Việt – Mỹ hợp tác huấn luyện rà phá bom mìn

Việt – Mỹ hợp tác huấn luyện rà phá bom mìn
“Bùm”, một tiếng nổ vang lên. Người nông dân đã bị thương nặng khi cố gắng dẫn một nhóm hủy nổ tới chỗ ông phát hiện một vật nổ.
Từng động tác đều cẩn thận, chính xác và đảm bảo an toàn tuyệt đối
Từng động tác đều cẩn thận, chính xác và đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Tất cả nhân viên trong nhóm khẩn trương bằng nghiệp vụ cấp cứu cho người nông dân. Những động tác rất điêu luyện, chính xác không khác gì những bác sĩ chuyên nghiệp giúp người nông dân nhanh chóng được đưa lên xe cấp cứu một cách an toàn. Trong khi đó, các thành viên trong nhóm hủy nổ vẫn tiếp tục tìm kiếm và hủy quả mìn còn sót lại.

Chính xác, thành thục, an toàn

Trên đây là một phần kịch bản mà những học viên lớp Tập huấn về xử lý an toàn vật nổ và cấp cứu người bị thương do nổ bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh trình diễn trong buổi báo cáo kết thúc khóa học. Phần trình diễn “tốt nghiệp” xuất sắc của các học viên lớp tập huấn đã nhận được khen ngợi của Thiếu tướng Phạm Quang Xuân, Tư lệnh Binh chủng Công Binh; Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear, cũng như các giảng viên người Mỹ, những người đã tận tình hỗ trợ, hướng dẫn các học viên Việt Nam trong 12 ngày theo lớp tại Trường Trung cấp kỹ thuật Công binh – Binh chủng Công binh.

Quan sát bài thực hành dưới cái nắng chói chang, nhìn các học viên vẫn cần mẫn, dứt khoát, chính xác trong từng động tác mới thấy rõ thành quả thực sự của lớp tập huấn. Những thiết bị hiện đại được mang tới từ nước Mỹ, cho dù còn mới lạ với các học viên Việt Nam, nhưng đã được các học viên trình diễn rất thành thục. Từ động tác dò mìn, tới việc băng bó, mở đường thở, tiêm thuốc, cố định tay chân gẫy, các vết thương khó ở đầu…đều rất “nhuyễn”, thể hiện sự học tập nghiêm túc của các học viên. Chính vì vậy, kết thúc mỗi phần biểu diễn đội biểu diễn lại nhận được những tràng pháo tay không ngớt từ những người chứng kiến.

Cấp cứu đồng đội bị thương
Cấp cứu đồng đội bị thương.

Thiếu tướng Phạm Quang Xuân cho biết, lớp tập huấn là một trong các hoạt động nằm trong trong khuôn khổ hoạt động phối hợp khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh vì mục đích nhân đạo giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Văn phòng hợp tác quốc phòng Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. Lớp tập huấn diễn ra từ ngày 1-7 đến ngày 12-7. Binh chủng Công binh và Văn phòng cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025 (gọi tắt là Chương trình 504) phối hợp tổ chức khóa tập huấn.

Tham gia khóa tập huấn gồm Đội giảng viên 13 người thuộc Chương trình hành động mìn nhân đạo (HMA), Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương, Quân đội Hoa Kỳ và 64 học viên thuộc các cơ quan, đơn vị, tổng công ty, công ty có chức năng nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sót lại sau chiến tranh của Việt Nam.

Nội dung khóa tập huấn chú trọng vào 3 nội dung chính: nhận biết bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh; biện pháp tháo gỡ, bảo vệ, vận chuyển, tiêu hủy, an toàn; biện pháp phòng ngừa thương tích và cấp cứu người bị thương do nổ bom mìn, vật nổ...

Việc khó cần chung tay

Có thể thấy rõ, những gì các học viên học được rất thiết thực bổ ích cho quá trình làm nhiệm vụ tại những khu vực đang bị ô nhiễm bom mìn. Một thực tế là sau khi kết thúc chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã đặc biệt quan tâm đến việc khắc phục hậu quả bom, mìn. Đến nay, Chính phủ đã ban hành nhiều nhiều cơ chế chính sách và hằng năm đã chi hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả. Nhờ sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương và toàn xã hội, sự hợp tác giúp đỡ của bạn bè quốc tế, công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các mặt.

Tuy đạt được những kết quả nêu trên, nhưng do chiến tranh diễn ra trong một thời gian dài với số lượng bom, mìn mà quân đội ngoại xâm đã sử dụng rất lớn, tình trạng ô nhiễm bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam đến nay vẫn rất nặng nề; tai nạn, thương tích đối với người dân, đặc biệt là trẻ em vẫn diễn ra hằng giờ, hằng ngày trên phạm vi cả nước, ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống của một bộ phận không nhỏ dân cư. Có thêm một người chiến sĩ rà phá bom mìn lại có kỹ năng cứu thương đạt “chuẩn” sẽ hạn chế những thiệt hại do vật nổ.

