Vĩnh biệt người cuối cùng trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Niềm vui tuổi già khi được trao tặng nhà tình nghĩa.
Niềm vui tuổi già khi được trao tặng nhà tình nghĩa.
TP - Đêm 14/7, tôi thực sự bất ngờ và hẫng hụt khi hay tin cụ Tô Đình Cắm, một trong 34 chiến sỹ đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) qua đời. Đám tang của cụ diễn ra bình dị theo tập tục của người Tày nhưng cũng không kém phần trang trọng. 

Nhiều tướng lĩnh, lãnh đạo địa phương cùng đại diện các ban ngành đến viếng hoặc gửi vòng hoa chia buồn cùng gia đình cụ. Vòng hoa của gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp được đặt trên mộ phần cụ Cắm tại nghĩa trang thôn 8 (xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng). 

Trong số 34 chiến sĩ tuyên thệ dưới cờ Tổ quốc thành lập đội VNTTGPQ, có lẽ Tô Đình Cắm có ân tình sâu nặng với vị chỉ huy của mình hơn cả. Bởi thế dẫu còn một số ước nguyện cháy bỏng chưa thực hiện được nhưng cụ Cắm vẫn thanh thản ra đi ở tuổi 95, vì đã sống xứng đáng với niềm tin của tướng Giáp.

Đầu năm nay, khi chúng tôi đến thăm cụ Tô Đình Cắm (người còn lại cuối cùng của đội VNTTGPQ - tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) tại ngôi nhà tình nghĩa ở thị trấn Đạ Tẻh (huyện Đạ Tẻh, Lâm Đồng), cụ còn bảo, hy vọng ngày 27/7 tới, có thể ra viếng mộ tướng Giáp và thăm lại rừng Trần Hưng Đạo.

Xem anh Văn như người bố của mình

Tôi gặp cụ Cắm lần đầu tiên vào trung tuần tháng 10/2013, chỉ vài ngày sau khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp (anh Văn) được đưa về an nghỉ tại Vũng Chùa - Đảo Yến, tỉnh Quảng Bình. Nghe tin Đại tướng mất, mắt cụ Cắm khóc mắt đỏ hoe, lưng còng hẳn xuống, giọng run run: “Nhớ anh Văn lắm các cháu ơi!”.  

Anh Tô Đức Tuân (ngoài 50 tuổi), con trai của cụ Cắm, kể: “Bố tôi muốn ra Bắc để tiễn biệt tướng Giáp nhưng theo y lệnh của bác sĩ, bố tôi phải tiếp tục điều trị cao huyết áp độ 2 cùng nhiều bệnh khác nên không thể đi được. Nghe vậy, bố tôi buồn lắm, chẳng muốn ăn uống gì cả, rồi lặng lẽ lập bàn thờ Đại tướng ngay tại nhà. Ngày mừng thọ 88 tuổi của bố tôi, có người tặng bức chân dung tướng Giáp, ông cất giữ cẩn thận, nay mang ra đặt trang trọng trên bàn thờ”. 

Cụ Cắm kể: “Khi Việt Minh ra đời (năm 1941) tuy mới 19 tuổi nhưng đã gan lì lắm: Gia nhập Hội Thanh niên Cứu quốc rồi ngày đêm tuyên truyền, vận động mọi người góp sức đánh đổ thực dân, phong kiến. Mật thám Tổng đoàn tên Thức tuyên bố với thuộc cấp rằng ai lấy được đầu của tôi sẽ được thăng chức và thưởng thêm 300 kg muối. Vì tôi và đứa em vào rừng làm du kích nên đến mùa lúa chín, một mình mẹ già gặt không kịp. Có lần tôi đánh liều về nhà giúp mẹ thì bị lính khố xanh phát hiện truy đuổi. Tôi phải dầm mình dưới vũng bùn tanh hôi, lạnh lẽo, để đỉa đeo bám hút máu khắp người từ sáng tới tối, sau đó mới lợi dụng bóng đêm trốn thoát. Năm 20 tuổi (1942), tôi gặp anh Văn ở một lán trại trong rừng Trần Hưng Đạo dưới chân núi Slam Cao và được anh giữ lại làm liên lạc”.

