Trung tâm theo dõi hạt nhân Triều Tiên của Mỹ có gì đặc biệt?

Lính không quân Mỹ tại Đội Hỗ trợ Kỹ thuật của AFTAC. Ảnh: US Air Force
Lính không quân Mỹ tại Đội Hỗ trợ Kỹ thuật của AFTAC. Ảnh: US Air Force
Khi thế giới phấp phỏng về động thái tiếp theo của Triều Tiên, một cơ sở không quân Mỹ ở bên kia trái đất luôn dõi theo xem Bình Nhưỡng có thử hạt nhân hay không.

Có trụ sở tại căn cứ không quân Patrick ở Florida, Trung tâm Ứng dụng Kỹ thuật Không quân Mỹ (AFTAC) vận hành Hệ thống Phát hiện Năng lượng Nguyên tử.

Hoạt động trên tất cả 7 lục địa, mạng lưới giám sát 3 tỷ USD với hơn 3.600 cảm biến công nghệ cao - bao gồm cảm biến địa chấn, cảm biến âm thanh dưới nước và dò gamma - có khả năng xác định vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất, dưới nước, trong bầu khí quyển và trên không gian.

Trụ sở 158 triệu USD của AFTAC mở cửa vào tháng 5/2014. Bên trong, kỹ thuật viên điều hành một loạt phòng vô trùng và một phòng thí nghiệm hóa học phóng xạ 3.500 m2, theo USA Today.

"AFTAC và đội ngũ chúng tôi luôn sẵn sàng 24/7", Ehren Carl, người chỉ huy Đội Giám sát Kỹ thuật, nhóm 70 lính không quân phân tích dữ liệu cảm biến, nói.

"Chúng tôi luôn sẵn sàng 100%. Nếu có điều gì xảy ra, chúng ta sẽ thấy nó", ông Carl nói.

AFTAC là cơ sở duy nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ được giao nhiệm vụ theo dõi việc tuân thủ hiệp ước cấm thử hạt nhân quốc tế. Sử dụng hơn 1.000 nhân sự và các phòng thí nghiệm được đặt trên toàn thế giới, những phát hiện AFTAC có thể được đưa đến bàn tổng thống Mỹ, chẳng hạn như hồi tháng 1 và tháng 9/2016, khi họ phát hiện vụ thử hạt nhân dưới lòng đất thứ 4 và thứ 5 của Triều Tiên thông qua địa chấn.

"Chúng tôi có nhân sự ưu tú, cả quân sự và dân sự. Vì vậy, khi có động thái cần xác định, chúng tôi yêu cầu một tiến sĩ nghiên cứu đánh giá của chuyên gia phân tích. Sau đó, cả đội sẽ phân tích tài liệu, ghép nối các mảnh ghép để đưa ra các thông tin kỹ thuật mà chúng ta được giao nhiệm vụ tìm kiếm", Carl nói.

"Vào thời điểm đó, toàn bộ tòa nhà sẽ cùng nhau làm việc. Trong vài giờ, chúng tôi sẽ làm xong đánh giá cho các nhà lãnh đạo quốc gia", ông nói.

AFTAC sử dụng máy bay Constant Phoenix WC-135 để thu thập mẫu không khí nhằm phát hiện và xác định một vụ nổ hạt nhân.

WC-135C được phát triển từ nền tảng máy bay vận tải Boeing C-135, hai bên thân có khoang thu thập mẫu không khí, bộ lọc bên trong sẽ tách các phân tử phóng xạ để phân tích.

Thiết bị trên WC-135C cho phép chuyên gia đo đạc dư lượng phóng xạ theo thời gian thực nhằm xác nhận sự xuất hiện của vụ nổ hạt nhân, cũng như thông tin cơ bản về đầu đạn. Không quân Mỹ hôm qua triển khai máy bay này từ Nhật Bản tới phía đông bán đảo Triều Tiên.

Hai vụ thử hạt nhân của Triều Tiên năm 2016 đánh dấu lần đầu tiên AFTAC phản ứng với nhiều vụ nổ hạt nhân trong một năm trong 18 năm.

Ngoài ra, nhân viên AFTAC năm ngoái còn phát hiện và phân biệt khoảng 700.000 hiện tượng tự nhiên, từ sét đánh, động đất cho tới các vụ phun trào núi lửa.

"Năm ngoái chắc chắn là năm bận rộn nhất mà AFTAC từng thấy trong gần 20 năm qua, xét về hoạt động toàn cầu. Vì vậy, đó là một thách thức, nhưng là nhiệm vụ mang lại nhiều kinh nghiệm", ông Carl nói.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG