Vì sao tàu chiến ven biển thành gánh nặng của Hải quân Mỹ?

Dự án tàu chiến ven biển LCS từng được kỳ vọng đem lại tương lai cho Hải quân Mỹ với các tàu chiến nhỏ, nhưng nó đang là một thất bại với nhiều vấn đề về kỹ thuật.

Kể từ khi Thế chiến II kết thúc, Hải quân Mỹ theo đuổi học thuyết phát triển các tàu chiến cỡ lớn nhằm phục vụ cho chiến lược toàn cầu. Tuy nhiên, các dự án tàu chiến lớn tiêu tốn hàng trăm tỷ USD và dẫn đến nhiều tranh cãi.

Từ những năm 1990, Hải quân Mỹ đã đề xuất chương trình phát triển đội tàu chiến nhỏ, linh hoạt cho các nhiệm vụ tuần tra và chiến đấu ven bờ, còn gọi là Tàu chiến ven biển (LCS). Theo Daily Beast, hạm đội này mắc lỗi thiết kế, quản lý kém và trục trặc kỹ thuật. Nhưng Hải quân Mỹ không hủy dự án này.

Chương trình LCS được quyết định giảm số lượng từ 52 xuống 40 tàu và tiến hành đóng mới tại hai nhà máy đóng tàu khác nhau. Điều đó phản ánh cuộc xung đột đang diễn ra bên trong Lầu Năm Góc về chiến lược quân sự của Mỹ.

Vì sao tàu chiến ven biển thành gánh nặng của Hải quân Mỹ? ảnh 1 USS Independent (LCS-2) phiên bản do tập đoàn Austal đóng mới theo kiểutrimaran. Ảnh:Hải quân Mỹ.

Bất đồng nội bộ


Các quan chức Lầu Năm Góc và hải quân chia thành 2 phe. Một bên ủng hộ việc lập kế hoạch quốc phòng với khái niệm “hiện diện”, nghĩa là triển khai nhiều binh lính, máy bay, tàu chiến với chi phí thấp đến các điểm nóng tiềm năng nhằm trấn an các đồng minh và xua đuổi kẻ thù của họ. Chiến lược này về mặt lý thuyết có thể ngăn ngừa chiến tranh.

Trong khi đó, phe phản đối đề xuất chiến lược quốc phòng kiểu “khả năng”, tức là tập trung số lượng nhỏ các vũ khí cực kỳ tinh vi và tốn kém ở Mỹ và một số căn cứ chính ở nước ngoài, không triển khai binh lính và vũ khí cho đến khi thực sự xảy ra chiến tranh mà quân đội Mỹ dứt khoát phải can thiệp.

Việc giảm số lượng tàu LCS được xem là một chiến thắng ban đầu cho phe “khả năng”, và báo hiệu một sự thay đổi trong chiến lược của Mỹ từ triển khai quân sự quy mô lớn dài hạn đến một cách tiếp cận thận trọng được cho là dè dặt hơn với chiến tranh.

Kế hoạch giảm chương trình LCS được phê duyệt bằng bản ghi nhớ trong cuộc hội đàm vào ngày 14/12 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter, người dẫn đầu bên phe “khả năng” và Bộ trưởng Hải quân Ray Mabus, người ủng hộ phe “hiện diện”.

Ông Carter nói với Mabus rằng, các đơn vị hải quân sẽ không thể nhận được tất cả các tàu LCS như mong muốn. “Kế hoạch này là giảm phần nào số lượng tàu LCS có sẵn cho các hoạt động hiện diện”, Bộ trưởng Carter nói.

Ông chủ Lầu Năm Góc đề nghị bộ trưởng hải quân sử dụng khoản tiền khoảng 5 tỷ USD từ giảm số lượng tàu để mua sắm thêm máy bay chiến đấu phản lực, tên lửa và máy bay do thám. Những vũ khí mà ông Carter lập luận “sẽ có khả năng và tư thế cần thiết để đánh bại đối thủ tiềm tàng mạnh nhất của chúng ta”.

Trước đó, Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch đóng mới 52 tàu chiến nhỏ, linh hoạt với thủy thủ đoàn khoảng 75 người, nhằm tăng cường khả năng của hải quân trong các vùng nước ven biển, tiết kiệm nhân lực, chi phí và tăng số lượng tàu từ 282 lên hơn 300 vào đầu năm 2019.

Vì sao tàu chiến ven biển thành gánh nặng của Hải quân Mỹ? ảnh 2 USS Fort Worth (LCS-3), phiên bản do tập đoàn Lockheed Martin đóng mới. Ảnh:Lockheed Martin.

Năng lực kém

Chương trình LCS được khởi xướng từ những năm 1990. Một số ý kiến cho rằng, LCS là một tham vọng ngu ngốc về công nghệ của các nhà hoạch định quân sự. Sáng kiến LCS phải chịu đựng nhiều vụ bê bối, thất bại và rắc rối kỹ thuật.

Đơn giá mỗi tàu khoảng 500 triệu USD, gấp đôi so với dự toán ban đầu. Thiết kế tàu kéo dài nhiều năm hơn so với các nhà hoạch định dự đoán. Một vấn đề nghiêm trọng khác là thay vì chỉ chọn một nhà thầu cho dự án, Lầu Năm Góc phân bổ cho tập đoàn Lockheed Martin và Austal cùng tham gia và mỗi công ty xây dựng một phiên bản khác nhau của dự án.

Chiến lược xây dựng kép này dẫn đến 2 loại tàu khác nhau với yêu cầu riêng trong chuỗi cung ứng cũng như các chương trình đào tạo thủy thủ đoàn dẫn đến tốn kém và lãng phí không cần thiết. Khi chiếc tàu dài hơn 121 m được đưa vào hoạt động từ năm 2008, hải quân đã phát hiện nhiều thiếu sót kỹ thuật nghiêm trọng.

Các tàu ban đầu bị rỉ sét quá nhanh, pháo chính rung mạnh khi hoạt động và không thể bắn thẳng. Hải quân Mỹ muốn xây dựng LCS theo công nghệ module với khái niệm “plug – and – play” (gắn và chạy), bằng cách sử dụng bộ công cụ cảm biến và vũ khí khác nhau cho từng nhiệm vụ như chống tàu ngầm, phá mìn hoặc chống tàu mặt nước. Tuy nhiên, 7 năm kể từ khi USS Freedom (LCS-1) do Lockheed Martin chế tạo đi vào hoạt động, vẫn không có bất kỳ module chiến đấu nào sẵn sàng để sử dụng.

Ngay cả với module chiến đấu đang hoạt động, LCS được vũ trang quá yếu với pháo chính 57 mm và một vài tên lửa tầm ngắn. Hải quân Mỹ đang có kế hoạch tăng thêm tên lửa cho LCS nhưng con tàu vẫn khó lòng so sánh được với các tàu khu trục và tuần dương hạm, những con tàu đều tự hào với pháo chính 127 mm và hàng trăm tên lửa tầm xa.

Bên cạnh sự yếu kém về hỏa lực, LCS cũng không đáng tin cậy. Hải quân Mỹ có 6 tàu LCS đang hoạt động, nhưng chỉ có 2 được triển khai ở nước ngoài trong 7 năm qua. Trong khi đó, với các tàu chiến khác, 6 tàu có thể tạo thành một nhóm để triển khai luân phiên hàng chục lần trong quãng thời gian tương tự.

Vấn đề lớn nhất xảy ra vào ngày 11/12 với USS Milwaukee (LCS-6). Chiếc tàu mới nhất trong dự án gặp sự cố khi di chuyển từ nhà máy đóng tàu của tập đoàn Lockheed ở Wisconsin đến Florida. Người ta đã phải điều một chiếc tàu kéo đưa con tàu về một cơ sở hải quân ở Virginia để sửa chữa.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG