Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thất bại nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc

Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thất bại nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc
Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thất bại nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc
TPO - Một loạt sai lầm sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể đẩy khu vực Đông Bắc Á vào thùng thuốc súng. Điều đó chắc chắn sẽ không có lợi cho Trung Quốc và phần còn lại của châu Á cũng như hòa bình thế giới.

Giáo sư đã nghỉ hưu Michael Heng cho rằng, mặc dù Trung Quốc có lý do chính đáng để cảnh giác trước quyền bá chủ của Mỹ trong khu vực, song Bắc Kinh phải nhận ra rằng việc quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc sẽ khuyến khích những diễn biến không mong muốn ở các quốc gia láng giềng trang bị hạt nhân như Triều Tiên và Nhật Bản.

Cuộc gặp thượng đỉnh hôm 12/6 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore đã làm giảm nguy cơ xung đột vũ trang trên Bán đảo Triều Tiên. Điều này tốt cho hòa bình trong tương lai gần và bình ổn các thị trường chứng khoán. Kết thúc cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo Trum-Kim đã ra tuyên bố chung, trong đó phía Triều Tiên vẫn cam kết giải giáp hạt nhân như nước này từng cam kết vài lần trước đó từ năm 1992.

Trung Quốc sẽ trở thành kẻ thất bại nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc ảnh 1

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong - un.

Điều đáng nói hiện nay là việc Tổng thống Trump tuyên bố sau cuộc gặp là ông muốn rút toàn bộ binh lính Mỹ khỏi Hàn quốc – một động thái chiến lược quan trọng mà Lầu Năm Góc từng bác bỏ hoàn toàn trong nhiều năm qua bất chấp việc Bình Nhưỡng nhiều lần yêu cầu như vậy.

Thông báo dường như không chính thức này của ông Trump đã khiến các đồng minh của Mỹ bối rối, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản. Vì sao lại như vậy? Hãy xem xét kịch bản dưới đây. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un – người nhận thức được rằng nhiệm kỳ hiện nay của ông Trump sẽ kết thúc trong 2,5 năm nữa – có thể bắt tay vào chương trình giải giáp hạt nhân chỉ mang tính hình thức, buộc ông Trump phải đáp ứng bằng việc rút binh lính Mỹ khỏi Hàn Quốc.

Trong khi đó, người kế nhiệm ông Trump có thể bị “trói buộc” trong thỏa thuận mơ hồ nói trên giữa ông Trump và ông Kim. Việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc cũng sẽ gây báo động cho Nhật Bản. Những thực tế chính trị quan trọng hơn những lời hứa và hiệp ước. Nếu Nhật Bản bị đe dọa, Tokyo nên làm gì? Điều có trách nhiệm sẽ là dựa vào chính mình, theo đó Nhật Bản sẽ tăng cường quân đội và tự tạo ra ô hạt nhân cho mình. Kẻ thất bại lớn nhất trong bối cảnh mới sẽ là Hàn Quốc.

Một quốc gia Triều Tiên được trang bị hạt nhân sẽ dễ dàng áp đặt nhiều đòi hỏi đối với một quốc gia Hàn Quốc không có sự bảo vệ của quân đội Mỹ. Những yêu cầu này có thể là từ việc tái thống nhất về các điều khoản của Bình Nhưỡng tới việc hỗ trợ  kinh tế hào phóng cho Triều Tiên. Việc quân đội Mỹ rời khỏi Hàn Quốc sẽ làm suy yếu Hàn Quốc và tăng cường sức mạnh cho Triều Tiên.

Có rất ít lý do để tin rằng một Triều Tiên sở hữu các đầu đạn hạt nhân như vậy sẽ chứng tỏ là một láng giềng thân thiện với Trung Quốc. Do đó, một kẻ thất bại lớn nữa sẽ là Trung Quốc – một người bạn được cho là hữu hảo của Triều Tiên. Nếu ông Kim Il-sung – cha của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, từng thể hiện là người mà Bắc Kinh khó đoán định, thì nhà lãnh đạo Triều Tiên hiện nay đã phơi bày những đặc điểm của một Frankenstein trong thế kỷ 21. Cách hành động của nhân vật trẻ tuổi này thường được chứng minh là nằm ngoài sự hiểu biết của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – một nhân vật chính trị dày dạn đẳng cấp thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều ở Singapore không tạo ra bất cứ điều kiện nào đáng kể để có thể tin rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên sẽ thực hiện cam kết giải giáp hạt nhân của mình. Việc Triều Tiên không dỡ bỏ các vũ khí hạt nhân sẽ là một mối đe dọa hạt nhân dai dẳng trên ngưỡng cửa của Trung Quốc. Thêm vào đó là khả năng Nhật Bản nổi lên như một cường quốc hạt nhân sau khi quân đội Mỹ rút khỏi Hàn Quốc.

Nhật Bản, với cơ sở công nghệ vượt trội, có thể tái xây dựng quân đội vượt ra ngoài nhu cầu phòng vệ như từng được tuyên bố và sản xuất ra nhiều đầu đạn nguy hiểm cũng như các hệ thống phóng mạnh hơn của Triều Tiên trong thời gian ngắn. Bắc Kinh có quyền cảnh giác với những âm mưu bá chủ của Mỹ.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là việc Mỹ rút toàn bộ lực lượng quân đội khỏi Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ luôn là những lợi ích tốt nhất cho Trung Quốc. Người Trung Quốc có một câu nói khôn ngoan là “Cư an tư nguy”, tức là muốn sống trong hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh.

Một loạt sai lầm sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều có thể đẩy khu vực Đông Bắc Á vào thùng thuốc súng. Điều đó chắc chắn sẽ không có lợi cho Trung Quốc và phần còn lại của châu Á cũng như hòa bình thế giới.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG