Vũ khí hiện đại hóa Hải quân VN đều được mua của Nga

Vũ khí hiện đại hóa Hải quân VN đều được mua của Nga
TP - Sáng qua (5-3), đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam và Liên bang Nga đã tiến hành hội đàm tại Hà Nội, bàn về những vấn đề hợp tác quốc phòng ở tầm cao mới, trong bối cảnh hai nước đã nâng cấp quan hệ từ quan hệ đối tác chiến lược lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

> Chủ tịch nước tiếp Bộ trưởng Quốc phòng LB Nga
> Nga tăng cường hợp tác hải quân với Việt Nam

Hợp tác Hải quân

Sau cuộc hội đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam – Đại tướng Phùng Quang Thanh và Bộ trưởng Quốc phòng Liên bang Nga – Đại tướng Sergei Shoigu đã trao đổi với các cơ quan thông tấn trong và ngoài nước, liên quan nội dung hội đàm, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của Đại tướng Sergei Shoigu, từ ngày 4 đến 5-3.

Hai Bộ trưởng đều cho rằng, hai bên đã thảo luận các vấn đề cùng quan tâm và đi đến nhất trí quan trọng trong hợp tác song phương, đồng thời ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết đã đề nghị hai bên tăng cường trao đổi đoàn, giao lưu sĩ quan trẻ để thắt chặt hơn nữa sự hợp tác, tin cậy lẫn nhau. Đồng thời mong muốn phía Nga tiếp tục hỗ trợ đào tạo cho Việt Nam cán bộ, chuyên gia quân sự, đặc biệt trong lĩnh vực Hải quân.

Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cũng cho biết, Đảng, Nhà nước, Quân đội và nhân dân Việt Nam mãi ghi nhớ sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của các nước thuộc Liên bang Xô viết trước đây, trong đó có Liên bang Nga, trong hai cuộc kháng chiến và thời kỳ bảo vệ đất nước hiện nay.

Bộ trưởng Sergei Shoigu nhất trí với đề nghị của người đồng cấp phía Việt Nam và mong muốn tăng cường hợp tác quốc phòng với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, trong đó nhấn mạnh tới hợp tác về Hải quân và Phòng không - Không quân.

Phía Nga cũng chủ động đề xuất đầu tư 100% vốn cho một dự án xây dựng trung tâm nghỉ dưỡng cao cấp gần sân bay Cam Ranh, chuyên phục vụ cho các quân nhân, theo diện dự án đầu tư nước ngoài.

Sau khi dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng, Nga dành cho Việt Nam quyền quản lý, điều hành, phía Nga sẽ gửi một số người tham gia cùng quản lý.

“Nga luôn coi Việt Nam là người bạn truyền thống, là đối tác chiến lược quan trọng. Duy trì mối quan hệ, hợp tác chặt chẽ với Việt Nam là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga… Chúng tôi đã thống nhất tạo một xung lực mới trong một số lĩnh vực hợp tác. Năm nay, hai bên sẽ nỗ lực để mở ra một chương mới trong hợp tác Hải quân”, Đại tướng Sergei Shoigu nhấn mạnh.

Thiết lập Đối thoại thường niên cấp thứ trưởng

Tại hội đàm, hai bên cũng đã thỏa thuận trên nguyên tắc về việc thiết lập Đối thoại thường niên về quốc phòng cấp thứ trưởng, dự kiến thực hiện ngay trong năm 2013.

Theo Đại tướng Phùng Quang Thanh, việc thực hiện Đối thoại thường niên cấp thứ trưởng (mỗi năm một lần, luân phiên tổ chức tại Việt Nam và Nga) nhằm đối thoại về các chính sách quốc phòng của hai nước cũng như đánh giá, nhận định về tình hình an ninh, môi trường an ninh của thế giới, khu vực châu Á Thái Bình Dương và Đông Nam châu Á có liên quan trực tiếp lợi ích chiến lược của Việt Nam và Nga.

Về việc triển khai các hợp đồng mua bán vũ khí của Nga được bàn đến trong hội đàm, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, ngoài yếu tố bạn bè truyền thống và đối tác chiến lược tin cậy, vũ khí do Nga sản xuất có ưu điểm cả về giá thành lẫn hiệu quả tác chiến, nên Việt Nam chọn Nga là đối tác để đặt mua các loại vũ khí, trang bị cho hải, lục, không quân.

Hiện đại hóa Hải quân

Trong vấn đề hiện đại hóa Hải quân, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cung cấp thông tin hiện nay Hải quân nhân dân Việt Nam đã có 6 binh chủng trực thuộc là Không quân, Tàu ngầm, Tàu mặt nước, Radar, Tên lửa đất đối hải; Hải quân đánh bộ. Các vũ khí, trang bị hiện đại hóa cho lực lượng Hải quân đều được mua của Nga.

Nói về vấn đề vịnh Cam Ranh, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết đây là vùng nước sâu, kín gió, rộng lớn, rất gần đường hàng hải quốc tế, nên tàu bè ra vào tránh trú bão, nghỉ ngơi, làm dịch vụ hậu cần rất tốt. Đồng thời nhấn mạnh, quan điểm của Việt Nam là không liên minh, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự. Song với tiềm năng của Cam Ranh, nếu chỉ dành cho mục đích quân sự thì rất lãng phí.

Theo đó, Cam Ranh đã được quy hoạch thành ba khu vực là khu vực quân sự, khu vực để làm dịch vụ hậu cần kỹ thuật cho tàu bè dân sự, nước ngoài và khu vực hoàn toàn dân sự (Ba Ngòi).

Nga hoan nghênh nếu được Việt Nam cho phép các tàu của Hải quân Nga vào làm dịch vụ hậu cần, kỹ thuật ở vịnh Cam Ranh, sau các chuyến đi đường dài. Quan điểm của Việt Nam là cho phép tất cả tàu các nước ghé vào đây làm dịch vụ hậu cần.

Cứ để phóng viên tác nghiệp

Ngay sau khi tiễn người đồng cấp bên phía Liên bang Nga sang Phủ Chủ tịch chào Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Đại tướng Phùng Quang Thanh được cánh phóng viên “chăm sóc” khá kỹ, với hàng loạt câu hỏi dồn dập.

Với phong cách gần gũi thường thấy ở vị tướng đứng đầu toàn quân, Đại tướng kiên nhẫn trả lời lần lượt các câu hỏi của phóng viên nhiều hãng thông tấn trong và ngoài nước, mặc dù đang rất vội cho một số công việc tiếp theo. Ngay cả khi một trợ lý đứng bên cạnh khẽ nhắc cánh phóng viên về thời gian, Đại tướng quay ra và nhẹ nhàng nói: “Cứ để phóng viên tác nghiệp”.

Quan tâm đặc biệt đến chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin

Trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về việc hợp tác đưa sĩ quan trẻ Việt Nam sang Nga đào tạo, đặc biệt trong lĩnh vực tác chiến điện tử, Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết, hiện có 500 sĩ quan quân đội Việt Nam đang học trong các nhà trường của Nga, theo ba hình thức là hợp đồng kinh tế, hợp đồng ưu đãi và miễn phí hoàn toàn.

Mỗi năm, Nga dành cho Việt Nam hơn 100 suất miễn phí đào tạo dài hạn tất cả các lĩnh vực từ chỉ huy tham mưu cho đến quân, binh, chủnag... Trong thời gian tới, hai bên sẽ bàn đến chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin vì đây là vấn đề hết sức quan trọng. Việt Nam phải lựa chọn những người có năng lực về lĩnh vực này để gửi đi đào tạo ở Nga.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.