Ngày 22/12/1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, đội VNTTGPQ được thành lập với 34 người. “Tôi rất vinh dự khi là thành viên của đội. Cả xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng chỉ có tôi và Đặng Tuần Quý được chọn vào đội”, cụ Cắm hào hứng nói, gương mặt rạng rỡ hẳn lên.

Nhấp một ngụm nước chè, cụ kể tiếp: Chỉ 2 ngày sau khi thành lập, anh Văn chỉ huy đội đi đánh đồn Phai Khắt ở xã Tam Lộng, châu Nguyên Bình. Chúng tôi phải đi bộ từ chiều cho tới sáng hôm sau mới dừng chân tại một quả núi sau bản Phai Khắt để nghe ngóng tình hình. Khi biết tên quan Tây cùng một số lính đã lên châu dự lễ Giáng sinh, chúng tôi cải trang thành lính dõng tiến về phía cổng đồn. Đồng chí Thu Sơn chìa tờ giấy đi tuần mà anh Văn đã chỉ đạo làm giả từ trước, có đóng dấu đỏ cho lính gác xem rồi cả đội đi thẳng vào đồn, nhanh chóng tiếp cận nơi để súng và bao vây nhà lính. Sau đó, Thu Sơn hô to “tập hợp”. Lập tức 16 lính và 1 tên cai ra đứng giữa sân. Chỉ chờ có thế, toàn đội chĩa súng vào chúng. 17 tên địch đã giơ tay đầu hàng. Viên quan Tây Simônô từ Nguyên Bình trở về cũng bị tiêu diệt. Trận này, đội tiêu diệt 1 tên, bắt sống 17 tên địch, thu được 17 khẩu súng, một ít đạn và quân trang.

“Ngay trong đêm 25/12, chúng tôi tiếp tục hành quân khoảng 15km để kịp đánh đồn Nà Ngần vào sáng hôm sau. Chúng tôi cải trang thành lính khố xanh, khố đỏ áp giải 3 cộng sản Mán bị trói để giao cho quan. Nhờ vậy mà lừa được quân địch để vào đồn. Vừa vào đến nơi, một số chiến sĩ tiến đến án ngữ giá để súng, số khác chặn các của đồn, những người còn lại bắn chỉ thiên gọi địch đầu hàng và vây bắt tù binh. Trận này đội tiêu diệt 5 tên, bắt 17 lính, thu 27 súng và nhiều đạn. Ngày đó quân mình có ít vũ khí lắm nên rất phấn khởi khi lấy được nhiều súng đạn của địch”, cụ Cắm kể.  

Nói về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Cắm nói: “Anh Văn chỉ huy đánh trận rất giỏi, lại gần gũi và nói chuyện hay nên anh em trong đội đều kính nể, không ngại gian khổ, hy sinh để cùng quyết tâm chiến thắng mọi trận đánh. Tôi mồ côi cha khi mới 6 tuổi, gia đình lại nghèo khó nên thất học. Chính anh Văn đã dạy chữ cho tôi để có thể đọc tài liệu tiếng Việt rồi dịch sang tiếng Tày, Nùng nhằm tuyên truyền, vận động người dân theo cách mạng. Anh Văn bảo muốn chiến đấu trong lòng dân thì phải làm cho dân thương như con cái trong nhà. Anh dạy chúng tôi từ lời ăn tiếng nói cho đến cách cư xử, ăn ở ra sao để có thể hòa nhập với đồng bào. Anh còn chỉ dẫn cách tiếp cận với những người bản địa bị Pháp chiêu dụ làm tay sai để thuyết phục họ quay về với chính nghĩa. Dù anh Văn chỉ lớn hơn tôi có 10 tuổi nhưng tôi coi anh như bố mình. Anh nghiêm khắc thế nào tôi cũng không dám giận”.

Về kỷ niệm đáng nhớ khi làm việc cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cụ Cắm kể: Có lần bị mật thám truy đuổi ráo riết, khi về nơi đội tập kết, tôi hậm hực kể lại với anh Văn và đòi đột nhập vào nhà tên mật thám giết cả gia đình để cảnh cáo. Vừa dứt lời, tôi liền bị anh Văn bắt phạt. Anh gọi cả đội tới chứng kiến rồi ôn tồn giảng giải không được giết hại người khác vì lòng căm tức cá nhân. Làm như vậy thì mình cũng bất nhân giống như kẻ thù, làm mất lòng tin của người dân đối với tổ chức, với cách mạng

Vĩnh biệt người cuối cùng trong Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ảnh 2 Cụ Tô Đình Cắm bên bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng.

