Vui buồn cùng lính

Phóng viên Nguyễn Minh và đại tá Hoàng Ngọc Dương, Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị Quân chủng Hải quân (nay đã nghỉ hưu) trong một chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa, tháng 7/2010
Phóng viên Nguyễn Minh và đại tá Hoàng Ngọc Dương, Trưởng phòng Dân vận, Cục Chính trị Quân chủng Hải quân (nay đã nghỉ hưu) trong một chuyến công tác tại quần đảo Trường Sa, tháng 7/2010
TP - Trong hành trình làm báo ở Tiền Phong, cuối năm 2008, tôi có chuyến đi tác nghiệp đầu tiên tại một đơn vị quân đội và gắn mình với những người “lấy binh làm nghiệp” từ đó đến nay. Mười năm nhìn lại, nhiều kỷ niệm ùa về…

“Các anh giúp nhà báo yên tâm tác nghiệp”

Tháng 11/2010, cuộc diễn tập chống khủng bố đường thủy nội địa tại khu vực bến tàu du lịch sông Hồng (Hà Nội) được triển khai với quy mô lớn. Gần 1.000 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội cùng hàng loạt phương tiện, khí tài đặc chủng được huy động để phục vụ diễn tập. Để có những hình ảnh về cuộc diễn tập từ trên cao, phóng viên Tiền Phong phải trải qua hàng loạt thủ tục xin “quota” từ Cục Tuyên huấn (Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam) và Cục Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân. 

Sáng hôm diễn tập chính thức, từ căn cứ ở Sơn Tây, hai chiếc trực thăng Mi-171 thuộc Trung đoàn Không quân 916 (đây là trung đoàn Không quân trực thăng đầu tiên của Quân đội ta, còn gọi là Đoàn Không quân Ba Vì) nối nhau cất cánh hướng về bến tàu du lịch Sông Hồng. Chiếc thứ nhất chở đội đặc nhiệm có nhiệm vụ đổ bộ xuống tàu đánh bắt nhóm khủng bố, giải cứu con tin, chiếc còn lại chở lực lượng thả phao cứu hộ… 

Trước khi tôi bước lên chiếc trực thăng thứ hai, đại tá Đàm Văn Toản, Chính ủy Trung đoàn (hiện anh đang công tác tại Sư đoàn Không quân 371) cẩn thận dặn tổ bay chỉ một câu ngắn gọn: “Các anh giúp nhà báo yên tâm tác nghiệp”. Quay sang tôi, anh nháy mắt và chìa tay bắt: “Chụp nhiều ảnh đẹp nhé “ông” nhà báo. Trưa nay nhớ ở lại liên hoan nhẹ với đơn vị đấy”. 

Vui buồn cùng lính ảnh 1 Chiến sĩ một đơn vị thuộc Quân khu 1 đọc báo Tiền Phong  trong giờ nghỉ. Ảnh: NGUYỄN MINH

Đã vài lần được đến trung đoàn viết bài, thế nên câu nói của đại tá Toản với tổ bay không khiến tôi ngạc nhiên, bởi sự cẩn trọng của những người lính bay luôn thường trực mỗi khi bản thân họ hay đồng đội đi làm nhiệm vụ. Suốt hành trình bay, mỗi khi tôi có ý định nhoài người ra chụp cuộc diễn tập từ cửa trực thăng trên độ cao hàng trăm mét, lập tức có hai cán bộ trung đoàn “yểm trợ”, một người túm thắt lưng, một người giữ chặt chiếc đai bảo hiểm luôn “thường trực” tụt xuống bởi vòng bụng của “đồng chí nhà báo” không to hơn vòng eo các cô người mẫu là bao. Vững dạ vì điều này, bất chấp rung lắc và tiếng ồn động cơ máy bay đến ù tai, tôi ghì máy, bấm lia lịa…   

Những người gác niềm riêng 

Không thể nhớ hết những đơn vị, những người lính mà tôi có may mắn được đến, được gặp trong đời làm báo. Thế nhưng, đọng lại trong tôi về họ - những con người thực sự “Vì nhân dân quên mình” ấy là sự khâm phục cao độ. 

