Chuyện bên lề Vòng chung khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam

Vui hát quan họ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Vui hát quan họ. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Nhà hàng có “viu” mặt nước sông Hồng ở Làng Văn hóa - Du lịch Nắng Sông Hồng (Long Biên, Hà Nội) là nơi thí sinh học hát quan họ.

Chị hai xinh tang tình là chị hai đứng, đứng nơi nào qua lới như cũng xinh - liền chị Thúy Cải tuổi cao giọng vẫn rền, lảnh lót hát mẫu. Qua lới các em lên cao cho sáng sủa, Thúy Cải nói, liên tục khen các cháu hát tốt. Một tuần cô dạy 20 bài, cô cạn vốn mất.

Đạo diễn chương trình chung khảo, Hoàng Nhật Nam có ý lồng ghép dân ca quan họ Bắc Ninh và đờn ca tài tử vào hoạt động của thí sinh. Tưởng đơn giản hóa ra không phải ai cũng tự tin hát chắc nhịp như cô gái Mường Bùi Thị Thu Trang.

Em nghe cô Thúy Cải hát ấn tượng quá, bạn Trang hát cũng hay lắm. Nhạc trẻ thì theo mốt trong khi dân ca là văn hóa một nước. Em biết mình hát không hay nhưng có cơ hội em sẽ thử, trước hết giới thiệu với bố mẹ và bạn bè bên Đức - Khánh Vy từ Đức về, tâm sự.

Chuyện bên lề Vòng chung khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam ảnh 1

Làm vườn khá chuyên nghiệp. Ảnh: Hồng Vĩnh

Bóng hồng trồng cây

Bãi đất bồi thềm sông trong khuôn viên Nắng Sông Hồng là nơi được chọn để trồng cây, về sau sẽ gọi là Vườn hoa hậu. Hỏi mấy cô gái đều nghe bảo chưa trồng cây bao giờ. Váy ngắn guốc cao, gặp mảng đất cứng đúng là vật vã.

Nông Thị Ngọc Khánh người Nùng quệt mồ hôi: Không sao, em thỉnh thoảng vẫn đá cho đội bóng nữ trong trường. Tiến độ vun đất của các cô có phần bị ảnh hưởng bởi chiếc flyingcam (thiết bị bay gắn máy quay) cứ lượn vòng vèo trên đầu. Rốt cuộc mọi người cũng hoàn thành nhiệm vụ dù nhiều gốc chưa gọn ghẽ lắm. Đến lượt bọn em - mấy chàng nhân viên khu ẩm thực du lịch xắn tay nhận lại chiếc xẻng nói.

Chuyện bên lề Vòng chung khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam ảnh 2

Những nụ cười. Ảnh: Trung Dũng

Lớp 3B

Một nửa lớp 3B trường PTCS Hy Vọng nơi thí sinh và BTC ghé thăm tặng quà chiều 20/10 là học sinh khiếm thính, còn lại chậm phát triển trí tuệ. Đoàn vừa vào mấy em nhảy lên, vỗ tay rạng rỡ lắm. Có em còn thơm vào má một chị.

Cô Lan - phụ trách lớp bảo các em mong mãi hôm nay. Tiếc là vài em bị hỏng máy nghe nên phải giao tiếp bằng cử chỉ. Các con có thể đeo máy nghe và nói. Chúng tôi khuyến khích các con nói, nói không rõ mới dùng tay.

Nguyễn Thị Thu Hà người gốc Hà Giang kể thỉnh thoảng có đi từ thiện nhưng lần đầu tiếp xúc trẻ khuyết tật thấy thương quá. Lớp 3B Nhi đáng thương nhất, chậm phát triển trí tuệ, bố mẹ bỏ nhau. Mẹ Nhi lên Hà Nội làm công nhân, lương ít vẫn cố cho con học đều. Cô Lan đỡ đầu bé, hỗ trợ phần nào. Các chị quấn quýt các em, giục mãi mới chia tay.

MỚI - NÓNG