Trung Quốc đóng tàu sân bay thứ hai

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc tên là Liêu Ninh. Ảnh: Guardian
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc tên là Liêu Ninh. Ảnh: Guardian
TP - Chính quyền địa phương Trung Quốc vừa thông báo ngụ ý rằng, nước này đang đóng tàu sân bay thứ hai. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ nói Trung Quốc không nên bắt nạt những nước nhỏ trong tranh chấp biển đảo.

Chính quyền Thường Châu (tỉnh Giang Tô) vừa thông báo trên tài khoản chính thức của họ trên mạng xã hội Sina Weibo rằng “năm 2015, thành phố chúng ta sẽ tập trung thực hiện một số chương trình lớn”, trong đó có việc Tập đoàn Cáp Thượng Thượng Giang Tô “giành được hợp đồng cung cấp cáp cho tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc”. Tờ Changzhou Evening News (Tin tức Buổi tối Thường Châu) cũng đăng tin tương tự hồi cuối tuần qua. Cả bài báo và thông báo của chính quyền Thường Châu đều không cung cấp thông tin chi tiết về dự án tàu sân bay mới của Trung Quốc. 

“Trung Quốc không nên bắt nạt những nước nhỏ như Việt Nam hay Philippines trong vấn đề biển, mà nên nỗ lực giải quyết hòa bình theo luật pháp quốc tế”. 

Tổng thống Mỹ Barack Obama

Theo China Daily, Phó Tham mưu trưởng Hải quân Trung Quốc, ông Song Xue, phát biểu hồi tháng 4/2013 rằng, nước này “sẽ có hơn một tàu sân bay”, nhưng để ngỏ vấn đề thời gian. Ông Wang Min, Bí thư Tỉnh ủy Liêu Ninh, từng tiết lộ tương tự, rằng Trung Quốc đang chuẩn bị để hoàn tất tàu sân bay thứ hai vào khoảng năm 2020. Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc hiện được đặt ở tỉnh Liêu Ninh.

Mới đây, nhiều bài báo liên quan dự án tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc bị gỡ bỏ khỏi internet theo yêu cầu của cơ quan tuyên giáo nước này, trang tin Mỹ China Digital Times đưa tin. Trong khi đó, báo chí chính thống của Trung Quốc và nước ngoài đăng tải ý kiến của nhiều người Trung Quốc theo chủ nghĩa dân tộc, rằng nước này cần đóng thêm tàu sân bay để đối phó “những hành động khiêu khích do phương Tây hậu thuẫn”, AP đưa tin. 

Dù chi tiêu quốc phòng đang tăng 2 con số và đã có tàu sân bay, nhưng Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ về năng lực quân sự. Tuần trước, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng, công tác huấn luyện của nước này trong năm nay sẽ tập trung “cải thiện năng lực chiến đấu” để chiến thắng “những cuộc chiến tranh khu vực”, trong bối cảnh Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo với một số nước trong khu vực. 

Ông Obama: Trung Quốc không nên bắt nạt nước nhỏ

Trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN về chuyến thăm 3 ngày đến Ấn Độ mới đây, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông ngạc nhiên trước cách phản ứng của Trung Quốc về chuyến thăm của ông. “Trung Quốc không cần thiết phải cảm thấy bị đe dọa vì chúng tôi có quan hệ tốt với Ấn Độ”, Tổng thống Obama nói. 

Tổng thống Mỹ nói ông đã nhiều lần nhấn mạnh việc Trung Quốc trỗi dậy hòa bình mang lại lợi ích cho Mỹ. “Nhưng điều tôi đã nói từ nhiệm kỳ đầu tiên là sự tăng trưởng của Trung Quốc không nên bắt các nước khác phải trả giá. Họ không nên bắt nạt những nước nhỏ như Việt Nam hay Philippines trong vấn đề biển, mà nên nỗ lực giải quyết hòa bình theo luật pháp quốc tế. Họ không nên thao túng tiền tệ để có được lợi thế trong thương mại mà những nước khác không có”, ông Obama nói. 

Trong khi đó, một học giả hàng đầu của Trung Quốc về các vấn đề quốc tế, ông Shen Dingli, vừa lên án Mỹ “gieo rắc bất hòa trên biển Đông”, sau khi Lầu Năm Góc công khai ủng hộ Nhật Bản tuần tra trên không phận khu vực. Ông Shen viết: “Một lý do quan trọng đằng sau sự bất ổn ở biển Đông là sự can thiệp và gây rối loạn từ Mỹ… Điều đó làm phức tạp hơn bất đồng giữa các bên, trong khi có thể giải quyết thông qua thương lượng”.

MỚI - NÓNG