Từ máy bay đến tên lửa, Nga chiếm thế 'thượng phong' ở Syria

Các loại chiến đấu cơ chủ chốt Nga đang sử dụng ở chiến trường Syria.
Các loại chiến đấu cơ chủ chốt Nga đang sử dụng ở chiến trường Syria.
Bắt đầu là các chiến đấu cơ, tiếp đến là chiến hạm, và nay một loại vũ khí khác được Nga tung vào Syria, đó là hệ thống tên lửa phòng không.

Những cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn dắt tại chiến trường Iraq và Syria được tiến hành rầm rộ bắt đầu từ cuối tháng 9/2014 nhằm tiêu diệt lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, đã từng khiến dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm và kỳ vọng.

Tuy nhiên hiệu quả thực tế từ những đợt tấn công được cho là “hao tiền, tốn của” ấy có vẻ không được như mong đợi. Những con số liên quan đến thiệt hại của IS từ các đợt không kích ấy xuất hiện khá “kiệm” trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Và IS vẫn phát triển như nấm sau mưa ở Syria.

Khi lực lượng quân sự Nga “ra đòn” trên chiến trường Syria, đã xuất hiện những tín hiệu mới, khá lạc quan…

“Cập nhật” liên tục

Sau khi được Thượng viện Nga phê chuẩn, ngày 30/9 vừa qua, Tổng thống Nga Putin đã ngay lập tức đưa các loại máy bay chiến đấu sang chiến trường Syria, nhằm “làm cỏ” IS - tổ chức đang reo rắc nỗi kinh hoàng cho toàn thế giới, bởi những hành động hết sức tàn bạo và man rợ. Chiến dịch này được thực hiện dựa trên đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al Assad.

Truyền thông Nga, trong đó có TASS, thông tin có khoảng 50 máy bay được điều động tham gia các chiến dịch không kích của Nga ở Syria, bao gồm các cường kích cơ SU-24, SU-25, SU-34 và tiêm kích đa nhiệm SU-30. Ngoài ra, các loại trực thăng vũ trang có hỏa lực mạnh cũng “đầu quân” cho chiến dịch “sôi động” này.

Sau khi triển khai lực lượng tác chiến trên không ít lâu, ngày 7/10, Nga tiếp tục thực hiện đòn đánh IS từ chiến hạm. Với đòn đánh này, một loại tên lửa hạm đối đất đã được “vinh danh” bởi khả năng cơ động linh hoạt, tính chính xác cao và cự ly hoạt động tuyệt vời của nó – tên lửa Kalibr. Sau đòn tấn công từ cự ly khoảng 1.500km, nhiều mục tiêu của IS trên đất Syria đã bị Kalibr phá hủy.

Có một điểm khác biệt, dễ nhận thấy giữa chiến dịch không kích của NATO và chiến dịch quân sự của Nga ở Syria, đó là thông tin về chiến dịch được Nga cập nhật thường xuyên, như lời của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga là 2 ngày 1 lần.

Không chỉ đưa ra “những con số”, mà Bộ Quốc phòng Nga còn công bố hình ảnh, thậm chí là các video clip để những người quan tâm không chỉ “tai nghe” mà còn “mắt thấy” các mục tiêu của IS thành tro bụi dưới sức công phá của bom, đạn Nga.

Chi ít nhưng… hiệu quả

Trong thời gian Nga tấn công IS tại Syria, đã có những thông tin đánh giá “khả năng hoạt động kém hiệu quả” của máy bay Nga khi tham chiến viễn chinh, trong điều kiện sa mạc nhiều cát bụi như chiến trường Syria.

Vậy nhưng, thực tế lại cho thấy các cuộc tấn công của Nga rất hiệu quả, với sự xuất hiện đều đặn của các chiến đấu cơ Nga trên bầu trời Syria.

