Hoa hậu Việt Nam - Chuyện cũ, chuyện mới

Hoa hậu Việt Nam - Chuyện cũ, chuyện mới
TP - Hoa hậu Việt Nam- Một cuộc thi đi qua hơn hai thập kỷ với không ít chuyện vui buồn. Nó đã trở thành ngày hội văn hoá không chỉ của lớp trẻ. Nó đã góp phần ghi dấu ViệtNam trong bản đồ SẮC ĐẸP thế giới.

Hoa hậu Việt Nam - Chuyện cũ, chuyện mới ảnh 1

Chuyện cũ

Trong lịch sử hơn 20 năm Hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền phong tổ chức, cho đến hôm nay, cuộc thi năm 2004 tại Khu Du lịch Giải trí Quốc tế Tuần Châu được nhiều người cho là thành công nhất ở nhiều phương diện với việc Nguyễn Thị Huyền đăng quang.

Có một phần thưởng đặc biệt Chúa đảo Tuần Châu - ông Đào Hồng Tuyển tặng cho 20 thí sinh không lọt vào vòng trong: Mời lên trực thăng bay lên để ngắm kỳ quan vịnh Hạ Long từ trên cao, có lẽ chưa nhiều người biết. Khi máy bay dừng lại trên bãi đỗ, ông Tuyển bắt tay từng thí sinh chúc các cô gái mãi xinh đẹp và hạnh phúc.

Ngày ấy, truyền hình chưa có Flycam như bây giờ, để có những thước phim quay toàn cảnh Đảo Ngọc-Tuần Châu trong đêm Chung kết Hoa hậu, Ban tổ chức phải làm việc, xin phép nhiều cơ quan để được phép cho trực thăng cất cánh. Cả một phi đội có mặt tại Tuần Châu sẵn sàng chờ lệnh.

Mỗi chuyến bay chi phí không phải ít. Vậy mà, ông Tuyển vẫn hào phóng chiêu đãi các thí sinh phải dừng bước ở vòng ngoài cả một chuyến bay. Ông Tuyển chia sẻ: Đây là một kỷ niệm đẹp của các thí sinh. Tôi muốn để các em vui hơn cho cuộc thi thành công hơn…

Vậy mà, tại Cuộc thi Người đẹp Hạ Long 2010, hướng tới Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm ấy, gặp tôi, ông Tuyển tỏ ý không vui. Ông góp ý nhẹ nhàng:

- Bạn ơi! Sáng nay tôi cùng bà xã mang hoa lên tặng thí sinh! Cầu thang máy vừa mở, mấy em cứ thế ùa vào làm gãy mấy nhành hoa. Đi thang máy, phải nhường cho người ở trong ra trước chứ. Tôi vừa qua phòng ăn tự chọn. Nhiều đĩa thức ăn còn thừa quá nhiều. Bạn ơi! Bạn có biết không, tôi phải nhắc nhà bếp chọn những trái nho, trái cam ngon nhất phục vụ vậy mà… Chúng ta phải sớm góp ý với thí sinh!

Một doanh nhân sẵn sàng chi nhiều triệu cho một chuyến bay nhưng xót xa khi một chùm nho bị bỏ phí. Nghe chuyện này ai mà chẳng thấy thoáng buồn.

Tôi chợt nhớ cuộc thi Người đẹp các tỉnh phía Bắc cách đây đã lâu. Ngày ấy, các thí sinh ở Khách sạn Bảo Sơn - một khách sạn sang trọng của Thủ đô thời bấy giờ. Buổi trưa, trước đêm chung kết, ông Bảo Sơn có thịnh tình mời Ban tổ chức, các thí sinh dự tiệc liên hoan. Có lẽ vì rất quý mến các thí sinh, bữa tiệc chiêu đãi sang trọng với nhiều món ăn lạ. Có lẽ vì ăn món lạ, buổi chiều 6 thí sinh có biểu hiện bất ổn về tiêu hóa. Nếu không điều trị kịp thời thì trình diễn sao đây.

Rất may, nhờ sự nhiệt tình chăm sóc của các thày thuốc nên trước giờ khai mạc, 6 thí sinh sức khỏe ổn định kịp xuất hiện trên sân khấu. Ban tổ chức thở phào, người nhà thí sinh cười nụ.

