Trung Quốc phát triển tiêm kích trên hạm mới

Một chiếc J-15 hoạt động trên tàu Liêu Ninh. Ảnh: SCMP.
Một chiếc J-15 hoạt động trên tàu Liêu Ninh. Ảnh: SCMP.
TP - Trung Quốc đang phát triển một loại tiêm kích mới nhằm thay thế dòng tiêm kích trên hạm J-15 sau một loạt các sự cố kỹ thuật và tai nạn, trong khi nước này đang cố gắng xây dựng lực lượng hải quân “nước xanh”, tức là có thể hoạt động ở biển xa.

Tiêm kích J-15 là loại chiến đấu cơ do Trung Quốc sản xuất dựa trên nguyên mẫu tiêm kích Su-33 của Nga, loại máy bay 2 động cơ thế hệ 4 chuyên hoạt động trên hạm, một thiết kế có tuổi đời hơn 30 năm. J-15 do tập đoàn Hàng không Thẩm Dương phát triển. Với trọng lượng cất cánh tối đa 33 tấn, J-15 là  tiêm kích trên hạm nặng nề nhất đang hoạt động trên thế giới, được sử dụng trên hàng không mẫu hạm đầu tiên của Trung Quốc, tàu Liêu Ninh.

Trung Quốc đang cần phát triển một tiêm kích mới trong khi nước này đang có kế hoạch đóng ít  4 tàu sân bay nhằm hiện thực hóa tham vọng hải quân toàn cầu, bảo vệ các lợi ích ở nước ngoài ngày càng gia tăng của Bắc Kinh, chuyên gia hải quân Li Jie nói với SCMP.

“Nhằm cải thiện khả năng sẵn sàng chiến đấu của các nhóm tàu tấn công có hàng không mẫu hạm, Trung Quốc cần phải phát triển một tiêm kích trên hạm mới”, ông Li nói và cho biết thêm, dòng tiêm kích tàng hình FC- 31 có thể là loại thay thế J-15.

Tiêm kích FC-31 là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5, bắt đầu bay thử từ năm 2012, nhỏ và nhẹ hơn J-15. Một sỹ quan cấp cao của Không quân Trung Quốc xác nhận với SCMP, “một loại tiêm kích mới đang được phát triển để thay thế J-15”.

Các nguồn tin cho hay đã có ít nhất 4 vụ tai nạn liên quan đến loại J-15, trong đó chỉ hai vụ được báo chí Trung Quốc đưa tin. “J-15 là loại máy bay có vấn đề-hệ thống điều khiển bay không ổn định là nguyên nhân của 2 tai nạn chết người xảy ra 2 năm trước”, một nguồn tin nói với SCMP.

MỚI - NÓNG