Hoa hậu Việt Nam 2002: Định vị thương hiệu

TP - Năm 2002, người đẹp đất Cảng Phạm Thị Mai Phương mang số báo danh 135 đã chiến thắng hàng ngàn thí sinh trên khắp cả nước để giành ngôi vị cao nhất. Cô là hoa hậu đầu tiên được đeo dải băng: “Hoa hậu Việt Nam”, cũng là hoa hậu Việt Nam đầu tiên của thế kỷ 21.

Đêm chung kết, 22/9/2002, bùng nổ với hơn 5.000 khán giả ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng (TP Hồ Chí Minh) đủ định vị “thương hiệu”: Hoa hậu Việt Nam. Cố đạo diễn Huỳnh Phúc Điền từng chia sẻ: “Chưa bao giờ tôi dàn dựng một chương trình mà phải đầu tư trí óc đến từng chi tiết nhỏ nhất. Và đây cũng là chương trình tôi vận dụng toàn bộ kinh nghiệm, khả năng và trí tưởng tượng nhiều nhất”.

Người ta nhớ đến Huỳnh Phúc Điền chủ yếu trong vai trò đạo diễn sân khấu ca nhạc. Nhưng ít ai biết rằng, chương trình tâm đắc nhất, kỳ công nhất trong 39 năm cuộc đời ngắn ngủi của con người tài hoa này lại là “đêm sắc hương nghê thường” 2002: “Tôi đã có ý tưởng về đóa hoa sen từ rất lâu, bên cạnh đó là hình ảnh một người con gái đẹp bước ra từ đài hoa. Hình ảnh đó gợi lên không khí thật cổ tích và thần thoại”. Từ đêm “cổ tích và thần thoại” ấy, Hoa hậu toàn quốc báo
Tiền Phong chính thức mang tên gọi mới: Hoa hậu Việt Nam.

Hoa hậu Việt Nam 2002: Định vị thương hiệu ảnh 1 Phạm Thị Mai Phương đăng quang Hoa hậu Việt Nam 2002.
Theo nhà thơ Dương Kỳ Anh: “Chưa bao giờ có cuộc thi nào là Hoa hậu báo Tiền Phong”. Đó chẳng qua là cách gọi tắt của một số khán giả. Anh giải thích: “Cuộc thi Hoa hậu đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất năm 1988 mang tên Hoa hậu Hội báo Tiền Phong, đến năm 1990 cuộc thi chuyển tên mới Hoa hậu toàn quốc do báo Tiền Phong tổ chức. Từ năm 1992 đến năm 2000 đều gọi như vậy”. Tức là, đơn vị khởi xướng và tổ chức cuộc thi đã xác định rõ ràng tầm vóc cuộc thi từ rất sớm, thông qua tên gọi.

Nhưng hành trình để được công nhận là cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia đầu tiên cùng tấm “danh thiếp” mới: “Hoa hậu Việt Nam” là một chặng đường chinh phục dài lâu, với hơn 10 năm trải qua 7 lần tổ chức thi hoa hậu thành công, tạo uy tín mạnh mẽ trong và ngoài nước. Từ buổi ban đầu đầy bỡ ngỡ của “Hoa hậu Hội báo Tiền Phong” (1988) cuộc thi đã lớn mạnh nhanh chóng, là một sân chơi thu hút người trẻ.

Xin điểm qua một vài con số ấn tượng: Hoa hậu toàn quốc báo Tiền Phong lần thứ 5, năm 1996, có gần 3.000 thí sinh tham gia; Hoa hậu toàn quốc báo Tiền Phong lần thứ 6, năm 1998, thu hút hơn 3.000 hồ sơ đăng ký dự thi trên cả nước… Đến năm 2002, cuộc thi nhan sắc lần thứ 8 do báo Tiền Phong tổ chức mang tên gọi mới “Hoa hậu Việt Nam” cũng đã thu hút hơn 2.000 hồ sơ đăng ký trên phạm vi cả nước, nhận được sự hưởng ứng của dư luận trong và ngoài nước với con số xấp xỉ 2.000 câu hỏi cho phần thi ứng xử của khán giả từ khắp nơi gửi về…

Một cuộc thi được hưởng ứng lớn trong một thời kỳ chưa phát triển về truyền thông, chỉ có thể đạt được nhờ uy tín, chất lượng. Năm 2002, Hoa hậu toàn quốc báo Tiền Phong được công nhận là cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia, mang tên gọi mới “Hoa hậu Việt Nam” đã không tạo ra bất kể một tranh cãi nào trong dư luận xã hội bấy giờ.

Mỹ nhân đầu tiên của Việt Nam “mang chuông đi đánh xứ người” ở cuộc thi sắc đẹp toàn cầu lâu đời nhất thế giới Miss World chính là Hoa hậu Việt Nam 2002 Phạm Thị Mai Phương. Nằm trong top 20 chung cuộc, Hoa hậu Mai Phương đã tạo bước khởi đầu tốt đẹp để những mỹ nhân Việt sau này tự tin bước vào đấu trường sắc đẹp quốc tế.

MỚI - NÓNG