Tiết lộ về những họng súng AK trong vụ khủng bố Paris

Pháp coi việc sở hữu súng là bất hợp pháp, vậy số súng AK-47 mà các tay súng sử dụng trong vụ tấn công đẫm máu Paris đêm 13/11 đến từ đâu? Đáng chú ý hơn, những tên khủng bố được cho là sử dùng AK-47S, phiên bản mới nhất của dòng AK-47 để tấn công và khống chế các con tin ở nhà hát Bataclan.

Thủ đô Paris của Pháp vừa trải qua những giờ phút kinh hoàng sau khi những kẻ khủng bố IS gây ra các vụ xả súng và đánh bom gần như đồng thời ở nhiều địa điểm, khiến 127 người thiệt mạng. Những kẻ tham gia vào vụ tấn công khủng bố này hầu hết đều mang theo đai bom và những khẩu súng trường tấn công AK-47, loại vũ khí ưa thích của khủng bố vì khả năng sát thương rất cao.

Vụ tấn công đẫm máu này khiến dư luận đặt câu hỏi về khả năng đảm bảo an toàn cho người dân của các cơ quan an ninh Pháp, nhất là khi nước này vừa trải qua vụ thảm sát kinh hoàng ở tòa soạn báo Charlie Hebdo hồi tháng một, khi các phần tử khủng bố dùng súng AK, súng phóng lựu sát hại 12 người.

Tiết lộ về những họng súng AK trong vụ khủng bố Paris ảnh 1

Những vụ xả súng của khủng bố IS ở Paris đã khiến 127 người thiệt mạng. Ảnh: Reuters.

Theo các chuyên gia phân tích quân sự, Pháp là quốc gia có các quy định kiểm soát vũ khí tương đối chặt chẽ. Không giống như ở Mỹ, người dân Pháp không có quyền mang theo vũ khí, và luật pháp không bảo vệ những cá nhân tự mang theo vũ khí trong người, theo Aljazeera.

Để có thể mua được súng đạn ở Pháp, người dân cần phải có giấy phép săn bắn hoặc bắn súng thể thao. Giấy phép này phải được gia hạn định kỳ, và chủ nhân của nó phải trải qua các bài kiểm tra về tâm lý.

Để sở hữu những loại súng trường bán tự động có hộp tiếp đạn nhiều hơn ba viên, hoặc các loại súng trường, súng ngắn quân dụng bán tự động, người dân đều phải có giấy phép. Tất cả các loại súng tự động như AK-47 đều bị cấm đối với dân thường. Nếu bị phát hiện mua bán hay sở hữu súng bất hợp pháp, công dân Pháp có thể phải ngồi tù tới 7 năm cộng thêm một khoản tiền phạt lớn.

Nhưng những quy định tưởng như nghiêm ngặt này vẫn không thể ngăn chặn được tình trạng sở hữu súng bất hợp pháp tràn lan ở Pháp, và việc những kẻ khủng bố trong vụ 13/11 hay vụ Charlie Hebdo đều sử dụng những khẩu súng quân dụng đáng sợ nhất đã chứng minh điều đó.

Báo cáo của tổ chức Giám sát Tội phạm Quốc gia ở Paris cho thấy số lượng vũ khí bất hợp pháp ở Pháp đã tăng nhang lên mức hai con số trong vòng vài năm qua, và hiện số súng trái phép ở nước này nhiều gấp đôi súng hợp pháp.

Trong một cuộc kiểm tra đột xuất những ngôi nhà tại 4 con phố ở Pháp hồi tháng 10/2014, cảnh sát đã phát hiện hàng trăm khẩu súng khác nhau, trong đó có cả súng trường tấn công, súng máy và súng ngắn tự động. Đường dây buôn bán súng qua Internet này hoạt động trên khắp thủ đô Paris, với tổng cộng 48 người bị bắt giữ.

Nguồn cấp súng bất hợp pháp

Theo các chuyên gia về vũ khí, phần lớn các loại súng bất hợp pháp trên thị trường chợ đen Pháp và các nước Tây Âu đều có nguồn gốc từ những nước nơi người dân được phép mang súng và có chế độ kiểm soát súng lỏng lẻo, hoặc được tuồn về từ các vùng chiến sự.

"Một lý do khiến chúng ta thấy nhiều súng AK-47 trên thị trường chợ đen đến vậy là vì gần đây quân đội một số nước Đông Âu đã nâng cấp vũ khí trang bị cho lục quân của mình, tạo ra một lượng dư thừa lớn súng AK-47 đời cũ", Kathie Lynn Austin, chuyên gia về buôn lậu vũ khí tại Dự án Nhận thức Xung đột, cho hay.

Tiết lộ về những họng súng AK trong vụ khủng bố Paris ảnh 2

Cảnh sát khám xét một người đàn ông bên ngoài nhà hát Bataclan. Ảnh: Reuters.

