Chung khảo Hoa hậu Việt Nam 2014 khu vực phía nam:

Hẹn nhau nơi đất trời Bạc Liêu

TP - Ngày 3/11, tại TPHCM, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 họp báo giới thiệu vòng Chung khảo khu vực phía Nam với sự có mặt của 50 cơ quan báo chí.
Hẹn nhau nơi đất trời Bạc Liêu ảnh 1

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, phát biểu tại cuộc họp sáng 3/11. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Tham dự buổi họp báo có ông Nguyễn Phi Long - Bí thư Trung ương Đoàn cùng đại biểu đại diện các bộ, ngành, địa phương, các đơn vị đồng tổ chức, các nhà tài trợ. Buổi họp báo còn có sự tham dự của vị khách mời danh dự - Giáo sư Trần Văn Khê, Hoa hậu Nguyễn Thùy Dung và Hoa hậu Đặng Thu Thảo.

Hội tụ tại vùng đất đờn ca tài tử

Ông Lê Xuân Sơn - Tổng biên tập báo Tiền Phong, Trưởng ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 cho biết đây là cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần thứ 14 do báo Tiền Phong phối hợp cùng các địa phương, đơn vị tổ chức. Vòng chung khảo phía Bắc đã diễn ra và chọn 20 thí sinh tham dự thi vòng Chung kết. Vòng Sơ khảo khu vực phía Nam cũng vừa diễn ra hôm 2/11, chọn ra 40 thí sinh vào vòng Chung khảo khu vực phía Nam tổ chức tại Bạc Liêu từ ngày 4-9/11. Các thí sinh sẽ bước vào vòng Chung khảo toàn quốc diễn ra tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) từ 23/11 đến 6/12.

Theo Trưởng Ban tổ chức, sở dĩ chọn Bạc Liêu để tổ chức vòng chung khảo phía Nam, trước nhất là vì đây là nơi chung sống của 3 dân tộc Kinh, Hoa và Khmer tạo nên những nét văn hóa đa dạng, phong phú. Tiếp đến, Bạc Liêu là nơi rất giàu truyền thống, văn hóa, là cái nôi của đờn ca tài tử, một loại hình âm nhạc dân tộc được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Bạc Liêu đánh giá rất cao vai trò của yếu tố văn hóa trong phát triển và Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã lựa chọn con đường đưa địa phương phát triển, đi lên từ văn hóa. “Báo Tiền Phong ủng hộ mạnh mẽ phương châm phát triển đi lên từ văn hóa của địa phương và lựa chọn Bạc Liêu, cùng với chính quyền tỉnh Bạc Liêu tổ chức Vòng Chung khảo phía Nam cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014” - ông Lê Xuân Sơn nói.

Cuộc thi nhận được sự ủng hộ của các địa phương và các nhà tài trợ. Đêm chung khảo được tổ chức tại Nhà văn hóa đa năng tỉnh Bạc Liêu với 3.500 chỗ ngồi, được truyền hình trực tiếp trên VTV9 Đài truyền hình Việt Nam, HTV4, HTV7, đài truyền hình của hơn 10 tỉnh thành phố khu vực ĐBSCL. Trưởng ban tổ chức cuộc thi cũng cho biết, nhằm hỗ trợ các thí sinh thể hiện cái hay, cái đẹp trước công chúng, Ban tổ chức đã mời các đơn vị làm công tác hướng dẫn, luyện tập cho các thí sinh; hỗ trợ trang phục áo dài, trang phục dạ hội, áo tắm… “Đêm chung khảo có sự đầu tư sâu về nghệ thuật, tất cả các thí sinh đều được hỗ trợ để trình diễn, thể hiện phần thi của mình một cách tốt nhất”, ông Sơn chia sẻ.

Hẹn nhau nơi đất trời Bạc Liêu ảnh 2

Đoàn thí sinh có chuyến thăm quan tại Viện chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp Thanh Hằng Beauty Medi (quận 1). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Bán đấu giá vương miện hoa hậu làm từ thiện

Tại cuộc họp báo, các nhà báo quan tâm nhiều vấn đề xung quanh cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 nói chung và vòng chung khảo phía Nam nói riêng. Nổi bật là các vấn đề giải thưởng, vương miện và việc tham dự các cuộc thi quốc tế sau khi đăng quang Hoa hậu, Á hậu. Đại diện Ban tổ chức cho biết, giải thưởng dành cho ngôi vị hoa hậu là 300 triệu đồng; Á hậu 1: 150 triệu đồng và Á hậu 2: 100 triệu. Vương miện của cuộc thi Hoa hậu 2014 trị giá 2,5 tỷ đồng và đây là con số khiến không ít người ngỡ ngàng.

Ông Lê Xuân Sơn - Trưởng ban tổ chức cho biết: Đây là vương miện luân lưu nên không ai được sở hữu riêng. Hoa hậu sẽ được giữ một phiên bản vương miện do nhà tài trợ thực hiện. Có nhiều người đặt câu hỏi là trong tình hình kinh tế còn đang khó khăn, xã hội còn có nhiều người đang thiếu thốn, tại sao Ban tổ chức và nhà tài trợ lại đưa ra vương miện đắt giá như vậy? “Đây là do tâm nguyện của nhà tài trợ. Nhà tài trợ đánh giá rất cao ý nghĩa cuộc thi và bằng tài sản công ty cũng như cá nhân, nhà tài trợ đã dành những viên ngọc trai rất quý được sưu tập từ 10-15 năm nay để làm vương miện” - ông Lê Xuân Sơn nói. Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải đầu tư phát triển thương hiệu và đây là một cách đầu tư của nhà tài trợ. Điều quan trọng nhất đây là vương miện luân lưu, khi kết thúc nhiệm kỳ luân lưu, vương miện được bán đấu giá và tiền bán đấu giá dùng vào mục đích từ thiện, ủng hộ đồng bào khó khăn. Giá trị vương miện càng cao đồng nghĩa sự ủng hộ bà con nghèo càng lớn.

Trả lời các hỏi về việc Ban tổ chức Hoa hậu Việt Nam có bản quyền gửi thí sinh đi tham dự các cuộc thi sắc đẹp thế giới hay không, Trưởng Ban tổ chức Lê Xuân Sơn cho biết, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam được thành lập ra có nghĩa vụ, quyền lợi pháp lý trong thời gian tổ chức cuộc thi. Khi cuộc thi kết thúc, Ban tổ chức tự động giải tán. Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam chưa bao giờ đặt ra vấn đề mua bản quyền các cuộc thi sắc đẹp của thế giới. Hiện nay một số đơn vị trong nước có mua bản quyền và họ có quyền lựa chọn người, giới thiệu cho Bộ VH-TT&DL để Bộ quyết định cử người tham gia. Trong rất nhiều kỳ vừa qua, các hoa hậu, á hậu của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam phần lớn đều nhận được lời mời của các đơn vị kể trên tham gia các cuộc thi sắc đẹp từ khu vực châu lục đến thế giới. Trong thể lệ cuộc thi Hoa hậu Việt Nam không quy định nghĩa vụ Hoa hậu, Á hậu phải tham dự cuộc thi quốc tế hay thế giới, nghĩa là hoàn toàn phụ thuộc vào ý nguyện cá nhân cũng như điều kiện cụ thể tại thời điểm đó. Đến nay, phần lớn các Hoa hậu, Á hậu đều nhận lời tham gia, nhưng cũng có bạn không đáp ứng về điều kiện thời gian, hoặc một số điều kiện khác nên đã từ chối.

Hẹn nhau nơi đất trời Bạc Liêu ảnh 3

Hoa hậu Đặng Thu Thảo (trái) và Hoa hậu Nguyễn Thùy Dung rạng rỡ tại buổi họp báo. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Hé lộ ý tưởng thiết kế

“Chúng tôi xin hé mở một chút về thiết kế sân khấu, chương trình đêm Chung khảo khu vực phía Nam tại Bạc Liêu”- đạo diễn Hoàng Nhật Nam nói. Vị đạo diễn trẻ phác họa không khí của các vòng thi: “Với sự đầu tư lớn của Ban tổ chức, và nói như người Nam bộ là làm sao cho nó rần rần từ vòng sơ khảo đến chung khảo”.

Đạo diễn cho biết, sân khấu mang hình tượng chiếc nón lá, một biểu tượng rất gần gũi với phụ nữ Việt Nam. Nó chứa đựng sự tảo tần nắng mưa, sự hy sinh của các mẹ các chị trong cuộc sống. Sân khấu này cũng sẽ dễ dàng để phô diễn nét văn hóa truyền thống, nét trù phú hào hiệp của đất và người phương Nam.

“Chương trình sẽ mang màu sắc và sự trẻ trung mạnh mẽ của mảnh đất Bạc Liêu cũng như vùng đất phương Nam” - đạo diễn Hoàng Nhật Nam nói. Trong những ngày ở Bạc Liêu, các thí sinh sẽ được dịp tìm hiểu về đờn ca tài tử, được học hát bài Dạ cổ hoài lang. Và trong tiết mục mở màn chúng ta sẽ được thấy 40 nhan sắc xuất hiện trong trang phục áo bà ba gắn liền với phụ nữ Nam bộ. Cùng xuất hiện có các ca sỹ Thanh Ngân, Đan Trường và những em trong The Voice Kids. Trong những phần sau, để tạo không khí trẻ trung, mạnh khỏe sẽ là những tiết mục sôi động như rock, dance với những nghệ sỹ nổi tiếng Việt Nam như Trần Lập, Khánh Thy, giúp phần trình diễn của các thí sinh trong trang phục áo tắm hay trang phục dạ hội thêm màu sắc, trẻ trung hơn.

Hạnh phúc khi được đón các người đẹp về quê nhà

Đương kim Hoa hậu Đặng Thu Thảo, một người con của Bạc Liêu chia sẻ: Như bao người dân ở vùng đất Bạc Liêu, Thu Thảo rất mong cuộc thi Chung khảo khu vực phía Nam diễn ra tại đây. Thu Thảo hy vọng qua cuộc thi này, Ban tổ chức và mọi người sẽ tìm ra gương mặt thí sinh xuất sắc, tài sắc vẹn toàn để xứng đáng trờ thành Hoa hậu Việt Nam 2014, đại diện xứng đáng cho nhan sắc Việt Nam, vẻ đẹp của người con gái Việt Nam không chỉ trong nước mà vươn tầm thế giới. Thu Thảo cũng rất vui vì năm nay, Bạc Liêu trở thành vùng đất đăng cai vòng Chung khảo khu vực phía Nam.

Trọng Thịnh

MỚI - NÓNG