Thế mới biết, chuyện ăn ở, sinh hoạt của thí sinh có nhiều người lo nhưng trước hết các thí sinh phải tự biết tự lo cho mình.

Sau cuộc thi Người đẹp Hạ Long 2012, Báo Tiền Phong phối hợp với Tỉnh Đoàn Quảng Ninh tổ chức chuyến ra đảo Cô Tô tặng sách cho các em học sinh. Người đẹp Hạ Long thứ nhất Nguyễn Thị Diễm My tham gia đoàn. Trên chuyến tàu ra đảo có mấy bạn trẻ nhận ra My, xin chữ ký của cô. Với vẻ đẹp của My, tôi thầm hy vọng, My sẽ có mặt tại vòng Chung kết.

Ba tháng sau, tại vòng Chung khảo khu vực phía Bắc, gặp lại My, tôi thấy gương mặt cô khang khác. Và khi kiểm tra nhân trắc học, tôi được biết, cô mới nâng mũi. Làm đẹp là quyền của My nhưng cô đã vi phạm quy chế. Thật buồn, một gương mặt sáng giá của Hạ Long phải dừng bước sớm trước ngày hội sắc đẹp.

Một gương mặt sáng giá khác (xin giấu tên) cũng phải dừng bước sớm vì một lý do khá bất ngờ. Mẹ cô vì quá yêu con, lo cho con nên đã dùng một lọ mỹ phẩm dưỡng da do một người bạn thân xách tay “từ bển về” tặng, xoa lên khắp người con gái yêu. Ai ngờ nước da mịn màng của con gái bị dị ứng mẩn đỏ cả vùng lưng. Thế là vì muốn con đẹp thêm, đẹp cấp tốc nên cô con gái yêu xinh đẹp đã không còn cơ hội khoe sắc cùng bè bạn.

Hoa hậu Việt Nam - Chuyện cũ, chuyện mới ảnh 2 Vẻ đẹp duyên dáng, khoẻ khoắn của các thí sinh dự Vòng Chung khảo Khu vực miền Bắc Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014

Chuyện mới

Ngay sau khi cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 chính thức khởi động, các tỉnh, thành Đoàn: Bắc Ninh, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Ninh Thuận… đã mở những cuộc thi sắc đẹp ở quê hương mình để lựa chọn những thí sinh xuất sắc nhất dự thi Hoa hậu Việt Nam.

Các cuộc thi Người đẹp Kinh Bắc, Người đẹp Hạ Long, Người đẹp Tây Thiên, Người đẹp xứ Tuyên… đã thu hút hàng ngàn thí sinh đăng ký tham dự. Các cơ sở Đoàn ở các huyện, thị , các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn đều tuyển chọn những gương mặt tiêu biểu dự thi.

Chính vì thế ,việc tổ chức thi người đẹp ở các địa phương đã trở thành ngày hội văn hóa của tuổi trẻ, có sức thu hút, tập hợp thanh niên. Đây cũng là nét riêng độc đáo của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do tờ báo của Đoàn tổ chức suốt hơn hai chục năm qua.

Tôi vẫn nhớ, những ngày tháng năm khi biển Đông dậy sóng, Ban tổ chức cuộc thi Người đẹp Hạ Long đã đưa thí sinh đến thăm Bãi cọc Bạch Đằng, giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 147 Hải quân. Trong những buổi giao lưu ấy, những ca khúc về biển đảo cùng ngân vang khiến tôi càng hiểu thêm về tình yêu Tổ quốc của những người trẻ. Gương mặt tươi xinh, rạng ngời của Đỗ thị Huệ, Nguyễn Thị Phương Anh bên những chiến sĩ hải quân hôm ấy sẽ khoe sắc cùng các thiếu nữ mọi miền trong vòng Chung khảo Người đẹp Khu vực phía Bắc hôm nay.

Mặc dù cùng thời điểm có nhiều cuộc thí sắc đẹp khác diễn ra, nhưng cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014 vẫn có sức hấp dẫn đặc biệt. Danh sách thí sinh đăng ký dự thi cứ dài thêm từng ngày. Đa số họ là sinh viên các trường đại học có uy tín, có thí sinh là người mẫu, diễn viên…

Và điều đặc biệt hơn, không ít lần khi thí sinh đến ghi danh, nộp hồ sơ, nhà báo Thúy Hiền - Trưởng ban Thí sinh phải trầm trồ: Xinh quá! Đẹp đến thế là cùng! Hình như đã đến thời điểm, các cô gái trước khi đăng ký dự thi đã “soi gương ngắm mình” nhiều lần trước khi quyết định tham gia một cuộc thi sắc đẹp quốc gia có uy tín nhất.

Hoa hậu Việt Nam - Chuyện cũ, chuyện mới ảnh 3

Ảnh: Trung Hiền

Nguyễn Lâm Diễm Trang, 23 tuổi, quê Vĩnh Long. Cô vừa tốt nghiệp Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TPHCM). Trang từng giành Giải nhất Miss teen 2010, Giải nhất Nữ hoàng cà phê 2013. Trang là một trong 28 thành viên của chuyến tàu Thanh niên Đông Nam Á 2012. Điều đặc biệt hơn, Trang vừa tham gia Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới 2013 tại Ecuador, là Đại sứ Chiến dịch Tình nguyện Giáng sinh 5 xu, Áo ấm mùa đông.

Khi tôi chia sẻ thông tin này với nhà báo Lê Xuân Sơn - Tổng Biên tập báo Tiền Phong - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2014, cũng là thành viên đoàn đại biểu Thanh niên Việt Nam tham gia Liên hoan Thanh niên Sinh viên Thế giới 2013 tại Ecuador, anh cho biết thêm: Diễm Trang được vinh dự cầm quốc kỳ Việt Nam dẫn đầu đoàn đại biểu. Bạn bè quốc tế thấy Trang xuất duyên dáng trong trang phục áo dài, ai cũng trầm trồ. Đã có lần, tôi khuyên Trang nên dự thi hoa hậu.

Gần trọn một năm qua, Hoàng Lê Khánh Vy đã từ Cộng hòa Liên bang Đức trở về Việt Nam hoạt động thiện nguyện. Mỗi tuần hai buổi, cô gái 19 tuổi tươi trẻ, hồn nhiên đạp xe đến Trường Nguyễn Đình Chiểu dạy tiếng Anh cho trẻ em khiếm thị.

Đến đăng ký dự thi Hoa hậu. Khánh Vy chia sẻ: Cô sẽ làm công việc này một năm trước khi trở lại nước Đức học đại học. Thời gian đầu, Vy đi taxi đến trường dạy học vì sợ va chạm khi tham gia giao thông. Nhưng lâu thành quen và phải tiết kiệm nữa nên Vy đã đi xe máy vào trường. Biết tin chương trình thi Hoa hậu sẽ phát song truyền hình, Vy sẽ thông báo để các bạn ở Đức đón xem.

Nguyễn Trần Phương Nga, 19 tuổi, sinh ra, lớn lên tại TP Hồ Chí Minh, sinh viên Trường Ef School tại Singapore. Nga là người mẫu ảnh, diễn viên. Phương Nga chia sẻ: Cô tham gia bộ phim “Bến không chồng” của đạo diễn Lưu Trọng Ninh do VTV sản xuất.

Thích đọc sách, đi đến mọi miền để tìm hiểu cuộc sống của con người những phong tục tập quán ở các địa phương. Phương Nga ước mơ trở thành diễn viên chuyên nghiệp, hóa thân vào những nhân vật có tính cách đa dạng.

Cô sẽ phấn đấu trở thành nhà văn để đưa những số phận con người ở những nơi mình đi qua vào những tác phẩm do chính mình sáng tác, bằng ngòi bút, cảm nhận của bản thân để viết nên những câu chuyện mà mình trải nghiệm.

Bùi Thị Thu Trang, dân tộc Mường, sinh ra ở Lạc Sơn, Hòa Bình, sinh viên năm thứ nhất Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam. Cô tích cực gia tham gia các hoạt động xã hội. Trang ước mơ trở thành một cán bộ Đoàn giỏi, giúp cho phong trào thanh niên ở địa phương ngày một phát triển hơn, lớn mạnh hơn, góp một phần nhỏ công sức của mình cho công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.

Ai chẳng có ước mơ nhất là những người trẻ. Mong cho những ước mơ đẹp ấy sớm trở thành hiện thực.

Hoa hậu Việt Nam 2014 đã đến ngày khai hội. Nhắc chuyện cũ, nói chuyện mới cũng với mong muốn cuộc thi sẽ thực sự là Ngày hội sắc đẹp.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).