Trung Quốc thử vũ khí siêu thanh, Mỹ đứng ngồi không yên

Mô hình một loại vũ khí siêu thanh
Mô hình một loại vũ khí siêu thanh
TPO - Đã có những phản ứng đầu tiên từ giới chức Mỹ sau khi nguồn tin tình báo của nước này cho rằng, Trung Quốc vừa tiến hành thử nghiệm một tên lửa tốc độ siêu thanh.

Trang tin Washington Free Beacon ngày 14/1 dẫn nguồn tin giấu tên từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: Trung Quốc đã tiến cuộc thử nghiệm tên lửa siêu thanh mới (được Mỹ gọi là HGV-Hypersonic glide vehicle và có mã hiệu từ Trung Quốc là WU-14) vào ngày 9/1 vừa qua.

Sau đó, phát ngôn viên Lầu Năm Góc, ông Jeffrey Pool cũng xác nhận thông tin với giới báo chí, nhưng từ chối cung cấp chi tiết về loại vũ khí “có thể đe dọa chiến lược toàn cầu của Mỹ”.

Theo các thông tin mà Washington Free Beacon thu nhận được từ giới phân tích quân sự Mỹ, WU-14 có khả năng di chuyển với tốc độ cực cao trong lần bay thử nghiệm. 

Vũ khí siêu thanh này dường như được phóng đi trong giai đoạn cuối của một tên lửa liên lục địa của Trung Quốc. Sau đó, nó đưa đầu đạn lướt tới mục tiêu với tốc độ gấp từ 5 đến 10 lần vận tốc âm thanh ở độ cao cận không gian.

Nếu các thông tin kể trên là chính xác, thì thiết bị phóng mới của Trung Quốc đã phá vỡ tất cả các kỷ lục tốc độ của những loại vũ khí tấn công trên thế giới ở thời điểm hiện tại, và “dễ dàng chọc thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu tối tân của Mỹ”, theo Washington Free Beacon.

Hiện nay, Mỹ, Nga và Trung Quốc được cho là ba quốc gia đang phát triển các loại vũ khí siêu thanh. Ấn Độ cũng đang phát triển một phiên bản siêu thanh từ tên lửa hành trình BrahMos của nước này.

Năm 2010 và 2011, Mỹ cũng đã hai lần thử nghiệm máy bay siêu thanh mang tên Falcon Hypersonic Technology Vehicle (HTV-2). Sau đó, do vấn đề rối loạn sóng xung kích và việc kiểm soát khi bay với tốc độ nhanh gấp 20 lần vận tốc âm thanh nên phương tiện này đã bị mất điều khiển và rơi xuống đất.

Ngoài ra, Nga cũng đang khôi phục lại các dự án chế tạo vũ khí siêu thanh. Trong giai đoạn từ năm 2005-2009, họ cũng đã thử nghiệm một loại vũ khí siêu thanh, nhưng không rõ cụ thể là loại vũ khí nào.

Giới chức Mỹ ngay lập tức bày tỏ mối quan ngại trước những tiến bộ kỹ thuật quân sự mang tính đột phá trên từ Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ John Cornyn (bang Texas) cho rằng, chính quyền Tổng thống Obama cần nghiên cứu một cách nghiêm túc những tiến bộ kỹ thuật mang tính đột phá của Trung Quốc. Với nền tảng tài chính vững mạnh, Bắc Kinh đang gây nên những mối lo ngại thực sự đối với Washington.

Cùng quan điểm, Kenneth de Graffenreid, một cựu sĩ quan tình báo hoạch định chính sách của Nhà Trắng dưới thời chính quyền Tổng thống Reagan và Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền George W. Bush, cho biết: sự xuất hiện của vũ khí siêu thanh Trung Quốc là đáng báo động.

Cựu sĩ quan tình báo này đã so sánh việc tăng cường sức mạnh quân sự của Trung Quốc hiện nay như thời Liên Xô trong trong những năm 1970 của thế kỷ trước.

“Chúng tôi đang nhìn thấy sự phát triển quân sự mạnh mẽ của Trung Quốc”, Kenneth nói. “Trung Quốc đang có những tiến bộ vượt bậc về kỹ thuật quốc phòng, nhưng có vẻ như không ai chú ý đến những mối đe dọa từ Bắc Kinh”.

Mới chỉ cách đây vài năm, một số lượng lớn các quan chức Mỹ và các chuyên gia khoa học xem nhẹ việc phát triển quân sự của Trung Quốc, và cho rằng bước tiến của Bắc Kinh là không đáng kể và khó có thể đe dọa sức mạnh của Washington.

“Ở Trung Quốc, chúng ta đang thấy một tốc độ thay đổi quân sự cực kỳ lớn”, ông Kenneth nói, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu của Trung Quốc rõ ràng không chỉ giới hạn là một cường quốc khu vực, mà Bắc Kinh đang xây dựng những kế hoạch chiến lược tầm xa.

Trung Quốc thử vũ khí siêu thanh, Mỹ đứng ngồi không yên ảnh 1
Chương trình siêu thanh dường như là một phần những nỗ lực của Trung Quốc nhằm đập tan hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ . “Đó là điều rất ấn tượng”, ông Kenneth nói. “HGV không chỉ là một công nghệ tiên tiến, mà là yếu tố chiến lược quan trọng giúp thay đổi cuộc chơi”.

Kenneth cũng nghi ngờ gián điệp công nghệ Trung Quốc đã đánh cắp công nghệ siêu thanh từ Mỹ.

Đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về những thông tin mà giới chức Mỹ nêu ra về vũ khí siêu thanh.

Theo Washington Free Beacon, RT
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.