Trận tập kích bi thảm nhất của Mỹ trong Thế chiến II

Oanh tạc cơ B-24 Liberator bay trên đầu mục tiêu ở Ploesti, Romania tháng 8/1943. Ảnh: US Army.
Oanh tạc cơ B-24 Liberator bay trên đầu mục tiêu ở Ploesti, Romania tháng 8/1943. Ảnh: US Army.
Không quân Mỹ hứng chịu thiệt hại nặng nề khi thực hiện Chiến dịch Sóng Thủy tấn công tổ hợp lọc dầu được bảo vệ rất nghiêm ngặt của Đức Quốc xã.

Mùa hè năm 1943, không quân Mỹ phát động một chiến dịch táo bạo có tên gọi "Sóng Thủy triều", nhằm phá hủy cơ sở sản xuất dầu lớn nhất của phe Trục ở Ploesti, Romania, mà không hề hay biết đây là một trong những thành phố được Đức Quốc xã bảo vệ nghiêm ngặt nhất thời điểm đó, theo We Are the Mighty.

Cất cánh từ Benghazi, Libya, 177 oanh tạc cơ B-24 Liberator từ 5 không đoàn của Mỹ tham gia chiến dịch. Tuy nhiên, lực lượng tập kích đường không này đã gặp một loạt sự cố trước khi đến được Ploesti.

Sáng sớm ngày 1/8/1943, ngay khi xuất kích thực hiện nhiệm vụ từ sân bay Benghazi, Libya, một oanh tạc cơ bị quá tải đã va chạm với đường băng khi cất cánh khiến cánh máy bung ra và nó lao xuống biển.

Khi tiếp cận mục tiêu, phi đội oanh tạc cơ của không đoàn 98 bị tụt lại phía sau khiến đội hình bay tách thành hai nhóm. Sau đó, trục trặc ở thiết bị định hướng khiến nhóm dẫn đầu bay lệch khỏi Ploesti hướng sang Bucharest.

Sau khi phát hiện ra nhầm lẫn, phi đội oanh tạc cơ của không đoàn 93 do trung tá Addison Baker chỉ huy liền chuyển sang phía bắc, hướng về các cơ sở lọc dầu. Thấy vậy, không đoàn 376 do đại tá Keith Compton và chuẩn tướng Uzal Ent chỉ huy cũng chuyển hướng về mục tiêu nhưng bất ngờ chạm mặt các hệ thống phòng không của Đức.

Hỏa lực ồ ạt từ mặt đất nhanh chóng bao trùm đội hình oanh tạc cơ Mỹ trong quá trình tập kích, khiến các phi công phải tìm mọi cách để tiếp cận và tấn công mục tiêu.

Một máy bay trúng đạn, cố gắng hạ độ cao để phi hành đoàn nhảy dù ra ngoài nhưng đã quá muộn. Chiếc máy bay này lao vào mục tiêu rồi phát nổ khiến mọi người trên khoang thiệt mạng.

Trận tập kích bi thảm nhất của Mỹ trong Thế chiến II ảnh 1

Các oanh tạc cơ xuất phát từ Benghazi, Libya tập kích vào Poesti và rút về theo cùng tuyến đường. Ảnh: BCwarmap.

Không thể tìm được hướng tiếp cận hợp lý đến các cơ sở lọc dầu chính, không đoàn 376 buộc phải ra lệnh ném bom các mục tiêu khác trước khi quay trở về căn cứ. Một phi đội 6 máy bay đã vượt qua hệ thống phòng không của Đức và tấn công mục tiêu nhưng không hiệu quả.

Ngay khi lực lượng còn lại của không đoàn 93 và 376 rời khỏi mục tiêu, các oanh tạc cơ bay không theo đội hình của không đoàn 98 và 44 cùng nhóm 5 máy bay khác theo lộ trình chuyển hướng sang phía bắc để tấn công các tổ hợp riêng rẽ.

Trong lúc không đoàn 98 và 44 tìm đường bay đến Ploesti, không đoàn 389 đã tấn công nhà máy lọc dầu Campina ở phía bắc. Dù nhà máy này không được bảo vệ nghiêm ngặt như cơ sở chính, các oanh tạc cơ Mỹ vẫn vấp phải sự kháng cự quyết liệt.

Máy bay của trung úy Lloyd Herbert Hughes nhiều lần trúng đạn ở các bình chứa khiến nhiên liệu bị rò rỉ khi tiếp cận mục tiêu. Quyết tâm thực hiện nhiệm vụ, Hughes đã điều khiển máy bay đang bốc cháy lao tới ném bom vào mục tiêu, sau đó buộc phải hạ cánh khẩn cấp. Anh và 5 thành viên phi hành đoàn khác trên khoang thiệt mạng, trong khi những người khác bị bắt giữ.

Máy bay của trung úy Robert Horton bị hư hại nặng do trúng hỏa lực địch và rơi làm 9 người thiệt mạng. Thượng sĩ Zerrill Steen, pháo thủ và là thành viên duy nhất sống sót đã tiếp tục khai hỏa vào các cứ điểm địch cho đến viên đạn cuối cùng và bị bắt giữ.

Kết thúc chiến dịch, Mỹ đã phải trả cái giá rất đắt cho một cuộc tập kích táo bạo nhưng không mang lại nhiều kết quả. Chỉ có 89/177 oanh tạc cơ cất cánh từ Benghazi trở về được căn cứ. Đức Quốc xã đã bắn hạ 54 chiếc, còn lại đều bị rơi khi hạ cánh xuống các căn cứ trong khu vực. Hơn 300 lính Mỹ tử trận, trên 100 người khác bị bắt giữ. 1/3 trong số 89 oanh tạc cơ sống sót trở về không thể cất cánh sau đó. 

Trận tập kích bi thảm nhất của Mỹ trong Thế chiến II ảnh 2

Oanh tạc cơ B-24 Liberator Mỹ tại sân bay Benghazi, Libya trước khi xuất kích thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: USAF.

Dù cơ sở lọc dầu ở Campina không thể hoạt động trong suốt thời gian còn lại của cuộc chiến, những tổn thất trong việc sản xuất dầu đã được Đức khôi phục chỉ sau hai tuần.

Do những tổn thất nhân mạng lớn của các thành viên tham gia chiến dịch này, ngày 1/8 được xem như "Ngày chủ nhật đen tối" của không quân Mỹ trong Thế chiến II. 

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG