Vì sao Nga tung nhiều vũ khí tối tân vào Syria?

Tên lửa hành trình được phóng đi từ một tàu ngầm lớp Kilo của quân đội Nga (Ảnh: AP)
Tên lửa hành trình được phóng đi từ một tàu ngầm lớp Kilo của quân đội Nga (Ảnh: AP)
Phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm, triển khai các chiến đấu cơ, tên lửa hiện đại nhất… Nga đang thể hiện sức mạnh quân sự tại Syria, đúng thời điểm bị xem là khó khăn nhất, khi phương Tây gia tăng các lệnh trừng phạt.

Cho đến thứ Ba vừa qua, mới chỉ Mỹ và Anh là những quốc gia chứng tỏ được khả năng phóng tên lửa hành trình từ tàu ngầm để tấn công các mục tiêu trên bộ. Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi khi một loạt tên lửa vút lên từ Địa Trung Hải, xé toang bầu trời quang mây và cho thế giới thấy Nga đã gia nhập nhóm số ít các quốc gia sở hữu năng lực quân sự đặc biệt này.

Các tên lửa hành trình được phóng bởi một tàu ngầm lớp Kilo là bằng chứng rõ ràng về sức mạnh quân sự Nga, trong cuộc chiến chống khủng bố tại Syria.

Các chiến đấu cơ hiện đại, chưa từng được sử dụng trong chiến đấu trước đó, cũng đang ngày ngày xuất kích tại Syria. Những xe tăng uy lực nhất của quân đội Nga cũng đang có mặt trên chiến trường, trong khi tên lửa hành trình vút đi trên bầu trời.

Theo tờ Telegraph, với việc các phần tử nổi dậy tại Syria không hề sở hữu năng năng phòng không và cũng ít vũ khí hiện đại, ít có lí do rõ ràng nào về mặt quân sự đòi hỏi Nga phải sử dụng những vũ khí hạng nặng nhất.

Các chuyên gia tin rằng, mục tiêu thực sự của Tổng thống Putin khi triển khai những thiết bị đó là nhằm gửi đi một thông điệp tới NATO và Mỹ. Sau khi tăng chi tiêu quân sự ít nhất 50% trong vòng 10 năm qua, ông Putin muốn chứng tỏ các lực lượng vũ trang của mình giờ đã sánh ngang với những thiết bị quân sự uy lực nhất của phương Tây.

Những tên lửa hành trình phóng đi từ dưới mặt nước Địa Trung Hải có lẽ là yếu tố quan trọng nhất trong màn trình diễn.

Vì sao Nga tung nhiều vũ khí tối tân vào Syria? ảnh 1

Tên lửa hành trình Nga đánh trúng một trung tâm chỉ huy của IS tại Syria (Ảnh: AP)

Suốt 20 năm gần đây, Hải quân Mỹ vẫn thực hiện các vụ tấn công trên bộ bằng tên lửa Tomahawk từ các tàu ngầm lớp Los Angeles. Hải quân Anh cũng làm việc tương tự với các tàu ngầm lớp Trafalgar, mà nay được thay thế bằng tàu ngầm lớp Astute.

Với việc các tên lửa hành trình có tầm bắn ít nhất 1600km, chúng cho phép hải quân các nước này có thể tiêu diệt mục tiêu hầu như ở bất kỳ đâu trên thế giới, sử dụng một hệ thống bệ phóng không thể bị phát hiện sâu trong lòng đại dương. Bởi vậy các tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm được xem như đỉnh cao của sức mạnh hải quân.

Thế độc tôn của Anh và Mỹ sắp bị Pháp thách thức, khi quân đội nước này đưa các tàu ngầm lớp Barracuda vào biên chế trong năm 2017. Trung Quốc cũng đang phát triển một phiên bản của vũ khí này.

Nhưng hóa ra Nga mới là người về đích trước các đối thủ. Mátxcơva đã nhanh chóng công bố những đoạn video ghi lại hình ảnh tên lửa lao lên từ lòng biển hướng về phía Syria. “Kết quả của các vụ phóng thành công của lực lượng không quân và tàu ngầm là toàn bộ các mục tiêu bị phá hủy”, Bộ trưởng quốc phòng Sergei Shoigu tuyên bố.

Liệu tên lửa hành trình có phải “cách thức hiệu qủa nhất về mặt chi phí” để phá hủy các mục tiêu khủng bố tại Syria hay không vẫn là câu hỏi ngỏ, cựu thiếu tướng quân đội Anh Ben Barry, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) nhận định.

Vì sao Nga tung nhiều vũ khí tối tân vào Syria? ảnh 2

Máy bay ném bom chiến lược Tu-160 cũng đã được Nga điều tới Syria (Ảnh: National Interest)

Dù vậy chi phí và hiệu quả có lẽ không phải điều quan trọng nhất trong tính toán. “Nếu tôi là một sỹ quan người Nga, tôi sẽ nói “việc này thực sự có hiệu quả răn đe - NATO sẽ phải bật dậy để ghi nhận việc này’”, ông Barry nói.

Trước đó Nga đã phóng tên lửa hành trình từ 4 tàu chiến trên biển Caspi và đó cũng là lần đầu tiên Hải quân Nga sử dụng những vũ khí này trên các tàu mặt nước.

“Ở đây có yếu tố phô diễn năng lực để giành lấy đòn bẩy chiến lược trên phạm vi rộng hơn”, ông Barry phân tích “Nếu họ muốn răn đe những gì họ xem là chủ nghĩa phiêu lưu của NATO, việc này giúp cho thấy họ có thể phóng tên lửa hành trình từ cả tàu mặt nước và tàu ngầm”.

Ngoài ra, những người dân Nga cũng có thể là đối tượng được nhắm tới trong màn trình diễn này. “Hành động đó giúp công chúng Nga thấy rằng những nguồn lực được đầu tư vào hiện đại hóa quân sự là hợp lý”.

Những thành quả khác trong chương trình hiện đại hóa quân đội của Tổng thống Putin cũng đã được trình diễn sau khi quân đội Nga được triển khai tới Syria hôm 30/9. Không quân Nga đã nhận được 46 máy bay ném bom Su-34 Fullback mới. Những chiến đấu cơ hiện đại này đang thực hiện nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu khủng bố tại Syria, và chắc chắn cũng giúp các chuyên gia quân sự Nga đánh giá hiệu năng của chúng.

Đầu tháng nay, có thông tin cho thấy mẫu xe tăng chiến trường chủ lực T90 hiện đại nhất của Nga cũng có mặt tại tiền tuyến ở Syria, sau khi phiên bản T72 cũ hơn tỏ ra dễ bị tiêu diệt bởi các tên lửa chống tăng của phiến quân.

T90 được bảo vệ bởi hệ thống gây nhiễu Shtora. Hệ thống phòng thủ này sẽ làm gián đoạn cơ chế dẫn đường của bất kỳ tên lửa nào đang bay tới. Lớp khiên bảo vệ này đang lần đầu được kiểm chứng trên chiến trường Syria.

Trên không, Nga cũng đã điều máy bay ném bom chiến lược uy lực nhất Tu-160 Blackjack tham chiến. Mẫu chiến đấu cơ siêu thanh với cánh có thể khép lại này ban đầu ra đời để đối phó với mẫu Rockwell B1 Lancer của Mỹ. Nhiệm vụ của Tu-160 khi đó là xâm nhập không phận được bảo vệ nghiêm ngặt và thực hiện một vụ tấn công hạt nhân.

Không có lí do rõ ràng nào về mặt quân sự để triển khai mẫu chiến đấu cơ này để trừng phạt những phần tử khủng bố tại Syria, nhưng tất nhiên nó sẽ khiến thế giới bị ấn tượng.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG