Chung khảo phía Bắc Hoa hậu Việt Nam: Ngồi tàu 5 sao bàn chuyện du lịch

Lướt sóng Hạ Long bằng ca nô. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Lướt sóng Hạ Long bằng ca nô. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Trời Hạ Long sáng 14/7 đầy mây. Nhưng ngay sau khi các thí sinh Hoa hậu Việt Nam lên tàu ra vịnh, trời bắt đầu hửng dần lên. Cứ thế cho đến kể cả giữa trưa, vẫn cực dịu mát, đem lại thứ ánh sáng mà dân nhiếp ảnh gọi là “ánh sáng tản” lý tưởng cho chụp người đẹp. Thí sinh không lo bị nhăn mặt vì chói nắng, các nhà quay phim chụp ảnh cũng đỡ đổ mồ hôi.

Hạ Long - choáng vì quá đẹp

Từ 2016, toàn bộ tàu tham quan vịnh Hạ Long đã được chuyển về cảng Tuần Châu - cảng tàu nhân tạo lớn nhất nước với tổng mức đầu tư xây dựng lên tới 10 nghìn tỷ đồng. Chủ trương này hẳn sẽ góp phần khiến du khách chú ý tới Tuần Châu và hòn đảo có nhiều cơ hội phát triển hơn. Với những ai từng nhiều lần thăm vịnh, xuất phát từ Tuần Châu sẽ cho họ tiếp cận Hạ Long từ một phía khác, tạo cảm giác tươi mới, nhất là lại đi trên du thuyền 5 sao.

Con tàu Paradise Luxury sơn trắng, buồm màu vàng tơ tằm dài 42m lướt sóng êm ru, không một tiếng động. Đội ngũ nhân viên tất nhiên tươi trẻ, hòa nhã. Đồng phục của họ thanh lịch đến nỗi tôi phải hỏi thăm, thì được biết chiếc áo đũi trắng có giá bán 1,7 triệu. Khách có thể mua trên tàu, đang có chính sách giảm 50%. Con tàu đón người đẹp có 17 phòng lưu trú. Tuần Châu ngoài năm tàu gỗ 5 sao còn có một tàu VIP cũng to như thế nhưng chỉ có 8 phòng, giá 21 triệu đồng/đêm - đắt gần gấp ba lần tàu 5 sao.

Quả cũng có hơi hướng “thiên đường”- đúng như tên của tàu- Paradise, khi tàu được lấp đầy bởi 32 người đẹp diện những trang phục đẹp nhất từ khi bắt đầu tham dự vòng chung khảo. “Sau những ngày tập luyện rất căng cảm thấy hơi bí, ra đây em thấy thư thái, sảng khoái”, một người đẹp Hà Nội lần đầu thăm vịnh nói trong khi nhâm nhi tách cà phê ở tầng 3. Một số người đẹp khác lại chọn cocktail trên boong tàu giữa không gian tuyệt mỹ của vịnh. Trần Thị Thu Hiền (Lâm Đồng): “Nhìn Hạ Long trên ảnh nhiều rồi nhưng chứng kiến tận mắt, phải nói hùng vĩ, quá sức tưởng tượng”. Một số cô xuống ca-nô lướt vòng quanh hòn Đỉnh Hương. Họ tranh thủ phơi nắng, không quên mang theo những chiếc khăn nhẹ đủ màu tung bay trong gió. Cánh nhiếp ảnh, quay phim cứ gọi là quay cuồng tác nghiệp vì các khung hình đẹp ở khắp nơi.

Những đại sứ du lịch

Phùng Bảo Ngọc Vân quê ngoại ở Hạ Long nên có nhiều dịp về đây. “Em thấy Hạ Long ngày càng phát triển và đẹp hơn”. Vân mong Hạ Long có sân bay để việc di chuyển của du khách quốc tế thêm thuận lợi. Sững sờ trước vẻ đẹp Hạ Long nhưng khi được hỏi nếu chọn một vùng biển để giới thiệu, Thu Hiền và Lan Hương (Hà Nội) đều đồng thanh: Đà Nẵng. Hương: “Đà Nẵng xanh sạch đẹp, dịch vụ rất tốt. Con người thân thiện”. Hiền: “Mỗi vùng biển có vẻ đẹp riêng, khó so sánh nhưng phải nói con người Đà Nẵng rất dễ thương”. Cô cũng có nhận xét tương tự với đội ngũ nhân viên khu du lịch Tuần Châu. Chưa có điều kiện thăm thú Hạ Long nhưng Hiền đoán người dân Hạ Long cũng thanh lịch như ở Tuần Châu vậy. Góp ý của Lan Hương cho du lịch Hạ Long: “Ban quản lý nên chú ý việc vệ sinh môi trường nhiều hơn. Đứng trên boong tàu em thấy rác nổi lên trên mặt nước khá mất mỹ quan”.

Đỗ Mỹ Linh cảm thấy may mắn vì lớn lên giữa phố cổ Hà Nội. Hồi bé ngày nào cũng ra hồ từ sáng sớm để tập thể dục, chơi cầu lông cùng bố. Vì thế đây là điểm du lịch ấn tượng mà cô muốn giới thiệu với du khách khi đến đây. “Tuy nước hồ bây giờ không sạch như ngày xưa”, Linh nói. “Nhìn từ xa vẫn rất đẹp, nhưng nhìn gần thì ven bờ rất nhiều rác. Mặc dù công ty môi trường làm việc nhiều nhưng cũng chỉ được một phần, vì một số người dân và du khách vẫn chưa có ý thức”. Một ấn tượng du lịch khác mà Linh muốn chia sẻ là lần thăm nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo) vào nửa đêm: “Trên đường ra, em cũng có hơi sợ nhưng đến nơi thì đã có đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng. Khi thắp hương cho cô Sáu, nhìn ảnh cô, em cảm thấy tự hào, cảm phục”.

MỚI - NÓNG