Vũ khí Mỹ tiếp tục thống lĩnh thị trường toàn cầu

Hệ thống tên lửa Patriot PAC-3, một trong những vũ khí của Mỹ được nhiều nước đặt hàng. Ảnh: militaryedge.org.
Hệ thống tên lửa Patriot PAC-3, một trong những vũ khí của Mỹ được nhiều nước đặt hàng. Ảnh: militaryedge.org.
Mỹ tiếp tục vượt Nga và Pháp về xuất khẩu vũ khí với doanh thu đạt 40 tỷ USD, bằng khoảng một nửa doanh thu bán vũ khí trên toàn cầu trong năm 2015.

Doanh thu bán vũ khí trên toàn cầu đã giảm từ 89 tỷ USD năm 2014 xuống còn 80 tỷ USD năm 2015, có thể là do giá dầu giảm khiến một số quốc gia bị hạn chế về ngân sách đầu tư cho mua sắm vũ khí…

Dẫn một nghiên cứu mới của Quốc hội Mỹ, tờ New York Times ngày 2-1 cho biết, với tổng trị giá 40 tỷ USD từ các hợp đồng ký kết trong năm 2015, Mỹ đã vượt xa nước đứng thứ hai là Pháp, quốc gia giành các thỏa thuận khí tài trị giá 15 tỷ USD, để chiếm vị trí đứng đầu thị trường cung cấp vũ khí thế giới. Theo nghiên cứu trên, các quốc gia đồng minh A-rập vẫn là những khách hàng tiềm năng nhất của Lầu Năm Góc.

Giới phân tích cho rằng, sở dĩ vũ khí Mỹ được các đồng minh A-rập lựa chọn nhiều nhất một phần là nhờ vào việc Mỹ đứng đầu liên quân quốc tế tiến hành các cuộc không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Xy-ri và I-rắc.

Bên cạnh đó, những mối quan hệ lâu dài với các nhà nhập khẩu vũ khí trên khắp thế giới đã giúp Mỹ ký được thêm nhiều đơn hàng từ những nước quen sử dụng vũ khí Mỹ trong suốt nhiều năm qua. Sự ủng hộ này tiếp tục được ghi nhận khi mới đây, đầu tháng 12-2016, Chính phủ Mỹ đã thông qua một loạt thương vụ bán máy bay quân sự và tên lửa với tổng trị giá hơn 7 tỷ USD cho 4 đồng minh A-rập.

Trong số các thỏa thuận trên, thương vụ lớn nhất là hợp đồng bán 48 trực thăng vận tải Chinook CH-47F cùng các động cơ dự phòng và súng máy cho A-rập Xê-út trị giá 3,51 tỷ USD. Ngoài hợp đồng trên, Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE) cũng dành 3,5 tỷ USD để mua 27 trực thăng chiến đấu Apache AH-64E cùng các thiết bị hỗ trợ do 2 hãng Boeing và Lockheed Martin của Mỹ sản xuất…

Cũng theo nghiên cứu của Quốc hội Mỹ, Nga, một trong những nước xuất khẩu vũ khí lớn trên thế giới, có sự sụt giảm nhẹ trong giá trị đơn đặt hàng, xuống mức 11,1 tỷ USD so với 11,2 tỷ USD năm 2014. Còn Trung Quốc, quốc gia châu Á duy nhất trong danh sách các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới của cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ, ký các hợp đồng xuất khẩu khí tài trị giá 6 tỷ USD, tăng gần gấp đôi so với con số hơn 3 tỷ USD năm 2014. Ngoài Mỹ, Pháp, Nga và Trung Quốc, trong danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ xuất khẩu vũ khí lớn trên toàn cầu còn có Thụy Điển, I-ta-li-a, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và I-xra-en.

Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng, dù các mối đe dọa khủng bố và căng thẳng trên toàn cầu chưa có dấu hiệu giảm bớt, nhưng tổng trị giá hợp đồng mua bán vũ khí trên toàn cầu lại giảm từ mức 89 tỷ USD năm 2014 xuống còn 80 tỷ USD năm 2015. Sự sụt giảm này “một phần là do nền kinh tế toàn cầu suy yếu đi”. Các quốc gia phát triển mua tổng cộng 65 tỷ USD vũ khí năm 2015, thấp hơn đáng kể so với mức 79 tỷ USD năm 2014.

Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ đã củng cố cho kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố trước đó. SIPRI nhấn mạnh rằng, mặc dù các nhà sản xuất vũ khí tại châu Âu và Nga đã tăng thị phần trong năm 2015, song vị thế thống trị thị trường vũ khí thế giới vẫn thuộc về các tập đoàn của Mỹ. Cụ thể, hãng chế tạo máy bay, vũ khí, tên lửa và các kỹ thuật quốc phòng tân tiến Lockheed Martin của Mỹ đứng đầu bảng với doanh thu 36,4 tỷ USD. Ở vị trí thứ hai và ba là Tập đoàn Boeing của Mỹ và Tập đoàn BAE của Anh với doanh thu lần lượt là 28 tỷ USD và 25,5 tỷ USD.

Theo SIPRI, các quốc gia phương Tây trong năm 2015 đã nắm giữ vị trí độc quyền trong tốp 12 nước có các nhà sản xuất vũ khí hàng đầu thế giới. Xuất khẩu vũ khí của Nga trong năm ngoái tăng 6,2% so với năm 2014, qua đó giúp các nhà sản xuất vũ khí của nước này nắm giữ 8,1% thị trường xuất khẩu vũ khí thế giới.

Ngoài ra, sự tăng bậc của 6 doanh nghiệp Pháp trong danh sách 100 quốc gia xuất khẩu vũ khí trên thế giới, trong đó có Tập đoàn Dassault, Tập đoàn công nghệ Thales và Tập đoàn quốc phòng-hàng không Safran, đã góp phần nâng doanh thu từ buôn bán vũ khí của nước này thêm 13,1%, vượt trên cả mức tăng doanh thu của các nhà sản xuất tại Đức (7,4%) và Anh (2,8%).

Theo Theo Quân đội Nhân dân
MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.