Vén màn bí ẩn về đội cận vệ chờ phục hận của Hitler

Phát xít Đức từng thành lập các lực lượng tự vệ có sự tham gia của cả trẻ vị thành niên. Ảnh: Wikipedia.
Phát xít Đức từng thành lập các lực lượng tự vệ có sự tham gia của cả trẻ vị thành niên. Ảnh: Wikipedia.
Sau khi chiến tranh kết thúc, các thuộc hạ của Hitler tập hợp thành một đội quân bí mật, sẵn sàng chống trả nếu Liên Xô tiến vào Tây Đức.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, nước Đức chia làm hai quốc gia là Đông Đức và Tây Đức. Trong khi Liên Xô bảo trợ cho Đông Đức, lãnh thổ Tây Đức được bảo vệ bởi lực lượng hỗn hợp NATO cùng một đội quân bí mật từng là các cận vệ, thuộc hạ của trùm phát xít Adolf Hitler đang khát khao phục hận, theo WarIsboring.

Tháng 5/2014, tạp chí Đức Der Spiegel phát hiện ra một hồ sơ mật được lưu trữ nhiều năm trong kho của cơ quan gián điệp Đức BND. Theo tài liệu này, năm 1949, khoảng 2.000 cựu sĩ quan cận vệ SS và Wehrmacht, quân thường trực phát xít Đức, đã bí mật thành lập một đội quân bán vũ trang có thể huy động tới 40.000 người trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

Các lực lượng Đồng minh chiếm đóng không hề biết đến sự tồn tại của đội quân này. Nếu biết, họ sẽ phát hiện ra sự có mặt của một số tướng phát xít cũ, những người sau đó trở thành chỉ huy cấp cao của Bundeswehr, tên gọi của lực lượng quân đội Tây Đức.

Đội quân ngầm này rõ ràng đã nhận được sự hỗ trợ của các tướng phát xít Đức cũ như Hans Speidel, người trở thành tư lệnh lực lượng mặt đất của NATO ở Trung Âu năm 1957 và Adolf Heusinger, tổng thanh tra đầu tiên của quân đội Tây Đức.

Đội quân bí mật này do Albert Schnez, một cựu đại tá thuộc quân thường trực phát xít Đức, người sau này trở thành một quan chức trong quân đội Tây Đức, thành lập. Sau Thế chiến II, cùng với các cựu binh phát xít khác, Schnez tỏ ra lo lắng trước viễn cảnh Liên Xô xâm chiếm Tây Đức, bởi đến tận năm 1955, Tây Đức không hề có quân đội thường trực, trong khi phần lớn lực lượng chiếm đóng của Mỹ đã rút về nước, khiến quốc gia này rất dễ bị tổn thương trước các cuộc tấn công.

Schnez muốn thành lập một lực lượng sẵn sàng chiến đấu gồm các sĩ quan từng trải qua chiến trận để chỉ huy các sư đoàn tác chiến. Ông ta tin rằng nếu Liên Xô tấn công, vô số cựu binh phát xít sẽ tham chiến theo hình thức chiến tranh du kích, có thể phát động từ Tây Ban Nha hoặc Thụy Sĩ.

Quốc hội Tây Đức cũng không hề biết về đội quân bí mật này. Năm 1951, Schnez tiếp cận tổ chức Gehlen, một cơ quan tình báo do Mỹ thành lập ở Tây Đức, được xem là cơ quan tình báo Đức ở thời điểm đó, đề xuất sáp nhập đội quân bí mật của ông ta vào lực lượng này.

Vén màn bí ẩn về đội cận vệ chờ phục hận của Hitler ảnh 1

Albert Schnez, chỉ huy đội quân bí mật ở Tây Đức. Ảnh: Wikipedia.

Tuy nhiên, không ai tin rằng trong trường hợp chiến tranh nổ ra ở Tây Đức, đội cận vệ bí mật này sẽ đủ sức chống chọi với với Hồng quân Liên Xô. Hàng chục nghìn cựu binh đội cận vệ SS già nua và trang bị kém khó có thể ngăn chặn được lực lượng xe tăng đông đảo của Liên Xô. Tất cả những gì họ có thể làm là cản trở các tuyến chi viện của Liên Xô, và chỉ có vậy.

Các nhà sử học cho rằng nếu chiến tranh thực sự nổ ra, những cựu binh từng phục vụ Đức Quốc xã chắc chắn sẽ bị Liên Xô nhanh chóng nghiền nát không thương tiếc.

Theo sử gia Michael Peck, Hitler cũng từng có ý tưởng như vậy khi quân Đồng minh và Liên Xô tiến vào Đức từ hai phía. Hitler tin rằng người dân Đức sẽ đứng dậy phát động chiến tranh du kích chống lại các lực lượng chiếm đóng này.

Đội quân nổi dậy “Werewolves”, kế hoạch được phát xít Đức triển khai năm 1944 nhằm tạo ra một lực lượng nổi dậy hoạt động trong lòng địch khi quân Đồng minh và Liên Xô tiến vào lãnh thổ Đức, được cho là sẽ gây ra nỗi kinh hoàng cho kẻ thù. Nhưng kế hoạch này hoàn toàn phá sản, bởi trải qua 6 năm chiến tranh liên miên, người dân Đức đã quá mệt mỏi, đói khát, và họ chỉ muốn kết thúc cuộc chiến dù trong tư thế của bên bại trận.

Năm 1953, Schnez còn không nhận được khoản tiền như kỳ vọng để duy trì đội quân bí mật. Hai năm sau, quân đội Tây Đức được thành lập với quân số 101 người, và đội quân bí mật của Schnez không còn cần thiết nữa.

Cho đến nay, vẫn chưa rõ khi nào đội quân bí mật này bị giải thể. Schnez qua đời năm 2007 và chưa một lần đề cập công khai về những sự kiện này. Hồ sơ lưu trữ về ông ta liên quan đến đội quân bí mật cũng biến mất. Những gì được tiết lộ chủ yếu bắt nguồn từ các tài liệu mật liên quan đến tổ chức Gehlen đã được phân loại trong kho lưu trữ của cơ quan gián điệp Đức BND.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.