Vì sao máy bay chiến đấu Mỹ liên tục đâm vào nhau?

Hai tiêm kích F/A-18 của hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters
Hai tiêm kích F/A-18 của hải quân Mỹ. Ảnh: Reuters
Ngoài sự phức tạp của các cuộc không chiến giả định, việc phi công thiếu kỹ năng tác chiến do huấn luyện gián đoạn có thể gây ra những vụ va chạm thảm họa.

Ngày 26/5, trong một cuộc huấn luyện thường xuyên, hai tiêm kích F/A-18 của hải quân Mỹ đâm vào nhau và rơi tại ngoài khơi biển Bắc Carolina. Giới chức Mỹ đang tiến hành điều tra và có thể mất hàng tháng để tìm ra nguyên nhân gây ra tai nạn mới nhất trong hàng loạt sự cố va chạm trên không gần đây của quân đội nước này, theo Daily Beast.

David Axe, chuyên gia phân tích quân sự của Daily Beast nhận định rằng trong hầu hết các vụ va chạm trong 10 năm qua, nguyên nhân chính là các sự cố phát sinh, khó tránh khỏi trong quá trình huấn luyện tác chiến cường độ cao.

Mất nhận thức tình huống

Mặc dù các công nghệ tàng hình và tên lửa dẫn đường chính xác tầm xa đã phát triển mạnh, nhưng không chiến tầm gần vẫn là nội dung quan trọng trong các cuộc huấn luyện của quân đội Mỹ. Đây là một bài tập nguy hiểm bởi các phi công buộc phải làm chủ được các thiết bị cảm biến và vũ khí trên khoang trong khi vừa phải quan sát các máy bay bay gần với tốc độ cao.

"Là phi công, chúng tôi đều được đào tạo rằng việc chú ý đến từng chi tiết nhỏ nhặt rất quan trọng. Tuy nhiên, việc đảm bảo cân bằng giữa các tiểu tiết với bức tranh toàn cảnh thường có thể khiến phi công mất đi sự tỉnh táo trong nhận thức tình huống", trung úy Katrina Nietch, một phi công hải quân Mỹ, cho biết.

Việc mất nhận thức tình huống là nguyên nhân dẫn tới sự cố va chạm trên không giữa hai tiêm kích F-16 không quân Mỹ khi đang bay ở ngoài khơi bang Maryland hồi tháng 8/2013. Trong khi thực hành tình huống đánh chặn tầm gần, phi công điều khiển chiến đấu cơ đi sau đã đâm vào đuôi chiếc F-16 phía trước, buộc phi công phải phóng dù thoát ra ngoài.

Các điều tra viên sau đó kết luận sự cố này xảy ra là do lỗi cả hai, khi phi công bay phía trước "không chú ý đến kênh liên lạc" và "sai lầm trong ưu tiên thực hiện nhiệm vụ", thì phi công phía sau không làm chủ được tốc độ.

James Lockridge, một phi công có hơn 50 năm kinh nghiệm bay, cho rằng không thể trách các phi công bởi họ buộc phải bao quát một  phạm vi 360 độ, trong khi tầm nhìn của họ bị hạn chế do những điểm mù dưới sàn cabin, phía trên trần và đằng sau các cánh. Hạn chế này gây nhiều khó khăn hơn khi các máy bay thực hành chuyển hướng nhanh theo kịch bản diễn tập.

Tiêm kích tàng hình thế hệ 5 F-35 của Mỹ cũng không thoát khỏi tình cảnh tương tự khi tầm quan sát của phi công rất hạn chế do buồng lái chật hẹp, đặc biệt khi phi công phải đội chiếc mũ công nghệ cao mới được phát triển dành riêng cho họ. 

