Vì sao các nước NATO đồng thuận tăng quân về phía Đông

Ảnh: RIA Novosti
Ảnh: RIA Novosti
TPO - Thống nhất tăng quân về phía Đông, nhưng các quốc gia thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhấn mạnh sự cần thiết tiếp tục đối thoại với Nga nhằm giảm căng thẳng.

Ngày đầu tiên diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Warsaw (Ba Lan) được đánh dấu bởi những quyết định quan trọng liên quan tới việc tăng cường binh sĩ về bên sườn phía Đông và tăng cường khả năng phòng thủ ở châu Âu.

Theo đó, các thành viên của NATO đã đồng ý về việc triển khai bốn tiểu đoàn ở các nước vùng Baltic và Ba Lan; gia tăng các hệ thống phòng thủ tên lửa châu Âu; tăng cường sự hiện diện lực lượng hải quân đa quốc gia trong khu vực biển Đen.

Tuy vậy, NATO cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại với Nga để giảm căng thẳng.

Tại cuộc họp báo diễn ra sau ngày làm việc đầu tiên, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các đơn vị đa quốc gia NATO mới sẽ được bố trí trên cơ sở luân phiên, bắt đầu từ đầu năm 2017. Mỗi tiểu đoàn khoảng 1000 binh sĩ.

Đây là sự tăng cường đáng kể nhất của NATO ở Đông Âu kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. 

Tổng thư ký NATO Stoltenberg nói rằng, tất cả các nước NATO sẽ hỗ trợ việc triển khai binh sĩ tại các tiểu đoàn, và không có thời hạn cho nhiệm vụ này.

Stoltenberg cũng khẳng định, các nhà lãnh đạo NATO đã thống nhất về sự vận hành của hệ thống phòng thủ tên lửa NATO trên lãnh thổ châu Âu.

“Điều này có nghĩa rằng, các tàu hải quân Mỹ đồn trú tại Tây Ban Nha, các radar ở Thổ Nhĩ Kỳ và hệ thống đánh chặn ở Romania… sẵn sàng thực thi nhiệm vụ dưới sự chỉ huy của NATO”, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh.

Các nhà lãnh đạo NATO cũng đưa ra các khuyến nghị về việc tăng cường sự hiện diện của liên minh quân sự ở Biển Đen và trên vùng biển của thuộc quốc gia NATO. Các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ thảo luận vấn đề này vào tháng 10/2016.

Tổng thư ký NATO cũng cho biết, NATO dự kiến thảo luận về tất cả các quyết định quan trọng trên của NATO tại một cuộc họp cấp đại sứ của Hội đồng NATO – Nga, sẽ diễn ra vào ngày 13/7 tại Brussels (Bỉ).

“Chúng tôi tiếp tục tìm kiếm một cuộc đối thoại mang tính xây dựng với Nga”, ông Stoltenberg nói thêm rằng Moscow “đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức an ninh trong và xung quanh châu Âu” và “Nga không nên và không thể bị cô lập”.

Theo Theo RIA Novosti
MỚI - NÓNG