Trung Quốc đốt 23 tỷ USD cho máy bay chiến đấu?

Trung Quốc vẫn chưa sản xuất được động cơ chất lượng cho tiêm kích J-15. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Trung Quốc vẫn chưa sản xuất được động cơ chất lượng cho tiêm kích J-15. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Doanh nhân từng đứng ra mua tàu sân bay Liêu Ninh cho Hải quân Trung Quốc nhận định Bắc Kinh đã phung phí 23 tỷ USD mà vẫn không sản xuất được động cơ tử tế cho máy bay chiến đấu.

Ngày 27/3, báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời doanh nhân Hong Kong Xu Zengping khẳng định công nghệ động cơ phản lực đã trở thành "nút cổ chai" đối với ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc. 

Doanh nhân Xu là người đứng ra mua tàu sân bay Liêu Ninh từ Ukraine cho Hải quân Trung Quốc. “Bắc Kinh chưa thể sản xuất động cơ phản lực cho máy bay chiến đấu dù đã đổ hơn 150 tỷ Nhân dân tệ (23,02 tỷ USD) vào các dự án nghiên cứu từ năm 2010", ông Xu cho biết.

Nguyên nhân, theo ông Xu, là do các nhà lãnh đạo quân sự Trung Quốc không có tầm nhìn dài hạn và không biết cách đặt nền móng cho ngành công nghiệp quốc phòng.

Ông Xu vừa lên tiếng tố chính phủ Trung Quốc quỵt số tiền 120 triệu USD mà ông đã chi trong thương vụ mua lại tàu sân bay Varyag để tân trang lại thành hàng không mẫu hạm Liêu Ninh.

Học tập Nhật

Trung Quốc phải nhập khẩu động cơ từ Nga để sản xuất máy bay chiến đấu. Một số chuyên gia quân sự nước này mô tả sự phụ thuộc này là “bệnh tim của chiến đấu cơ Trung Quốc”.

Doanh nhân Xu đánh giá tình trạng quan liêu và phương thức nghiên cứu quân sự lạc hậu khiến sản xuất quốc phòng của Trung Quốc tụt hậu so với thế giới. Ông cho rằng, để tiến bộ Trung Quốc cần học phương pháp sản xuất kết hợp thương mại - quân sự của Nhật Bản.

Trung Quốc đốt 23 tỷ USD cho máy bay chiến đấu? ảnh 1

Động cơ phản lực WS-10 do Trung Quốc sản xuất thường xuyên gặp phải các vấn đề kỹ thuật. Ảnh: CJDBY.

Ông Xu đã gửi báo cáo lên Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc trong phiên họp thường niên thứ 2 vào tháng này. Ông kêu gọi chính quyền Bắc Kinh nghiên cứu cách tiếp cận của Nhật nhằm trở thành một nhà sản xuất quốc phòng hàng đầu khu vực.

Ông Xu đề xuất chính quyền Trung Quốc cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình nghiên cứu và phát triển quân sự, ứng dụng công nghệ quân sự để sản xuất các sản phẩm dân sự công nghệ cao.

“Các tập đoàn quốc phòng lớn của Nhật được chia thành các doanh nghiệp nhỏ sau khi Thế chiến II kết thúc, nhưng họ không bao giờ mất đi năng lực sản xuất vũ khí đại trà. Những hãng lớn như Mitsubishi, Kawasaki và Fuji được cấp bằng sáng chế để phát triển thiết bị quân sự cho lực lượng Nhật”, ông Xu giải thích.

Tư nhân khó chen chân

Ông Xu cho rằng Trung Quốc "chưa sẵn sàng cho chiến tranh và không có hệ thống sản xuất vũ khí thời chiến”.

“Nhiều công ty tư nhân có ý tưởng tốt và kế hoạch cho dự án, nhưng phần lớn không đủ khả năng tự phát triển do thiếu kinh phí. Ngoài ra, các ngân hàng không hỗ trợ các khoản vay đối với lĩnh vực này”, ông Xu than thở.

Trung Quốc đốt 23 tỷ USD cho máy bay chiến đấu? ảnh 2

Tiêm kích J-15 phải sử dụng động cơ phản lực do Nga sản xuất. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Ông Xu tiết lộ đang theo đuổi 2 dự án quân - dân sự kết hợp. Một dự án phát triển trực thăng không người lái có khả năng mang vũ khí laser. Dự án còn lại phát triển một thủy phi cơ có thể cất cánh từ mặt nước.

Theo SCMP, đề nghị của ông Xu nhận được sự ủng hộ của một số cựu quan chức cấp cao trong quân đội. Một đại tá về hưu ở Bắc Kinh cho biết công nghiệp quốc phòng Trung Quốc được xây dựng theo mô hình của Liên Xô trước đây.

Các doanh nghiệp nhà nước nắm tất cả các công nghệ cốt lõi. Trong khi đó, các công ty tư nhân không có được những công nghệ cơ bản như đóng tàu, thiết kế máy bay để cạnh tranh với doanh nghiệp nhà nước.

Do đó khả năng các doanh nghiệp quốc doanh chia sẻ công nghệ và đơn hàng với các công ty tư nhân gần như rất khó xảy ra.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG