Trai Hà Thành canh miền biên viễn

Trai Hà Thành canh miền biên viễn
Họ là những thanh niên ưu tú của thủ đô Hà Nội, gác việc đèn sách còn dang dở, bỏ lại sau lưng những niềm ưu tư, trăn trở để lên đường thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng của Tổ Quốc.
Nguyễn Quốc Trung (ngoài cùng bên trái), Nguyễn Phước Đạt (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội tâm tình về những ước mơ, hoài bão trong tương lai.
Nguyễn Quốc Trung (ngoài cùng bên trái), Nguyễn Phước Đạt (ngoài cùng bên phải) cùng đồng đội tâm tình về những ước mơ, hoài bão trong tương lai..

Giờ đây nơi miền biên viễn cực Đông Bắc, khi đã trở thành chiến sĩ, họ ngày đêm cần mẫn, tích cực học rèn, đôi tay luôn chắc cây súng giữ vững từng tấc đất biên cương, quyết tâm phát huy truyền thống “Trai Hà Thành”.

Gác lại hành trang đại học

Trong câu chuyện mở đầu với chúng tôi, Trung tá Bùi Xuân Bình, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 43, Sư đoàn 395 (Quân khu 3) dành rất nhiều câu từ tốt đẹp để ghi nhận và ngợi khen các chiến sĩ mới (CSM) nguyên là những chàng trai Thủ đô. Trước hết là vì họ đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trên giao trong thời gian qua. Hơn thế nữa, họ là những thanh niên giám gác lại những hoài bão, khát vọng nghề nghiệp để lên đường nhập ngũ. Trong số hơn 50 chiến sĩ Hà Nội, có rất nhiều đồng chí nguyên là những sinh viên đại học tự nguyện gác sự nghiệp đèn sách, khoác ba lô lên đường nhập ngũ.

Binh nhì Nguyễn Quốc Trung, Tiểu đội 6, Trung đội 18, Đại đội 9B, Tiểu đoàn 9 người nhỏ nhắn, nước da trắng trẻo thế nhưng suy nghĩ và lý tưởng của Trung thì thật lớn. Đang là sinh viên năm thứ 4 Khoa Khí tượng - Thủy văn - Hải dương, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc Gia Hà Nội), nhưng khi nhận lệnh gọi nhập ngũ, nghe theo lời ông nội, Trung chủ động viết đơn xin nhà trường được bảo lưu kết quả. Trung kể:

- Tất cả các môn học em đều qua cả, nên cũng tiện khi lên đường nhập ngũ! Khi em lên trường xin bảo lưu kết quả, mọi người hết sức ngạc nhiên vì em thuộc đối tượng được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự. Thấy em quyết tâm, thầy giáo ở phòng giáo dục-đào tạo, cuối cùng cũng đồng ý: “Chúc đồng chí lên đường chân cứng đá mềm. Khi nào mang giấy xuất ngũ về, thầy trò ta lại tiếp tục gặp nhau trên giảng đường…”.

Gác việc học, đến với đơn vị, thời gian đầu vất vả nên Trung cũng thấy hụt hẫng. Thế nhưng, sau một thời gian ngắn Trung đã cảm nhận được niềm vui trong công việc và hạnh phúc trước quyết định của mình. Trung cho biết, thời gian tới, em sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa, để được kết nạp Đảng khi đang tại ngũ. Sau khi xuất ngũ, Trung chỉ cần thi khóa luận nữa là sẽ ra trường…

Cũng gác hành trang đại học để vào bộ đội, nhưng chàng sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Kinh doanh Công nghệ Nguyễn Phước Đạt lại là người chủ động viết đơn tình nguyện xung phong vào quân đội. Đạt chia sẻ:

- Mong muốn của em là được trở thành người sĩ quan quân đội, khao khát được sống trong môi trường quân ngũ. Em năm nay 24 tuổi, sợ mãi bận bịu chuyện học hành, ra trường lại cuốn vào công việc mà không được nhập ngũ nên em chủ động viết đơn tình nguyện đi bộ đội.