Thiếu tướng Phạm Quang Xuân cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trao đổi với giảng viên B.Beale
Thiếu tướng Phạm Quang Xuân cùng Đại sứ Mỹ tại Việt Nam trao đổi với giảng viên B.Beale.

Phát biểu trong buổi rút kinh nghiệm, Thiếu tướng Phạm Quang Xuân nhấn mạnh, cùng với việc huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước, Việt Nam luôn đánh giá cao và mong muốn sự hợp tác, hỗ trợ quý báu, chung tay góp sức của cộng đồng quốc tế, trong đó có vai trò của Mỹ trong việc khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh.

Đại úy Brian Beale, một giảng viên tham gia khóa tập huấn trả lời phỏng vấn phóng viên Báo QĐND Online cho biết, chương trình khóa tập huấn được tổ chức chặt chẽ, phù hợp, thiết thực. Cả giảng viên và học viên đều nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nội dung chương trình kế hoạch. Qua tập huấn các học viên được củng cố, nâng cao về kiến thức, kinh nghiệm; thành thạo hơn về kỹ năng nhận biết, xử lý an toàn bom mìn, vật nổ và cấp cứu người bị thương trong tình huống nổ bom mìn sót lại sau chiến tranh, góp phần làm giảm thiểu tai nạn, giải phóng đất đai, phát triển sản xuất, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng do bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.

Học viên của lớp học trao đổi kiến thức mới
Học viên của lớp học trao đổi kiến thức mới.
Đại diện Bộ tư lệnh Công binh và phía Mỹ ký văn bản bàn giao một số thiết bị
Đại diện Bộ tư lệnh Công binh và phía Mỹ ký văn bản bàn giao một số thiết bị.

Giảng viên Beale còn cho biết, anh cũng rất yêu đất nước, con người, sự thân thiện của người dân, những học viên là quân nhân trong QĐND Việt Nam. “Tôi và đồng đội đã có chuyến đi thực sự ấn tượng với nhiều kỷ niệm đẹp ở Việt Nam”, Beale chia sẻ.

Thông tin sát thực để giảm thiệt hại

Bảy tỏ về những kiến thức khoa học cách cấp cứu người bị nạn mà các giảng viên của Mỹ đã mang tới, học viên của lớp tập huấn Phạm Văn Tuấn cho biết: “Các giảng viên từ Mỹ đã truyền đạt các kiến thức rất cơ bản về nghiệp vụ công binh, các nguyên tắc an toàn và đặc biệt là kỹ thuật sơ, cấp cứu đối với những người bị nạn do vật nổ”. Mặc dù rất vui, nhưng học viên Vũ Hồng Quân cũng băn khoăn, rõ ràng các giảng viên Mỹ đã đưa đến lớp học những kinh nghiệm rất hay trong công tác bảo đảm an toàn cho chiến sĩ công binh cũng như người bị nạn bởi vật liệu nổ, song các giảng viên Mỹ lại chưa đề cập sâu tới thông tin về các loại bom, mìn mà Mỹ đã từng rải xuống Việt Nam. Điều này các học viên Việt Nam rất cần.

Rất may là “trăn trở” của học viên Vũ Hồng Quân đã được giải tỏa phần nào. Tại lễ Bế mạc khóa tập huấn, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David Shear đã trao cho phía Việt Nam bộ dữ liệu mới nhất do Viện Nghiên cứu không quân của Mỹ sản xuất. Bộ cơ sở dữ liệu Đông Nam Á – Báo cáo lịch sử tác chiến chiến trường là hồ sơ hoan thiện và chính xác nhất có được cho đến nay về hoạt động ném bom của quân đội Mỹ và đồng minh trong những năm 1960 – 1970. Bộ dữ liệu này có thêm lượng hồ sơ nhiều hơn khoảng 20% so với những gì đã được xác định trước đó. Trong đó độ chính xác được cải thiện rất nhiều với tọa độ mục tiêu trong vòng 100m. “Với bức tranh chính xác hơn về ô nhiễm bom mìn, chúng ta có thể làm việc khôn ngoan và hiệu quả hơn”, Đại sứ David Shear nói.

Cũng tại lễ bế mạc, Đại sứ David Shear nhấn mạnh, sự thành công của khóa tập huấn, việc trao đổi kỹ thuật và hợp tác giữa hai bên trong giải quyết bom mìn còn sót lại sau chiến tranh đã đóng góp tích cực vào quan hệ quốc phòng, cũng như quan hệ của hai nước nói chung.

Theo QDND

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG