Trận chiến hủy diệt hải quân đế quốc Nga đầu thế kỷ 20

Trận chiến Tsushima năm 1905 đặt dấu chấm hết cho tham vọng trên biển của đế quốc Nga.

Đế quốc Nga đầu thập niên 1900 là một trong những cường quốc mạnh nhất ở châu Âu, sở hữu lực lượng hải quân được đánh giá là rất hùng mạnh. Tuy nhiên, lực lượng hùng hậu đó lại hứng chịu thất bại thê thảm trước Nhật Bản khi thực hiện chính sách bành trướng ở Viễn Đông, theo National Interest.

Để mở rộng phạm vi hoạt động của mình, hải quân Nga phải tìm cảng nước ấm, bởi quân cảng chính Vladivostok ở Thái Bình Dương bị đóng băng vào mùa đông, chỉ có thể hoạt động vào mùa hè. Nga quyết định thuê cảng Arthur nằm ở tỉnh Đại Liên, Trung Quốc, nơi tàu chiến có thể vận hành quanh năm.

Lo lắng trước nguy cơ đế quốc Nga sẽ tranh giành ảnh hưởng trên bán đảo Triều Tiên, Nhật đưa ra đề nghị thừa nhận quyền kiểm soát của Nga ở miền bắc Trung Quốc, đổi lại Nga sẽ công nhận quyền thống trị của Nhật ở Triều Tiên. Tuy nhiên đề xuất này bị Nga từ chối. Nga yêu cầu lãnh thổ Triều Tiên ở phía bắc vĩ tuyến 39 trở thành vùng đệm trung lập.

 Người Nhật coi đây là hành động khơi mào chiến tranh. Tháng 4/1904, hải quân, lục quân Nhật bất ngờ tấn công, mở đầu chiến dịch vây hãm cảng Arthur, gây nhiều thiệt hại cho Hạm đội Viễn Đông Nga.

Sa hoàng Nicholas II ra lệnh cho Hạm đội Baltic dưới sự chỉ huy của đô đốc Zinovy Rozhestvensky di chuyển nửa vòng Trái Đất tới cảng Athur để hỗ trợ Hạm đội Viễn Đông. 

Sau hành trình kéo dài 7 tháng, hạm đội của Rozhestvensky gồm 8 thiết giáp hạm và 30 tàu chiến khác được gọi là Liên đội Thái Bình Dương số 2, cuối tháng 5/1905 mới bắt đầu tiếp cận cảng Vladivostok.

Để tiết kiệm thời gian, Rozhestvensky cho hạm đội đi theo hành trình ngắn nhất, băng qua eo biển Tsushima giữa đảo Kyushu của Nhật và bán đảo Triều Tiên. Nếu tận dụng được màn sương mù dày đặc ban đêm, hạm đội tàu Nga có cơ hội thoát khỏi đối phương.

Trận chiến hủy diệt hải quân đế quốc Nga đầu thế kỷ 20 ảnh 1

Hạm đội Nhật (đỏ) chặn đánh liên đội tàu chiến Nga (xanh). Ảnh: Wikipedia.

Tuy nhiên, vào lúc 2h45 sáng, một tuần dương hạm Nhật phát hiện liên đội tàu chiến Nga và sử dụng thiết bị điện báo vô tuyến để phát cảnh báo. Tới 5h sáng, toàn bộ lực lượng Nhật đã biết về sự xuất hiện của hạm đội tàu chiến Nga.

Không phí phạm thời gian, hạm đội hỗn hợp của Nhật triển khai đội hình chạy cắt mặt (chiến thuật chữ T) để chặn đánh tàu chiến Nga. Chiến thuật này cho phép tàu Nhật khai hỏa số lượng lớn pháo bên mạn, trong khi tàu chiến Nga chỉ có thể bắn trả từ các tháp pháo trước. Ngay sau khi trận chiến Tshushima diễn ra, hỏa lực vượt trội phía Nhật khiến hầu hết hạm đội Nga bị hư hại nặng nề.

