giá được các tình huống phức tạp xảy ra trên chiến trường và đưa ra các lựa chọn đúng.

Tiết lộ mới về biến thể khung gầm siêu tăng Armata ảnh 1

Xe chiến đấu bộ binh T-15 được phát triển dựa trên khung gầm hạng nặng Armata. 

Tuy nhiên trong trường hợp cần thiết kíp chiến đấu của Armata vẫn có thể vận hành toàn bộ hệ thống bao gồm cả hệ thống vũ khí bằng tay. Điều này đồng nghĩa với việc Armata sở hữu tới hai hệ thống điều khiển cho mọi hoạt động trên xe. 

Đơn cử như hệ thống vũ khí của Armata có tới hai chế độ là điều khiển bằng tay hoặc điều khiển tùy chọn, phần tháp pháo của Armata cũng không có người điều khiển còn kíp chiến đấu ngồi tách biệt với hệ thống vũ khí và động cơ. Thiết kế này sẽ giúp tăng đáng kể khả năng sống sót của kíp chiến đấu ngồi bên trong xe.

Tại triển lãm quốc phòng Russia Arms Expo 2015, Nga cũng sẽ lần đầu tiên giới thiệu trước công chúng dòng xe tăng chiến đấu chủ lực T-14 Armata với các biến thể khác nhau sẽ được giới thiệu trong thời gian sắp tới. 

Khalitov cũng hy vọng Bộ quốc phòng Nga sẽ hỗ trợ cho Uralvagonzavod trong việc giới thiệu siêu tăng T-14 Armata tại RAE-2015. Mặc dù, trước lễ duyệt binh mừng Ngày Chiến thắng 9/5 Armata có xảy ra hỏng hóc nhưng như vậy vẫn là quá sớm để đánh giá nó về khả năng hoạt động.

Theo Theo Kiến Thức
MỚI - NÓNG