Tiết lộ pháo cao xạ 37mm hạ gục 'pháo đài bay' ở Điện Biên Phủ

Xác chiếc máy bay B24 Privateer bị rơi tại chỗ trên chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)
Xác chiếc máy bay B24 Privateer bị rơi tại chỗ trên chiến trường Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu)
Bước vào giai đoạn 2 của Chiến dịch Điện Biên Phủ, bộ đội pháo cao xạ của ta được lệnh cùng các đại đoàn bộ binh khép chặt vòng vây chờ ngày tổng công kích.

Trên toàn mặt trận, tính đến ngày 11/4/1954, ta đã bắn rơi và phá hủy 49 chiếc máy bay các loại của địch, gồm: Máy bay chiến đấu F6F Hellcat, F8F Bearcat và F4U Corsairs; máy bay vận tải L19, C-47 Dakota, C-119; máy bay ném bom B26 Invader. Song còn một loại máy bay ném bom B24 Privateer của Pháp mà bộ đội ta chưa bắn hạ được. Vì vậy, quân Pháp đặt cho B24 là “pháo đài bay" trên bầu trời. Địch còn loan tin, máy bay B24 có thể tự hàn vết đạn trên không khi đang bay và không loại súng, pháo phòng không nào có thể bắn hạ được.

Máy bay B24 của Pháp đã gây cho ta nhiều khó khăn trong tác chiến trên chiến trường. So với các loại máy bay chiến đấu như F6F, F8F mà Mỹ viện trợ cho Pháp, máy bay B24 lớn hơn nhiều và đắt gấp 10 lần, mang được gần 10 tấn bom, đạn và bay cao hơn, tầm hoạt động xa hơn. Về cấu tạo, B24 thiết kế đầu khá dài, mỗi bên cánh lắp hai động cơ cánh quạt nhô ra phía trước, nên bộ đội cao xạ gọi là máy bay "5 đầu''. Đã có lần pháo cao xạ 37mm của ta đã bắn trúng máy bay B24, nhưng không rơi…

 Đầu tháng 4/1954, Đảng ủy, chỉ huy Trung đoàn Pháo phòng không 367 phát động trong các đơn vị pháo cao xạ và súng máy cao xạ toàn mặt trận đợt thi đua bắn rơi chiếc máy bay thứ 50 của địch trên bầu trời Điện Biên Phủ để mừng sinh nhật Bác Hồ. Hưởng ứng đợt thi đua này, chi bộ Đảng và cán bộ, chiến sĩ Đại đội 828 quyết tâm bắn rơi bằng được chiếc máy bay thứ 50, để giành phần thưởng cao quý về cho đơn vị. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ đại đội bắt tay làm thật tốt mọi công tác chuẩn bị chiến đấu, không để có sơ suất nhỏ nào qua các khâu. Cán bộ đại đội đến tận chiến hào, từng khẩu đội kiểm tra động tác của pháo thủ. Các chiến sĩ thông tin, trinh sát, máy đo xa tranh thủ mọi thời gian luyện tập để bắn máy bay địch.

Ngày 12/4/1954, bầu trời Điện Biên Phủ ngập tràn nắng. Đây là thời tiết tốt để máy bay địch hoạt động. Khoảng 11 giờ 30 phút, có tiếng động cơ máy bay ầm ì từ xa nghe nặng nề và có điểm xen tiếng bom nổ lúc rền lúc ngắt quãng vọng lại. Từ vọng quan sát, chiến sĩ trinh sát thông báo cho toàn đại đội biết có máy bay B24 hoạt động. Ngay lập tức toàn đại đội vào vị trí chiến đấu. Do được huấn luyện tốt, chuẩn bị kỹ nên bộ đội ta nhanh chóng bắt được mục tiêu. Cả 4 khẩu pháo 37mm của đại đội đều hướng về chiếc máy bay to lớn, đang bay bằng ở độ cao chỉ khoảng hơn 2.000m.

Khi chiếc máy bay B24 đã nằm gọn trong kính ngắm của 4 khẩu đội pháo cao xạ 37mm, tiếng chiến sĩ máy đo xa thông báo cự ly đều đặn. Khi đến cự ly 3.000m, chỉ huy đại đội hạ lệnh cho các khẩu đội pháo đồng loạt điểm hỏa. Loạt đạn đầu tiên, rồi loạt đạn thứ hai, thứ ba trùm vào mục tiêu. Chiếc máy bay B24 trúng đạn, loạng choạng lao xuống đất giữa một vạt rừng non gần Bản Kéo, trước khi bùng lửa đỏ rực và phụt khói đen ngòm.

 Đây là chiếc máy bay B24 Privateer đầu tiên do Mỹ chế tạo và viện trợ cho Pháp bị bắn rơi tại chỗ trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

THIỀU VIỆT HƯNG (Theo tư liệu của Quân chủng Phòng không-Không quân)
Theo Theo Quân đội nhân dân
MỚI - NÓNG