91 tuổi mới được nhận thẻ thương binh

Cách đây mấy tháng, khi đến thăm nhà cụ Cắm, chúng tôi thấy cụ yếu hơn trước, chứng lãng tai có phần nặng hơn. Con dâu út của cụ cho biết, cụ rất khó ngủ, ít ăn và cũng ít nói hơn. Quả thực trong lúc trò chuyện, chúng tôi thấy cụ lúc nhớ lúc quên, riêng những chuyện liên quan đến tướng Giáp và những năm tháng khoác áo lính thì cụ trả lời rành mạch, không hề lẫn lộn.

Cụ nói, rất nhớ năm 1945 cùng đồng đội tham gia cướp chính quyền tại Bắc Cạn rồi theo đoàn quân Nam tiến vào đóng quân tại Rạch Giá. Năm 1946, trong một trận chống càn, vì bị thương nặng phải trở ra miền Bắc điều trị dài ngày rồi giải ngũ. Năm 1947, thực dân Pháp nhảy dù xuống Bắc Cạn, Tô Đình Cắm lại xung phong ra trận, giữ chức Trung đội trưởng pháo binh.

“Chẳng ai ép một bệnh binh lên đường chiến đấu. Nhưng nhớ lời dặn dò của anh Văn rằng phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ Tổ quốc nên tôi quay lại chiến trường”, cụ Cắm thổ lộ. Khi tham gia đánh đồn Đông Khê trong chiến dịch Biên giới năm 1950, Tô Đình Cắm bị thương nặng ở vai nên phải giải ngũ về quê làm ruộng và tham gia công tác xã hội, sau đó lấy vợ và sinh được 7 người con.

Năm 1992, dù đã 70 tuổi, nhưng do cuộc sống quá khó khăn, thiếu đất sản xuất nên người chiến sỹ Tô Đình Cắm cùng vợ con rời Cao Bằng vào Đạ Tẻh (Lâm Đồng) lập nghiệp, trồng lúa để sinh sống. Con đông nên cuộc sống ở quê mới cũng không dễ dàng gì. Ông ở trong căn nhà cấp 4 cũ kỹ suốt mấy chục năm.

Năm 2000, khi vào thăm các cơ quan quân sự phía Nam, nghe tin ông Cắm đang sống tại vùng quê nghèo ở Lâm Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngỏ ý muốn gặp. “Chúng tôi lập tức mời cụ Cắm xuống TPHCM. Cuộc hội ngộ sau hơn nửa thế kỷ của vị tổng chỉ huy và người lính trẻ năm xưa thật xúc động” - một cán bộ Quân khu 7 nói.

“Anh Văn ôm tôi thật chặt và hỏi bằng tiếng Tày: Tiến Lực à, lâu rồi không gặp, cậu già hơn mình rồi đấy. Sau khi xuất ngũ cậu làm gì? Cuộc sống bây giờ thế nào? Sao không đưa vợ đi cùng? Rồi anh cho tôi chiếc áo khoác. Tôi cảm động không kìm được nước mắt bởi hơn nửa thế kỷ trôi qua mà anh vẫn nhớ tới mình, nhờ người tìm mình ở tận vùng quê nghèo xa xôi cách trở này. Anh Văn vẫn nói sõi tiếng của dân tộc Tày và nhớ cả bí danh của mình”, cụ Cắm nhớ lại.

Trong lần gặp mới đây, cụ Cắm còn khoe với chúng tôi chiếc áo khoác màu xám trắng còn mới nguyên mà cụ gìn giữ như báu vật. Cụ bảo, nhờ có tướng Giáp mà cơ quan chức năng tin tưởng làm hồ sơ cấp thẻ thương binh, dù cụ đã làm mất giấy chứng thương. Cụ Cắm được trao thẻ thương binh vào năm 2013 khi đã 91 tuổi và sau 67 năm bị thương. Cũng trong năm đó, phía quân đội phối hợp với huyện Đạ Tẻh và tỉnh Lâm Đồng xây nhà tình nghĩa rộng 120m2 cho cụ.

MỚI - NÓNG