Trong một tình huống không chiến giả định hồi đầu năm 2015, phi công lái thử F-35 nhận thấy khó quan sát được "phi cơ đối thủ" khi quay đầu ở góc hẹp. Mũ phi công quá lớn so với không gian bên trong khoang lái khiến họ khó quan sát hết phía sau máy bay. Tầm nhìn bị hạn chế không những khiến phi công F-35 khó quan sát và bắn hạ đối thủ, mà còn gây rủi ro va chạm khi phi công không thể nhận biết hết những gì đang diễn ra xung quanh.

Vì sao máy bay chiến đấu Mỹ liên tục đâm vào nhau? ảnh 1 Khoang lái của tiêm kích F/A-18. Ảnh: Science

Kỹ năng của phi công

Tuy nhiên, va chạm vẫn xảy ra khi phi công không bị cản trở tầm nhìn. Tiêm kích F-15 có khoang lái hình cầu rộng đúng tiêu chuẩn, giúp phi công quan sát toàn bộ bên ngoài, nhưng không ngăn nổi vụ va chạm trong tình huống không chiến trên Vịnh Mexico hồi tháng 1/2008.

Trong vụ việc đó, hai chiến đấu cơ F-15 lao vào nhau làm một phi công thiệt mạng. Không quân Mỹ chính thức kết luận sự cố này do phi công chưa thành thạo kỹ thuật tác chiến.

Quá trình huấn luyện không chiến cường độ cao đòi hỏi kỹ năng thuần thục. Các phi công quân sự phải mất hơn một năm để hoàn thiện kỹ năng cơ bản cần thiết trước khi thực hành các bài tập khó, bao gồm cả động tác chuyển hướng gấp. Kỹ năng này chỉ được duy trì khi họ thường xuyên được luyện tập.

Bất kỳ sự gián đoạn nào trong quá trình huấn luyện có thể làm xói mòn trình độ của phi công và khiến việc thực hành tác chiến giả định cường độ cao trở nên nguy hiểm và dẫn đến sự cố.

Vụ việc xảy ra trên Vịnh Mexico là do các phi công bị tạm ngừng huấn luyện một thời gian sau lệnh cấm F-15 cất cánh bởi sự cố một chiến đấu cơ này vỡ tan hồi tháng 11/2017. Khi cất cánh trở lại đầu năm 2008, trình độ của phi công bị giảm đến mức hai phi công rối trí trong xử lí tình huống và không thể dự đoán tỷ lệ va chạm cao trên không trung giữa hai phi cơ.

Hiện vẫn chưa thể khẳng định việc phi công thiếu kỹ năng có phải là lý do chính khiến hai tiêm kích F/A-18 va chạm hôm 26/5 hay không, nhưng các nhà lập pháp và các quan chức cấp cao hải quân Mỹ nhiều năm qua luôn cảnh báo việc không tăng ngân sách quốc phòng đang khiến quá trình bảo đảm an toàn cho phi công trở nên khó khăn hơn.

Mac Thomberry, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ dẫn chứng hồi tháng ba rằng tỷ lệ sự cố nghiêm trọng với các trực thăng quân đội Mỹ tăng từ 1,52 trong số 100.000 giờ bay trong năm 2014 lên 1,99 năm 2016, trong khi tỷ lệ va chạm của phi cơ thủy quân lục chiến Mỹ tăng trung bình trong 10 năm qua từ 2,15 trong 100.000 giờ bay lên 3,96 trong năm 2016.

Tướng Robert Neller, sĩ quan chỉ huy cấp cao của thủy quân lục chiến cho biết các phi đội của ông không có đủ máy bay để đáp ứng nhu cầu huấn luyện cho toàn bộ lực lượng. Trong tổng số 276 tiêm kích F/A-18 đang trở nên lỗi thời, chỉ có 17 máy bay trong số này được sửa chữa hoàn chỉnh và sẵn sàng tham gia bay huấn luyện hồi đầu năm 2016.

"Phi công không được huấn luyện đầy đủ và trang bị hỏng hóc là một thảm họa. Điều này có thể góp phần gây ra vụ va chạm trên không mới đây", một quan chức của Ủy ban Quân vụ Hạ viện khẳng định.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.