Những loại súng sót lại sau các cuộc chiến tranh, xung đột cũng được tuồn qua biên giới các nước, chẳng hạn như sau cuộc nổi dậy ở Libya năm 2011. Hiệp hội Chính sách Đối ngoại có trụ sở ở New York ước tính có hàng triệu khẩu súng ở các vùng xung đột, nơi các quan chức chính phủ hầu như không kiểm soát được chúng.

"Có nhiều lý do để lo ngại rằng số súng đó đang tìm đường đến Tây Âu", Glenn McDonald, chuyên gia tại nhóm Khảo sát Vũ khí Nhỏ ở Geneva, cho hay.

Theo bà Austin, chính phủ một số nước đã tham gia vào hoạt động "buôn bán vũ khí trên thị trường xám", nơi số súng họ bán ra có thể lọt vào tay các đầu nậu chợ đen. Trên thế giới hiện nay có khoảng 1.000 nhà sản xuất súng của gần 100 quốc gia được phép xuất khẩu súng đạn hợp pháp.

Các chuyên gia cho rằng những tay lái súng thường làm giả các loại giấy tờ, giấy phép của chính phủ để hợp thức hóa cho các loại vũ khí xuất ra nước ngoài của mình. Theo chuyên gia McDonald, đây chính là con đường mà những kẻ khủng bố ở Pháp có thể sở hữu trong tay những khẩu AK-47 chết người.

Theo đó, các phần tử khủng bố này có thể tìm mua vũ khí trên mạng Internet, thanh toán bằng các loại tiền ảo như bitcoin để tránh bị nhà chức trách theo dõi. Các chuyên gia cho biết chỉ với vài cú click chuột, khách hàng có thể mua được một khẩu AK-47 với giá chưa đến 2.000 USD.

Sau vụ khủng bố kinh hoàng ngày 13/11 ở Paris, nhiều người đã kêu gọi chính phủ Pháp nới lỏng quy định về sở hữu vũ khí, để người dân được phép mang theo bên mình các loại súng hợp pháp và tự vệ trong trường hợp bị khủng bố tấn công.

Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng đây không phải là biện pháp hay, bởi việc nới lỏng quy định chỉ càng khiến súng xuất hiện nhiều hơn trong xã hội, và các phần tử khủng bố có thể sở hữu súng dễ dàng hơn. Ngoài ra, họ không tin rằng một người dân bình thường với khẩu súng ngắn trong tay có thể chống lại được vài tên khủng bố mang theo súng trường tấn công AK-47, và chỉ tự làm hại mình trong các cuộc tấn công.

Bởi vậy, các chuyên gia chỉ ra rằng vấn đề thực sự hiện nay của Pháp và nhiều nước Tây Âu là truy quét, xóa sổ các đường dây buôn lậu vũ khí, áp dụng các biện pháp theo dõi vũ khí từ các vùng chiến sự có hệ thống hơn nữa, thay vì nới lỏng luật sở hữu vũ khí cho cá nhân.

Tiết lộ về những họng súng AK trong vụ khủng bố Paris ảnh 3

Giới chức an ninh Pháp đang cố gắng sớm xác định được danh tính, nhân thân của 8 kẻ tấn công khủng bố đã thiệt mạng trong đó có 7 kẻ chết vì đánh bom liều chết và một kẻ bị cảnh sát tiêu diệt.

Những tên khủng bố đã dùng súng AK-47 đời mới nhất

Những tên khủng bố được cho là đã dùng súng tiểu liên AK-47S, loại súng AK-47 đời mới nhất để tấn công và khống chế các con tin ở nhà hát Bataclan.

Các thiết bị quân sự, súng đạn mà chúng mang theo người, như nhận định của Ghenem Nuseibeh, cũng đều là những đồ nghề đơn giản nhưng căn bản nhất và vẫn có thể gây sát thương nhiều nhất.

Hiện tại, giới chức an ninh Pháp đang cố gắng sớm xác định được danh tính, nhân thân của 8 kẻ tấn công khủng bố đã thiệt mạng trong đó có 7 kẻ chết vì đánh bom liều chết và một kẻ bị cảnh sát tiêu diệt.

Các kết quả điều tra sơ bộ cũng cho thấy, 4 tay súng đã bị tiêu diệt ngay trong nhà hát Bataclan, 3 tay súng bị tiêu diệt gần sân vận động quốc gia và 1 tay súng thiệt mạng trên một đường phố ở khu vực Đông thủ đô Paris.

Phát biểu trước báo giới, Trưởng công tố Francois Molins cho biết cuộc điều tra nhằm truy tìm những kẻ tòng phạm cũng như những kẻ chủ mưu đứng đằng sau vụ tấn công được xác định là cuộc điều tra liên quan tới "những vụ giết người có dính líu tới một tổ chức khủng bố”.

Những tên khủng bố được cho là đã dùng súng tiểu liên AK-47S, loại súng AK-47 đời mới nhất để tấn công và khống chế các con tin ở nhà hát Bataclan.

Theo Theo VnExpress/Công An Nhân Dân
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.