Theo TASS đăng tải ngày 3/11, tính từ đầu chiến dịch đến nay, các chiến đấu cơ của Nga đã tấn công 2.084 mục tiêu của IS trên lãnh thổ Syria. Nhiều trung tâm chỉ huy, trại huấn luyện, kho tàng, hầm hào, công sự và sinh lực của IS đã bị Nga tiêu diệt.

Từ máy bay đến tên lửa, Nga chiếm thế 'thượng phong' ở Syria ảnh 1 Một vụ không kích của không quân Nga nhằm vào IS tại Syria. Ảnh: Sputnik.

Và theo Sputnik, Nga không kích IS nhiều hơn Mỹ 8 lần, song chi phí chỉ bằng 1/4 của Mỹ.

Chi phí của Nga cho mỗi ngày không kích ở Syria khoảng 2-4 triệu USD trong khi Mỹ phải chi 8 triệu USD/ngày, vẫn là Sputnik dẫn lời các quan chức ngoại giao Mỹ.

Tên lửa phòng không

Bắt đầu là các chiến đấu cơ, tiếp đến là chiến hạm, và nay một loại vũ khí khác được Nga tung vào Syria, đó là hệ thống tên lửa phòng không.

Như vậy, các lực lượng quan trọng trong quân đội Nga đang lần lượt được “phô diễn” sức mạnh và sự lợi hại trong cuộc chiến chống IS ở Syria.

Lý do đưa ra cho việc điều động các tổ hợp tên lửa phòng không đến Syria được Nga nhấn mạnh là “để ngăn chặn các vụ trộm máy bay có thể xảy ra và giáng đòn đáp trả” - Sputnik dẫn lời Tham mưu trưởng các lực lượng không quân Nga Viktor Bondarev.

Ông này đã đề cập đến nguy cơ có thể xảy ra các vụ đột nhập, cướp máy bay của các nước láng giềng Syria, thực hiện đòn tấn công lực lượng Nga đang tham chiến ở Syria. Bởi vậy, việc điều tên lửa phòng không đến Syria là “bước đi sớm” nhằm đối phó với các nguy cơ tiềm tàng đó.

Động thái mới này của Nga khiến dư luận không dừng lại ở lý do mà ông Viktor Bondarev đưa ra, mà cho rằng có thể Nga đang đề phòng và sẵn sàng đáp trả hành động “phiêu lưu từ trên không” của một lực lượng nào đó, chứ không phải chuyện “trộm cắp” máy bay rồi “đánh lén” Nga. 

Từ máy bay đến tên lửa, Nga chiếm thế 'thượng phong' ở Syria ảnh 2 Hiện Nga chưa công bố đưa loại tên lửa nào sang chiến trường Syria. (Trong ảnh: Tổ hợp tên lửa phòng không S-300 của Nga/Ảnh: TASS)

Mấy ngày nay, không ít người đang đặt câu hỏi, vậy Nga điều loại tên lửa nào đến chiến trường Syria?

Đã có những đồn đoán rằng có thể Nga triển khai tổ hợp tên lửa phòng không S-300 tại Syria. Đây là loại tên lửa được triển khai lần đầu tiên tại Nga vào năm 1979, hiện có các phiên bản sử dụng cho lực lượng mặt đất, phòng không quốc gia và Hải quân Nga. S-300 được thiết kế để bảo vệ các khu công nghiệp, trung tâm hành chính, các căn cứ quân sự, kiểm soát không phận, chống lại đòn tập kích đường không của đối phương.

Nhưng cần biết rằng, là một cường quốc quân sự, Nga còn có trong biên chế rất nhiều loại tên lửa cực kỳ hiện đại, trong đó có các tên lửa tầm trung có thể “khắc chế” hiệu quả các phương tiện bay của đối phương.

Tất nhiên, tất cả vẫn chỉ là đồn đoán. Điều đáng nói hơn từ động thái mới này là Nga tiếp tục có những bước đi chủ động, quyết liệt và đang giành thế “thượng phong” trên chiến trường Syria.

Theo Theo VOV
MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).