Trong vài giờ, hạm đội Nga hứng chịu hàng trăm phát đạn pháo, khiến tàu Oslyabya và Borodino chìm xuống biển cùng với toàn bộ thủy thủ đoàn.

Đô đốc Rozestvensky bị loại khỏi vòng chiến vì một mảnh đạn pháo. Phó tư lệnh Nebogatov nhận quyền chỉ huy, nhưng không làm được gì nhiều. Hạm đội Nhật tiếp tục cơ động lực lượng theo đội hình chữ T. Tới buổi tối, thiết giáp hạm Knyaz Suvorov và Imperator Aleksandr III cũng bị đánh đắm, trong khi phía Nhật chỉ chịu tổn thất nhẹ.

Màn đêm cũng không khiến nhịp độ trận đánh chậm lại. Phía Nhật tung 37 khu trục hạm và tàu phóng lôi vào cuộc, tấn công liên tục trong suốt 3 giờ, khiến toàn bộ hạm đội Nga lâm vào tình trạng hỗn loạn. Hạm đội Nga buộc phải phân tán thành nhiều nhóm nhỏ, mỗi nhóm tự tìm đường di chuyển về phía bắc.

Trận chiến hủy diệt hải quân đế quốc Nga đầu thế kỷ 20 ảnh 2

Các tàu chiến Nga bị bắn phá dữ dội trong trận Tsushima. Ảnh: Wikipedia.

Thiết giáp hạm Navarin chìm sau khi trúng 4 ngư lôi, chỉ 3 trong số 622 thành viên thủy thủ đoàn sống sót. Thiết giáp hạm Sissoi Veliky bị hư hỏng nặng sau khi trúng một ngư lôi, khiến quân Nga phải tự đánh chìm nó vào ngày hôm sau. Hai tuần dương hạm bọc thép cũ khác cũng chịu số phận tương tự. Trong khi đó, hải quân Nhật chỉ mất ba tàu phóng lôi.

Sáng 28/5, phần còn lại của hạm đội Nga vẫn hướng về phía bắc, trong khi tàu chiến Nhật vây hãm biên đội 4 thiết giáp hạm của Nebogatov. Nhận ra tình thế bị áp đảo, Nebogatov ra tín hiệu đầu hàng (XGE) theo bộ mã quốc tế. Tuy nhiên, bộ mã hải quân Nhật không có tín hiệu này, khiến họ không hiểu thông điệp phía Nga và tiếp tục bắn phá.

Sau đó, Nebogatov ra lệnh treo vải trắng lên đỉnh cột buồm, nhưng phía Nhật không tin và tiếp tục nã pháo. Quá tuyệt vọng, Nebogatov ra lệnh cho các tàu giương cờ hải quân Nhật Bản và dừng hết động cơ. Chỉ tới lúc đó, quân Nhật mới ngừng bắn và chấp nhận sự đầu hàng của hạm đội Nga.

Sau trận đánh ở eo biển Tsushima, 8 thiết giáp hạm Nga bị chìm, 4 chiếc đầu hàng. 4 trong số 8 tàu tuần dương và 6 trên 9 tàu khu trục cũng bị đắm, với tổn thất về người gồm 4.380 thủy thủ thiệt mạng, 5.917 người bị bắt giữ và 1.862 người bị giữ làm con tin. Chỉ có một tuần dương hạm và hai tàu khu trục Nga chạy thoát được tới được Vladivostok. Phía Nhật mất ba tàu phóng lôi với 117 thủy thủ thiệt mạng và hơn 500 người bị thương.

Trận Tsushima không chỉ chấm dứt Chiến tranh Nga - Nhật với phần thắng nghiêng về phía Nhật mà còn đưa hải quân nước này lên ngang hàng với các siêu cường phương Tây chỉ sau một đêm.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG