Gặp gỡ doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ:

Vì lợi ích và thách thức chung

Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam trao Hồ sơ yêu cầu gói thầu thực hiện dự án đóng tàu tuần tra cao tốc trị giá 100 triệu USD cho đại diện Cty L&T của Ấn Độ. Ảnh: Nguyễn Minh
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam trao Hồ sơ yêu cầu gói thầu thực hiện dự án đóng tàu tuần tra cao tốc trị giá 100 triệu USD cho đại diện Cty L&T của Ấn Độ. Ảnh: Nguyễn Minh
TP - Theo chân đoàn Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrika tới Việt Nam, hơn 20 doanh nghiệp (DN) quốc phòng Ấn Độ đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với các DN quốc phòng Việt Nam. Cuộc gặp thể hiện mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia, trong đó có lĩnh vực quốc phòng - an ninh.

Điểm nhấn tại cuộc gặp gỡ này chính là việc lãnh đạo Bộ Quốc phòng hai nước đã chứng kiến đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam trao Hồ sơ yêu cầu gói thầu thực hiện dự án đóng tàu tuần tra cao tốc sử dụng gói tín dụng 100 triệu USD cho đại diện Cty L&T của Ấn Độ (L&T là DN quốc phòng có thế mạnh về nâng cấp hệ thống vũ khí, đóng tàu, hệ thống thông tin liên lạc).

Theo Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam Parva Thaneni Haish, việc hơn 20 DN quốc phòng Ấn Độ tới Việt Nam lần này chính là sáng kiến của Bộ trưởng Quốc phòng Manohar Parrika. “Mối quan hệ đối tác chiến lược trong một thập kỷ qua cùng những đối thoại quan trọng trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã giúp chúng ta mở rộng hợp tác trên những lĩnh vực mới giữa các DN hai bên”, Đại sứ Parva thaneni Haish nhấn mạnh.

“Việt Nam và Ấn Độ ngày càng có nhiều mối quan tâm và lợi ích chung cũng như thách thức chung, đòi hỏi chúng ta nỗ lực hơn nữa tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực”.

Thượng tướng 

Nguyễn Chí Vịnh

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Tiếp tục thúc đẩy hợp tác DN quốc phòng giữa hai nước là mong muốn của Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrika. Điểm lại những dấu mốc lớn trong quan hệ quốc phòng hai nước, được bắt đầu từ cuộc đối thoại quốc phòng song phương đầu tiên vào năm 2003, ông Manohar Parrika cho rằng, hai bên đều nhận thấy cần tăng cường hợp tác nhiều hơn trong sản xuất quốc phòng.

Khẳng định Ấn Độ có những thế mạnh trong phát triển nguồn nhân lực, hay các lĩnh vực công nghiệp, công nghệ mới, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ nói: “Chúng tôi rất quan tâm việc hỗ trợ đào tạo tiếng Anh, lĩnh vực IT cho quân đội Việt Nam. Các DN trong ngành công nghiệp quốc phòng của chúng tôi sẽ nỗ lực nhiều hơn để đáp ứng các nhu cầu của khách hàng. Ngoài các DN nhà nước thì các DN tư nhân của Ấn Độ nên có sự hiện diện tại Việt Nam để lập ra các liên doanh trong sản xuất công nghiệp quốc phòng”.

Ủng hộ Ấn Độ hướng Đông

Xuất hiện tại cuộc gặp gỡ này, sau khi vừa kết thúc chuyến công du tại Hội nghị Sangri - La lần thứ 15, Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam Nguyễn Chí Vịnh khẳng định, việc tổ chức cuộc gặp gỡ DN công nghiệp quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ là biện pháp thể hiện cam kết của Bộ Quốc phòng hai nước trong việc tăng cường đối thoại, xây dựng cơ chế, tạo môi trường thuận lợi nhất cho các DN có cơ hội đóng góp nhiều hơn vào thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương theo hướng ngày càng thực chất và hiệu quả.

Vì lợi ích và thách thức chung ảnh 1

Một số vũ khí, khí tài quân sự được các DN quốc phòng Ấn Độ giới thiệu tại cuộc gặp gỡ. Ảnh: Nguyễn Minh

Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh, Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với Ấn Độ trong chiến lược phát triển và hội nhập quốc tế. Trên con đường hội nhập của mình, Việt Nam mong muốn cùng Ấn Độ mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho sự phát triển, tạo môi trường cho các tập đoàn, DN hai nước nói chung và DN công nghiệp quốc phòng nói riêng, có cơ hội đầu tư kinh doanh tại mỗi nước. 

“Việt Nam ủng hộ chính sách Hành động hướng Đông của Ấn Độ và sẵn sàng là cầu nối để Ấn Độ kết nối những mạng lưới hợp tác với khu vực. Việt Nam và Ấn Độ ngày càng có nhiều mối quan tâm và lợi ích chung cũng như thách thức chung, đòi hỏi chúng ta nỗ lực hơn nữa tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực ”, ông Vịnh khẳng định.

   

Thứ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng đề nghị các DN hai bên cần chủ động cung cấp thông tin giới thiệu về năng lực, các lĩnh vực có thế mạnh nhằm tăng sự hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện cho việc tìm kiếm các cơ hội hợp tác trong tương lai. Đồng thời đưa ra những khuyến nghị với Bộ Quốc phòng và Chính phủ hai nước về các biện pháp để xây dựng cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn giúp các DN tham gia sâu hơn và hiệu quả hơn trong khuôn khổ quan hệ hợp tác quốc phòng giữa hai nước.


MỚI - NÓNG