Trung Quốc sẽ mở thêm căn cứ quân sự ở những nước nào?

Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti
Căn cứ quân sự của Trung Quốc tại Djibouti
TPO - Hiện nay Trung Quốc đang có duy nhất một căn cứ quân sự đặt ở nước ngoài (Djibouti, châu Phi) nhưng có thể họ sẽ mở thêm căn cứ ở một số nước khác để bảo vệ lợi ích của mình, theo phân tích của Bộ Quốc phòng Mỹ mới đây.

Lầu Năm Góc dự đoán rằng Trung Quốc sẽ phải mở căn cứ ở nhiều nơi trên thế giới để bảo vệ các khoản đầu tư trong chương trình phát triển hạ tầng đầy tham vọng mang tên “Một vành đai, một con đường”  nối nước này với các nước khác ở châu Á, châu Phi và châu Âu. Đây là một phần nội dung báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ vừa được công bố, theo DefenseTalk.

Bắc Kinh hiện có một căn cứ quân sự đặt ở Djibouti, châu Phí, nhưng được tin là đang lên kế hoạch mở thêm các căn cứ khác, ví dụ như ở Pakistan, trong khi Trung Quốc đang tìm cách vươn lên vị trí siêu cường toàn cầu.

“Việc Trung Quốc xúc tiến các dự án to lớn như Sáng kiến “Một vành đai, một con đường” (OBOR) sẽ có thể dẫn đến   việc thiết lập căn cứ, với nhu cầu có thể nhận thấy được về việc bảo vệ an ninh cho các dự án “Vành đai, con đường”, Bộ Quốc phòng Mỹ nói trong báo cáo hằng năm về quân đội Trung Quốc và các diễn tiến liên quan đến vấn đề an ninh.

“Trung Quốc sẽ tìm cách thiết lập thêm các căn cứ khác ở một số nước họ có mối quan hệ thân hữu lâu năm, có lợi ích chiến lược tương đồng, ví dụ như Pakistan, và ở những nước đã từng chấp nhận căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ của mình”, báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ viết.

Tuy nhiên, báo cáo này nói các nỗ lực mở thêm căn cứ của Bắc Kinh có thể gặp cản trở khi một số nước có thể tỏ ra e ngại với một căn cứ quân sự nước ngoài, với sự hiện diện toàn thời gian của Giải phóng quân Trung Quốc (PLA). Nhưng các vị trí mà Trung Quốc nhắm tới có thể bao gồm khu vực Trung Đông, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương.

Bắc Kinh hiện đã thiết lập một số tiền đồn trang bị vũ khí trên một số đảo chiếm đóng của Việt Nam, đưa vũ khí ra một số thực thể nhân tạo mà họ kiến tạo trái phép trên biển Đông.

Năm ngoái, có tin nói đã có thảo luận về một căn cứ quân sự ở hành lang Wakhan thuộc tây bắc Afghanistan.

Thêm nữa, gần đây tờ Washington Post của Mỹ đưa tin có một tiền đồn có nhiều lính Trung Quốc ở miền đông Tajikistan, gần điểm kết nối chiến lược-hành lang Wakhan, Trung Quốc và Pakistan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tìm cách vươn xa sức mạnh của Trung Quốc vượt qua “sân sau” là Đông và Đông Nam Á. Việc này bao gồm củng cố sự hiện diện của Bắc Kinh trong các tổ chức quốc tế, phát triển các công nghệ hàng đầu và thiết lập sự hiện diện kinh tế mạnh mẽ  trên quy mô toàn cầu.

Họ cũng muốn đẩy mạnh hiện diện quân sự trên bô, trên biển và trên không, theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ. “Lãnh đạo Trung Quốc cũng đang dùng quyền lực kinh tế, quân sự và ngoại giao đang lên làm đòn bẩy để vượt lên trở thành thế lực lớn trong khu vực và mở rộng ảnh hưởng quốc tế”, báo cáo viết.

Đặc biệt, Trung Quốc ngày càng nhận thấy Mỹ đang trở nên đối kháng với họ trong nỗ lực kiềm tỏa sức mạnh của Bắc Kinh, báo cáo viết. Trung Quốc, trong khi đó, cũng đang nhận thấy sự nghi ngại của một số quốc gia đối với “Vành đai, con đường” và đã “hạ giọng” trong các đáp trả ngoại giao. Tuy nhiên, Lầu Năm Góc nói lãnh đạo Trung Quốc không hề thay đổi các mục tiêu cơ bản, chiến lược mà họ đặt ra.

MỚI - NÓNG