Điểm đặc biệt của chàng trai sinh ra và lớn lên ở số nhà 39, ngõ Hòa Bình (Hai Bà Trưng, Hà Nội) là thời điểm xung phong nhập ngũ chính là giai đoạn Đạt đang làm đề án tốt nghiệp. Khi viết đơn, Đạt phải đối diện với rất nhiều lời bàn tán. Nhiều bạn cùng khóa còn phân tích thiệt hơn và gán cho Đạt cái biệt danh “dở hơi”. Thế nhưng bỏ qua tất cả, gác lại việc đèn sách, Đạt vững bước lên đường.

“Gói buộc” lời hứa

Cũng là con trai Hà Nội như Trung và Đạt, mỗi chiến sĩ là công dân Thủ đô ở Tiểu đoàn 9 đến với đơn vị không chỉ có hành trang tri thức mà còn cả lý tưởng cống hiến và tình yêu môi trường quân đội. Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong đội ngũ CSM đợt 2-2012 ở Trung đoàn 43, thì thanh niên Thủ đô có chất lượng tốt nhất. Đa số anh em đều tốt nghiệp THPT và có gần 5% đang là sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Anh Bình nói:

- Anh em có trình độ, nên nhận thức rất nhanh. Hơn nữa với truyền thống của thanh niên Hà Nội, CSM năm nay rất đoàn kết, phát huy tốt vai trò là những hạt nhân và là những điển hình tiên phong trong nhiều hoạt động, nhất là việc học và rèn.

Đúng như đánh giá của đồng chí phó chính ủy, kết quả huấn luyện nói chung, kết quả kiểm tra 3 môn tiếng nổ nói riêng: 100% CSM người Hà Nội đều đạt khá, giỏi. Gặt hái được kết quả đó, theo nhận xét của nhiều cán bộ thì trình độ của chiến sĩ chỉ là điều kiện cần, quan trọng là tuổi trẻ Thủ đô đã biết đoàn kết, yêu thương, quyết tâm cùng nhau thực hiện các nhiệm vụ!

“Chỉ vỏn vẹn hơn 2 tháng, mà sự trưởng thành của CSM Hà Nội làm ngay cả chúng tôi cũng phải bất ngờ”, Thượng úy Lý Sinh Sơn, Trợ lý thanh niên Trung đoàn tâm sự. Bởi lẽ, theo anh Sơn, những ngày đầu tiếp nhận bộ đội, nhiều cán bộ không tránh được cảm giác lo lắng ban đầu khi một số thanh niên vẫn còn những tính cách nóng nảy, có những hành vi và thói quen thiếu lành mạnh ngoài xã hội... Vậy mà giờ đây trăm người như một: Từ mái tóc, vóc dáng, cử chỉ, điệu bộ, lời nói…

Trải lòng với chúng tôi, các CSM người Hà Nội cho biết, lý do giúp anh em vượt qua mọi khó khăn, vất vả, phấn đấu trưởng thành là nhờ họ đã chuẩn bị tâm thế lúc ra đi. Có nghĩa, trong bộn bề những cung bậc tâm lý, ngoài những hoài bão, lý tưởng, ý chí… còn có cả tâm thế của trai Hà Thành. Đó là dáng vóc vững trãi được hun đắp bởi sức mạnh to lớn từ tình cảm của người hậu phương. Bởi thế, trước lúc lên đường, nhiều CSM đã không quên gói buộc lời hứa với ông bà, bố mẹ, bạn bè, hay với một người con gái… Họ nguyện ước và hứa chắc nịch rằng sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ Tổ quốc giao.

“Chúng em luôn căn dặn nhau phải hoàn thành thật tốt mọi nhiệm vụ đơn vị giao, để tạo ra nét riêng, nét đặc trưng của những chàng trai Hà Thành. Chúng em sẽ quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ canh giữ vùng trời miền biên viễn phía Đông Bắc Tổ quốc này”, Đạt nói như hứa với chúng tôi.

Theo QDND

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.