Chuyến công tác tại Tây Nguyên hè 2011, tôi đã gặp những người lính biên phòng coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Tới giờ, tôi vẫn không quên lời tâm sự của thượng tá Việt, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng 707 ở xã Mô Rai, Sa Thầy, Kon Tum khi ấy: “Tuyến biên giới vốn tiềm ẩn nhiều phức tạp, đời sống bà con lại rất khó khăn, mình không giúp họ thì ai giúp?”. 

Đúng như lời người lính quân hàm xanh có nước da sạm đen vì sương gió biên thùy, nơi anh gắn bó từ những năm 80 của thế kỷ trước. Bên đỉnh Chư Mom Ray hùng vĩ và dòng Ia Lân thơ mộng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 707 đã ngày đêm canh giữ một vùng biên cương Tổ quốc và giúp người dân có những “mùa vàng”. Ngoài việc giúp đồng bào mình thay đổi nhận thức và thói quen canh tác lạc hậu, các anh còn áp dụng nhiều mô hình mới để phát triển kinh tế, cải thiện đời sống. Để dân tin bộ đội biên phòng, năm 2006, 5ha cây cao su được những người lính vốn quen cầm súng trồng thử nghiệm ngay tại vạt rừng phía sau đơn vị. Thấy bộ đội thành công, cả làng học theo, nhiều người đã đổi đời nhờ loại cây này. 

Cũng tại Đồn 707, trong cuộc rượu đêm với vài trái xoài xanh do anh em trồng ở khoảnh đất sau đồn, tôi được nghe những tâm sự nao lòng về hậu phương của hai sĩ quan trẻ quê ngoài Bắc đang trong thời gian tăng cường 3 năm vào Tây Nguyên từ cuối năm 2009 là đại úy Hạnh - Đồn phó quân sự và thượng úy Hiệp - Đồn phó nghiệp vụ. Ngoài những lá thư của vợ từ cách xa hàng nghìn cây số, cha mẹ ốm đau cũng không có điều kiện về thăm, hai anh lấy việc canh tác cao su cùng người dân làm niềm vui để vơi nỗi nhớ nhà…

Và câu chuyện của những cặp “vợ chồng ngâu” may mắn được gặp nhau giữa tháng 7/2010 nhờ chuyến tàu HQ-996 của Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân đưa thân nhân cán bộ, chiến sĩ đóng quân ngoài Trường Sa ra thăm chồng, con đã khiến tôi và các đồng nghiệp tham gia hành trình day dứt trước niềm khát khao “tuyển quân” của vợ lính đảo.

Trong số 35 người vợ ra đảo thăm chồng dạo ấy, chị Đinh Thị Mận ở quận Tân Phú, TPHCM khi đó 26 tuổi nhưng chưa một lần nghe tiếng khóc con thơ sau gần 3 năm kết hôn, bởi thiếu úy Trần Văn Duy nhận lệnh ra đảo Sinh Tồn công tác ngay sau lễ cưới có một tháng. Cũng như Mận, cô gái 24 tuổi Phạm Thị Thanh Xuân quê ở Kim Bảng, Hà Nam cũng chỉ được cùng thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Hợi đầu ấp tay gối trong tuần trăng mật rồi gạt nước mắt tiễn chồng ra đảo Song Tử Tây. Nỗi nhớ chồng cùng ước mong làm mẹ hiện hữu cháy bỏng trong lời tâm sự của Thanh Xuân trên hải trình ra Trường Sa năm ấy: “Nếu sinh con trai, vợ chồng em sẽ đặt tên cháu là Trường Sa. Nếu là con gái, anh ấy chọn tên là Sơn Ca”.     

 

Hàng trăm lần tới các đơn vị quân đội công tác, điều ấn tượng nhất đối với tôi - một nhà báo theo dõi mảng đề tài quân sự - quốc phòng và đảm nhiệm viết tin bài cho chuyên trang Người lính của Tiền Phong là hình ảnh những số báo được bộ đội “chăm chút” đến nhàu nhĩ trong hộp báo thao trường của các trung đội hay tại các Phòng Hồ Chí Minh từ cấp tiểu đoàn trở lên. Bởi lẽ người lính các anh đã luôn trân quý và coi Tiền Phong như món ăn tinh thần sau những giờ huấn luyện, trực gác để vơi bớt niềm riêng quê nhà.  

MỚI - NÓNG