Vì sao lính hải quân phải huấn luyện trên tàu buồm

Tàu buồm huấn luyện Lê Quý Đôn của Việt Nam. Ảnh: Xuân Ngọc.
Tàu buồm huấn luyện Lê Quý Đôn của Việt Nam. Ảnh: Xuân Ngọc.
Huấn luyện trên tàu buồm là một quá trình đầy thử thách, nơi các học viên rèn luyện sự tự tin khả năng hiệp đồng chặt chẽ để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngày 10/3, tại quân cảng Học viện Hải quân ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), Quân chủng Hải quân tổ chức thượng cờ, chính thức đưa vào hoạt động tàu buồm huấn luyện 286 Lê Quý Đôn.

Đây là tàu buồm huấn luyện đầu tiên được đóng mới dưới sự giám sát của tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ba Lan, theo hợp đồng ký kết với Hải quân Việt Nam vào tháng 7/2014. Tàu đóng hoàn thành, được kiểm tra toàn diện trước khi đưa về đến quân cảng Học viện Hải quân TP Nha Trang hôm 27/1.

Việc sử dụng tàu buồm để huấn luyện không phải là điều xa lạ gì đối với các lực lượng hải quân trên thế giới. Những con tàu với hàng loạt cánh buồm vươn rộng này thoạt nhìn giống như sản phẩm của các lực lượng hải quân từ nhiều thế kỷ trước, nhưng trên thực tế, chúng là những phương tiện không thể thiếu để hải quân huấn luyện cho các thế hệ thủy thủ trẻ cách làm chủ đại dương, theo New York Times.

Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều tàu buồm huấn luyện trong biên chế chính thức của hải quân các nước, và thời gian huấn luyện trên tàu buồm là khóa học cần thiết đối với bất kỳ người lính hải quân nào.

Tại Đan Mạch, có thời các công ty tàu biển lớn nhất của nước này chỉ thuê những người đã trải qua khóa huấn luyện trên chiếc tàu buồm mang tên Danmark.

Người Nga sử dụng các tàu buồm huấn luyện để đào tạo những thanh niên trẻ mới chập chững dấn thân vào nghiệp hàng hải. Tại Mỹ, mọi học viên ở Học viện Tuần duyên đều phải tham gia các chương trình huấn luyện ngoài khơi trên con tàu ba cột buồm mang tên Eagle để học những kỹ năng hàng hải cơ bản nhất.

Vậy vì sao lại phải sử dụng tàu buồm huấn luyện trong thời đại ngày nay, khi mà tương lai của học viên gắn liền với những con tàu vỏ xám được trang bị động cơ mạnh mẽ cùng các thiết bị định hướng, điều khiển hiện đại của hải quân?

"Đây là khái niệm Hướng ngoại (Outward Bound). Học viên cần hiểu được sức mạnh của thiên nhiên, họ đối mặt với những cơn bão và học được ý nghĩa của tình đồng đội. Để trở thành lính hải quân giỏi, bạn phải hiểu được sự khắc nghiệt thực sự của vùng biển bên ngoài, và bạn không được phép từ bỏ", Leon A.Schertler, người từng phụ trách điều phối hoạt động tàu thuyền Mỹ năm 1986, nói.

Vì sao lính hải quân phải huấn luyện trên tàu buồm ảnh 1

Tàu buồm huấn luyện Eagle của Tuần duyên Mỹ. Ảnh: Bernald Zee.

Theo trang Uksailtraining.org, huấn luyện trên tàu buồm là quá trình đầy thử thách và thú vị để phát triển sự tự tin và thay đổi phong cách sống của mỗi học viên hải quân. Môi trường huấn luyện rất căng thẳng với với ranh giới được xác định và vì một mục đích chung rõ ràng: hoàn thành chuyến hải trình. Những học viên sẽ học cách tự xoay xở và tương tác với các thành viên khác trong đội để điều khiển con tàu, giúp thúc đẩy khả năng tự nhận thức và sự tự tin ở mỗi người.

"Những chiếc tàu buồm này trông có vẻ lạc hậu, nhưng bạn sẽ học được nhiều điều về biển cả, về gió và dòng chảy, và cả về bản thân mình cùng các đồng đội. Bạn không thể học được những điều đó tốt hơn trên bất cứ loại tàu chiến nào khác", hạm trưởng Ernst Cummings, một cựu chỉ huy hải quân Mỹ, tuyên bố.

Trong một chuyến hải trình huấn luyện, học viên cần phối hợp nhịp nhàng với nhau để đạt kết quả thành công mà không hề cần đến bất cứ tình huống giả định nào. Ngoài ra, thực hành trên những chiếc thuyền buồm đem lại niềm thích thú khám phá và cảm giác hăng hái, vui sướng khi hoàn thành nhiệm vụ cho các học viên.

"Tất cả các học viên phải học cách vận hành và điều khiển tàu buồm trong kỳ đầu tiên. Đây là một phần bắt buộc trong khóa học định hướng trên biển", Stephen H.Clawson, cựu phát ngôn viên học viện hải quân Mỹ, nói.

Vì sao lính hải quân phải huấn luyện trên tàu buồm ảnh 2

Các thủy thủ hợp sức kéo mỏ neo trên một chiếc tàu buồm. Ảnh: BBC.

Trên các tàu buồm huấn luyện, thông thường sĩ quan phụ trách chỉ giám sát về công tác an toàn, mọi công việc khác để con tàu hoạt động trơn tru đều do các học viên tự đảm nhiệm. Họ phải áp dụng những lý thuyết đã học trên giảng đường để thuần thục kỹ năng của mình, học cách phối hợp với người khác để đạt kết quả tốt nhất, qua đó khả năng chỉ huy của họ sẽ được bộc lộ.

"Chúng tôi tin đây là cách rất tốt để giảng dạy các học viên những kiến thức cơ bản về tàu hải quân và việc định hướng. Họ học cách chuẩn bị một con tàu để ra khơi, cách kéo buồm, cách xác định hướng gió và xác định phương hướng, tất cả những điều này đều có ý nghĩa, dù là trên một chiếc thuyền buồm hay tàu khu trục cỡ lớn", ông Clawson nhấn mạnh.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG