Vì sao Mỹ trừng phạt chương trình tên lửa Iran?

Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Shahab-1. Ảnh:Press TV
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Shahab-1. Ảnh:Press TV
Iran sở hữu kho tên lửa đạn đạo với tầm bắn bao phủ toàn bộ Trung Đông và có thể mở rộng hơn nữa chính là lý do mà Mỹ muốn cản đường Tehran trong việc sở hữu tên lửa liên lục địa.

Theo nghiên cứu của Viện Hòa bình Mỹ (USIP), Iran có kho tên lửa đạn đạo lớn và đa dạng nhất Trung Đông. Tên lửa đạn đạo của Israel tinh vi nhưng ít hơn về số lượng và chủng loại so với của Iran. Hầu hết các loại tên lửa đạn đạo của Iran có nguồn gốc từ nước ngoài, chủ yếu là Triều Tiên.

Hiện nay, Tehran vẫn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài về các thành phần chính trong chương trình tên lửa. Tuy nhiên, Iran có thể làm chủ các công nghệ lõi để phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa trong tương lai.

Năng lực của kho tên lửa đạn đạo của Iran vẫn khá hạn chế do độ chính xác kém. Vì vậy, tên lửa khó lòng tạo ra đột phá chiến lược khi không có đầu đạn hạt nhân hay hóa học. Tuy nhiên, Tehran có thể sử dụng tên lửa như một vũ khí răn đe về mặt chính trị hay đe dọa tấn công các thành phố của quốc gia đối thủ để gây áp lực về tâm lý.

Michael Elleman, cựu thanh sát viên của Liên Hợp Quốc, chuyên gia cao cấp về an ninh Trung Đông, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế về Chiến lược (IISS), nhận định tên lửa của Iran chưa thể tấn công Tây Âu trước năm 2017 hay Mỹ trước năm 2020, nhưng Tehran đang đẩy mạnh tốc độ phát triển để cụ thể hóa các tham vọng của họ.

Vì sao Mỹ trừng phạt chương trình tên lửa Iran? ảnh 1

Tên lửa đạn đạo tầm trung Shahab-3 rời bệ phóng trong một lần thử nghiệm. Ảnh:AP

Vừa nhập khẩu, vừa cải tiến

Iran theo đuổi chương trình phát triển tên lửa đạn đạo từ trước khi Cách mạng Iran nổ ra năm 1979. Tehran đã hợp tác với Tel Aviv để phát triển tên lửa đạn đạo tầm ngắn sau khi Washington từ chối cung cấp tên lửa MGM-52 Lance. Dự án hợp tác mang tên Flower, do Iran chi tiền và Israel phát triển công nghệ. Nó được triển khai vào năm 1977.

Ngoài ra, Iran cũng theo đuổi công nghệ hạt nhân và phương tiện mang đầu đạn. Tuy nhiên, cả hai chương trình bị hủy bỏ sau Cách mạng Iran. Trước khi chế độ quân chủ bị lật đổ, Không quân Iran là lực lượng mạnh nhất vùng Vịnh với hơn 400 máy bay chiến đấu các loại.

Sau Cách mạng Hồi giáo, phương Tây cắt đứt quan hệ ngoại giao và áp đặt lệnh trừng phạt khiến sức mạnh Không quân Iran suy giảm nhanh chóng do thiếu phụ tùng thay thế. Do đó, Tehran quay sang lựa chọn tên lửa như một giải pháp cấp bách khi chiến tranh với Iraq nổ ra.

Những năm 1980, Iran đã mua lại một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn Scud-B do Liên Xô sản xuất từ Libya, sau đó là Syria và Triều Tiên. Iran đã sử dụng các tên lửa này để tấn công Iraq từ năm 1985 cho đến khi kết thúc chiến tranh vào năm 1988.

Sau đó, Iran tiếp tục mở rộng kho tên lửa đạn đạo. Tehran đầu tư mạnh vào công nghiệp quốc phòng trong nước nhằm giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn cung nước ngoài không đáng tin cậy. Giờ đây, Iran có thể tự sản xuất tên lửa đạn đạo trong nước, dù một số thành phần quan trọng vẫn phải nhập khẩu.

Ngoài việc tự phát triển, Iran cũng chứng minh rằng họ có thể mở rộng tầm bắn cho các tên lửa mua từ nước ngoài. Tehran đã nâng cấp tên lửa Nodong mua từ Triều Tiên. Tên lửa Iran có thể tấn công bất kỳ khu vực nào ở Trung Đông. Tehran đang nỗ lực phát triển kho tên lửa đạn đạo để giải quyết các mục tiêu chiến lược.

Kho tên lửa đa dạng

Kho vũ khí của Iran bao gồm một số tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Giới phân tích đồng thuận rằng, Tehran đã kết hợp một cách sáng tạo sản phẩm từ nước ngoài và công nghệ trong nước để nâng cao chất lượng và số lượng kho vũ khí. Iran cũng thúc đẩy chương trình không gian đầy tham vọng nhằm nâng cao sức mạnh quốc gia.

Trong đó, nhóm tên lửa Shahab (nghĩa là sao băng theo tiếng Ba Tư), là loại tên lửa nhiên liệu lỏng, cốt lõi trong chương trình tên lửa của Iran.

Shahab gồm 3 phiên bản. Shahab-1 được phát triển dựa trên tên lửa Scud-B của Liên Xô, tầm bắn khoảng 300 km. Shahab-2 phát triển dựa trên Scud-C, tầm bắn khoảng 500 km. Theo một số nguồn tin, năm 2010, Iran có khoảng 200-300 tên lửa Shahab-1/2 có khả năng tấn công các nước láng giềng.

Loại tên lửa đạn đạo tầm trung đầu tiên của Iran là Shahab-3, dựa trên tên lửa Nodong của Triều Tiên. Phiên bản này có tầm bắn khoảng 900 km mang theo đầu đạn thông thường nặng 1 tấn. Năm 2004, Iran đã thử nghiệm phiên bản cải tiến từ Shahab-3 mang tên Ghadr-1 với tầm bắn khoảng 1.600 km, mang theo đầu đạn nặng 750 kg.

Vì sao Mỹ trừng phạt chương trình tên lửa Iran? ảnh 2

Tên lửa đạn đạo tầm trung Emad vừa được thử nghiệm vào tháng 10/2015. Ảnh:Press TV

Sejjil (đất sét nung) là tên lửa tầm trung nhiên liệu rắn đầu tiên của Iran, giúp rút ngắn thời gian sẵn sàng chiến đấu từ vài giờ xuống còn vài chục phút. Phiên bản nâng cấp Sejjil-2 được tiến hành thử nghiệm vào năm 2009. Chuẩn tướng Abdollah Araghi, phó tư lệnh Lục quân Iran từng tuyên bố rằng, tên lửa Sejjil cho phép Iran nhắm vào bất kỳ mục tiêu nào đe dọa nước này.

Sejjil có tầm bắn từ 2.000 đến 2.500 km, mang theo đầu đạn nặng 750 kg. Một số nguồn tin cho biết, Iran đang phát triển phiên bản Sejjil-3 với tầm bắn khoảng 4.000 km.

Cuối năm 2015, Iran đã tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới mang tên Emad. Bộ trưởng Quốc phòng Iran, Chuẩn tướng Hossein Dehghan cho biết, tên lửa mới có tầm bắn khoảng 1.700 km và được trang bị hệ thống dẫn hướng tiên tiến. Emad là tên lửa đạn đạo tầm trung chính xác nhất của Iran.

Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc từng lên án vụ thử nghiệm tên lửa Emad vi phạm nghị quyết trừng phạt Iran. Mỹ đã dỡ bỏ lệnh trừng phạt chương trình hạt nhân với Iran nhưng ngay sau đó đã áp dụng lệnh trừng phạt mới với chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.

Một số nhà phân tích nhận định, thỏa thuận hạt nhân với Iran có thể ngăn chặn tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên, chương trình tên lửa của nước này ngày càng phát triển và có thể đe dọa nước Mỹ ngay cả khi không có vũ khí hủy diệt hàng loạt. Đây được cho là lý do mà Washington muốn can thiệp vào chương trình, nhằm ngăn cản Iran phát triển các tên lửa liên lục địa có thể bắn tới Mỹ.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.