Trung Quốc, cường quốc ‘rất mạnh nhưng mạnh chưa đủ’

Liệu Trung Quốc có bước vào vết xe đổ của Nhật Bản thời trước, lấy sức mạnh quân sự hòng đạt được vị thế thống trị?
Liệu Trung Quốc có bước vào vết xe đổ của Nhật Bản thời trước, lấy sức mạnh quân sự hòng đạt được vị thế thống trị?
TPO - Có lẽ thời điểm nguy hiểm nhất đối với một cường quốc đang lên như Trung Quốc là khi họ đủ mạnh để cảm thấy tự tin và khơi dậy sự nghi ngờ từ các đối thủ, nhưng chưa đủ mạnh để bảo vệ vị trí mới của mình khi đối mặt với sự kháng cự.

Đó là nhận định của học giả Rodger Baker của hãng phân tích an ninh Stratfor về các vấn đề toàn cầu và xu hướng trong tương lai (*)

Theo ông Rodger Baker, Trung Quốc được củng cố bởi những chuỗi cung ứng dài, buộc phải giao thoa kinh tế và chính trị lớn hơn để bảo vệ lợi ích của mình và ngày càng bị lôi kéo vào vấn đề an ninh. Nước này sử dụng đòn bẩy kinh tế, chính trị và quân sự để mở rộng phạm vi hoạt động trực tiếp của mình, từ biển Đông đến Ấn Độ và trên khắp Trung Á, vào châu Âu.

Càng can dự nhiều trên trường quốc tế, Trung Quốc càng phụ thuộc vào việc duy trì và củng cố các mối liên hệ đó, điều rất quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và quản lý các vấn đề của một đất nước dân số đông đảo, đa dạng và bất bình đẳng về kinh tế.

Có lẽ thời điểm nguy hiểm nhất đối với một cường quốc đang lên là khi họ đủ mạnh để cảm thấy tự tin và khơi dậy sự nghi ngờ từ các đối thủ, nhưng chưa đủ mạnh để bảo vệ vị trí mới của mình khi đối mặt với sự kháng cự. “Một cảm giác hoang mang về vận mệnh và sự bất an có thể dẫn đến mức độ chấp nhận rủi ro cao hơn, cảm giác cấp bách hơn và đôi khi, tự cho mình là có trách nhiệm hiện thực hóa những lời tiên tri nào đó về vận mạng đất nước trong đối đầu quốc tế”, ông Baker viết trên Real Clear.

Sự trỗi dậy của đế quốc Nhật Bản từ cuối những năm 1800 đến Thế chiến II là một ví dụ điển hình. Là một cường quốc công nghiệp trong kỷ nguyên của các đế chế, Nhật Bản được khuyến khích bởi những thắng lợi trong Chiến tranh Trung-Nhật trong thập kỷ cuối của thế kỷ 19 và Chiến tranh Nga-Nhật trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20. Kỳ vọng của Nhật Bản là được chấp nhận vị thế ngang bằng giữa các đế chế và quốc gia hàng đầu thời bấy giờ đã bị phá vỡ bởi các trật tự sau Thế chiến I, và một Tokyo bực bội và bất an cuối cùng đã củng cố sức mạnh quân đội để bành trướng, hòng giành quyền lãnh đạo châu Á- Vùng Thái Bình Dương.

Khi sức mạnh của Nhật Bản tăng lên và tham vọng đế quốc lộ rõ, việc này đã gây ra phản ứng kinh tế, chính trị từ Mỹ và các cường quốc khác. Washington cắt nguồn cung cấp hàng hóa quan trọng cho đế chế Nhật Bản đang bành trướng. Khả năng của Mỹ kìm hãm nền kinh tế Nhật Bản, và đặc biệt là những nỗ lực chiến tranh ở Trung Quốc, là một mối đe dọa hiện hữu đối với lợi ích chiến lược của Nhật Bản và Nhật Bản đã quá quả quyết với tham vọng đế quốc, đến mức không thể rút lui và chấp nhận ràng buộc. Bất chấp nguy cơ thua cuộc, Nhật Bản đã chọn dùng quân sự chống lại Mỹ, và kết quả ra sao thì thế giới đã biết.

Tuy nhiên, Trung Quốc không phải là Hoàng gia Nhật Bản. Và thế giới ngày nay không phải là thế giới của các đế chế, thời mà chinh phục các nước láng giềng là một thông lệ chung của quan hệ quốc tế. Nhưng Trung Quốc đang ở thời điểm tương tự như một nước Nhật Bản đang trỗi dậy trong lịch sử.

Trong nửa thế kỷ  qua, Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển từ một quốc gia đang phát triển sang một quốc gia có năng lực công nghệ và khả năng cạnh tranh ngày càng tăng, là nơi có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có một trong những quân đội hiện đại và lớn nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình, người nhậm chức năm 2013, xã hội Trung Quốc cũng đã xích lại gần nhau hơn xung quanh một chủ nghĩa dân tộc mới với các tuyên bố về lịch sử 5000 năm của đất nước và sự phẫn nộ về cái gọi là "thế kỷ của sự sỉ nhục" dưới bàn tay đế quốc phương Tây và Nhật Bản.

Tuy nhiên, thách thức đối với Trung Quốc là những lo ngại quốc tế về "sự trỗi dậy của Trung Quốc" không còn bị bỏ qua hay chìm trong các cuộc tranh luận về toàn cầu hóa và chủ nghĩa dân tộc. Sự cân bằng quyền lực tương đối với Mỹ không còn là điều Washington có thể coi thường. Và ngay cả Liên minh châu Âu vốn tiên phong của chủ nghĩa toàn cầu, ngày càng quan tâm đến phạm vi kinh tế và quyền lực của Trung Quốc, và đang thực hiện các bước để hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào các lĩnh vực quan trọng.

Trung Quốc đã đạt đến một điểm rủi ro trong phát triển quốc tế, khi sức mạnh kinh tế và chiến lược của họ được coi là đủ lớn để phải đáp trả, nhưng Trung Quốc chưa đủ mạnh để chống lại một thách thức đối kháng được phối hợp nhiều bên.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có thể được tóm tắt trong một từ duy nhất: vỗ về. Trong khi có những lúc căng thẳng tột độ, mục đích chung là cố gắng lôi kéo Trung Quốc vào một hệ thống thế giới tập trung ở Bắc Đại Tây Dương, dựa trên chủ nghĩa tự do dân chủ và chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Tránh đối đầu công khai là một phần quan trọng của chính sách này - và là thứ Trung Quốc đã nhanh chóng học cách khai thác.

Ví dụ, sự bành trướng thường xuyên của Bắc Kinh ở biển Đông luôn luôn tăng, theo mức tăng nhỏ đến mức Washington phải cân nhắc chi phí đáp trả là quá cao. Nhưng như nhiều học giả đã phân tích, thời vỗ về của Mỹ với Trung Quốc đã hết. Liệu Trung Quốc có bước tiếp vào vết xe đổ của Nhật Bản? Chỉ thời gian mới có câu trả lời chính xác.

(*) Các nhận định trên là ý kiến riêng của ông Baker, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tiền Phong

MỚI - NÓNG