Tư lệnh Hoàng Xuân Chiến: Chú ý đến quyền lợi dân tộc và sinh mạng đồng bào

TPO - Sáng 7/4, tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp cấp bách công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong Quân đội, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng (BĐBP) nói như vậy trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19.

Nói về tình hình về tình hình các tuyến biên giới liên quan đến dịch COVID-19, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, hiện nay ở Trung Quốc đang có nguy cơ tái bùng phát dịch. Phía Trung Quốc vừa đề nghị thiết lập cơ chế phối hợp xuyên biên giới phòng chống dịch. Theo ông Chiến, các lực lượng chức năng ở biên giới như y tế, kiểm dịch, hải quan, biên phòng… nhận thấy việc hợp tác quốc tế là rất cần thiết và sẽ sẵn sàng tham gia.

Tư lệnh Hoàng Xuân Chiến: Chú ý đến quyền lợi dân tộc và sinh mạng đồng bào ảnh 1 Trung tướng Hoàng Xuân Chiến và đoàn công tác Bộ Tư lệnh BĐBP kiểm tra công tác phòng chống dịch COVID-19 trên tuyến cửa khẩu Lạng Sơn, cuối tháng 1/2020

“Trước tình hình này, Trung Quốc cũng tiếp tục siết chặt việc kiểm tra, kiểm soát người nhập cảnh và hàng hóa vào nước họ. Hàng hóa hiện nay ùn tắc ở các cửa khẩu phía Bắc là do phía Trung Quốc làm chặt. Do đó cần thông tin để Bộ Công Thương sớm có điều tiết hàng từ phía Nam ra. Một số cửa khẩu chính như Lào Cai, Lạng Sơn, Cao Bằng bình quân hàng ngày ùn tắc từ 800-1.000 container, không có cách nào cả vì người ta kiểm soát chặt”, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến nói.

Về hai tuyến biên giới với Lào và Campuchia, Tư lệnh BĐBP cho biết hai nước này cũng tổ chức phòng ngừa tốt, đặc biệt là ở Campuchia có rất nhiều nguy cơ và nguồn lây nhiễm nhưng hiện nay mới có 114 người, trong đó tiếp giáp với các tỉnh biên giới Việt Nam có 8 người nhiễm, đã chữa trị được 5 người.

Đối với BĐBP, ông Chiến khẳng định đã chấp hành nghiêm và chủ động làm tốt trong ngăn chặn người nhập cảnh, nhất là trường hợp nhập cảnh trái phép mà không được kiểm tra y tế. Đồng thời các quân khu cũng đã phối hợp rất tốt: “Hiện nay các cửa khẩu quốc tế thì ta đã cho người và hàng hóa qua lại nhưng kiểm soát rất chặt và đặc biệt là theo dõi về y tế nên cửa khẩu quốc tế chúng tôi không lo lắng. Kể cả bệnh nhân số 237 vừa rồi chúng tôi truy xuất cùng A08 Bộ Công an và Cục Y tế dự phòng thì nắm được tất cả hành trình của người này và hơn 500 người tiếp xúc liên quan”.

Tư lệnh Hoàng Xuân Chiến: Chú ý đến quyền lợi dân tộc và sinh mạng đồng bào ảnh 2 Chốt chống dịch COVID-19 ở khu vực mốc 1322 của Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô (Quảng Ninh) nằm ở độ cao 700m so với mực nước biển, không có điện, nước và khí hậu rất khắc nghiệt

Nói về việc tiếp nhận công dân ở nước ngoài về trong tình hình hiện nay, ông Chiến đề xuất Bộ Quốc phòng tham mưu cho Chính phủ cân nhắc: “Thứ nhất là phải sau ngày 15/4 xem tình hình thế nào, thứ hai là phải sàng lọc, quản lý chặt chẽ và phải xét nghiệm đủ 3 lần. Tốt nhất là cư trú tại chỗ. Nhưng không ở, vẫn về. Phải chăng là chúng ta có chính sách ưu việt quá, an toàn quá nên vẫn tìm được về? Cái đó là theo tôi là theo tinh thần nhân đạo nhưng chúng ta phải hết sức chú ý đến quyền lợi dân tộc và sinh mạng của đồng bào, nhất là những người đang sinh sống trên đất nước này”.

Theo ông Chiến, nên dần có suy nghĩ hậu COVID - 19, bởi các doanh trại và điểm đóng quân của Bộ Quốc phòng chưa sử dụng ngay vào nhiệm vụ quốc phòng nếu như trong đợt này chúng ta không có thì không biết lấy chỗ đâu để mở rộng cách ly: “Địa phương bây giờ tôi thấy cứ đơn vị quân đội giải tán trường quân sự, di chuyển đồn, trạm… thì đòi lấy lại để phát triển kinh tế xã hội. Bộ Quốc phòng phải có chủ trương, quan điểm để giữ đất sử dụng lâu dài, không chỉ cho chiến tranh mà cho các tình huống khẩn cấp về quốc phòng an ninh và các tình huống về an ninh phi truyền thống”.

Cũng tại hội nghị, Tư lệnh BĐBP nêu ra một số khó khăn của lực lượng biên phòng và đề xuất có cơ chế thay ca vì nhiều người đã trực 4 tháng (tính cả thời gian trực tết, sau đó tiếp tục ở lại đơn vị vì nhiệm vụ chống dịch COVID-19). Mặt khác, quân số hiện nay ít vì tinh giản biên chế và “gò” hết vào các nhiệm vụ khác. Bên cạnh đó là đề nghị động viên khen thưởng kịp thời, linh hoạt như khen thưởng đột xuất thời chiến.

“Bằng khen của Chính phủ 4 bộ hồ sơ, của Bộ Quốc phòng 3 bộ hồ sơ thì anh em trên chốt sao có giấy bút với bàn đâu mà kê khai được, khó lắm, đề nghị cải cách hình thức khen thưởng. Cần cố gắng động viên kịp thời, lan tỏa hình ảnh bộ đội hy sinh tình cảm riêng tư trong thời bình, cần có cơ chế đặc thù trong thời điểm chống dịch này”, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.