Hoa hậu Việt Nam năm 2020: Hành trình lan tỏa sự ấm áp

Tặng sách cho học sinh thôn Bù Cà Mau, tỉnh Bình Phước
Tặng sách cho học sinh thôn Bù Cà Mau, tỉnh Bình Phước
TP - Từ năm 2016, hành trình nhân ái trở thành một “đặc sản” của cuộc thi HHVN. Trưởng BTC Lê Xuân Sơn đánh giá, đây là phần thi mà thí sinh bộc lộ nhiều phẩm chất nhất và trưởng thành nhiều nhất. 

Nhiều dự án liên quan ngành y

Năm nay, HHVN 2020 có 7 dự án nhân ái, trong đó hơn nửa liên quan ngành y. Theo BTC, đây là một động thái bày tỏ sự ủng hộ và tri ân các bác sĩ trong hành trình chống COVID-19.

Dự án đầu tiên được ghi hình và phát sóng trên Đài Truyền hình Vĩnh Long (THVL) mang tên “Liều thuốc yêu thương”. Tại Vĩnh Long, thí sinh ghé thăm thầy thuốc ưu tú Nguyễn Ngọc Điều, người thường được cư dân ở đây thân thiết gọi là Ngoại Út. Trong suốt 16 năm sau khi về hưu, Ngoại Út đã sử dụng lương hưu của mình lập cơ sở Ngọc Điểu, chuyên phục hồi chức năng cho trẻ bại não và chữa trị miễn phí cho các em.

 Hoàng Bảo Trâm (SBD 088) kể: “Dự án đã khép lại nhưng em không bao giờ quên hình ảnh các phụ huynh bế con trên tay, đứng sẵn bên ngoài chờ đến giờ mở cửa. Cơ sở nằm ngay trong nhà ngoại, khá chật hẹp và đơn giản. Thế nhưng, bao nhiêu năm nay, tại đây đã đem lại hy vọng và nụ cười cho rất nhiều trẻ em bại não”.

Phạm Thị Phương Quỳnh (SBD 146) nói: “Tiếng khóc của các em, đối với ngoại, giống như là tiếng cười vậy. Bởi vì khi các em khóc được, chứng tỏ phần cơ mà ngoại tác động có phản ứng. Các em khóc càng lớn, ngoại càng mừng”.

Cũng tại đây, Huỳnh Nguyễn Mai Phương (SBD 093) có một kết nối đặc biệt với bé Ngò bị bại não nặng, không thể di chuyển, thậm chí trước đây không biết ăn. Mẹ con Ngò sống bằng nghề bán vé số. Cả đoàn đến thăm Ngò. Lúc chia tay, bé khóc lớn và níu không cho Mai Phương rời đi. Chính cái níu tay ấy đã khiến Phương ấp ủ một dự án cá nhân để giúp Ngò và những em bé có hoàn cảnh tương tự.

Với nhóm “Thắp lên hi vọng”, thí sinh có cơ hội được biết về hành trình 20 năm thực hiện những ca mổ miễn phí cho các bệnh nhân dị tật trên khắp cả nước của GS. TS Trần Thiết Sơn. Nguyễn Hà My (SBD 335) bày tỏ, đối với nhiều người, bác sĩ Sơn giống như sinh ra họ một lần nữa, ông đem đến hy vọng cho rất nhiều trường hợp tưởng như đã tuyệt vọng. “Không một bằng khen nào có thể kể hết những cống hiến của bác sĩ. Nhìn những hành động của bác sĩ Sơn, tất cả chúng em đều muốn làm được một việc gì đó để lan tỏa sự tốt đẹp, ấm áp”, My nói.

Với dự án này, thí sinh còn xúc động mạnh với hành trình 4 năm và 17 cuộc phẫu thuật tìm lại gương mặt của chị Nguyễn Thùy Dung - người phụ nữ bị chồng tẩm xăng đốt, bỏng tới 30% diện tích cơ thể. Tìm về tận nhà của chị Dung ở Tràng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội thí sinh được tận mắt chứng kiến cuộc sống của chị cùng mẹ già và hai cô con gái trong ngôi nhà nhỏ. Khó khăn cả về kinh tế lẫn sức khỏe, sống trong sự kỳ thị của nhiều người, nhưng chị Dung vẫn cố gắng để nuôi 2 con ăn học. “Nếu sự kiên trì, lòng dũng cảm của chị Dung khiến em phục một thì suy nghĩ tích cực của chị trong nghịch cảnh khiến em phục mười. Chị bị tai nạn khi mới 22 tuổi, cũng ngang tuổi của chúng em bây giờ. Phải cần bao nhiêu dũng khí và kiên trì mới có thể đứng dậy và đi tiếp trong tiếng xì xào bình phẩm “mặt quỷ” của nhiều người”, Phạm Thị Ngọc Ánh (SBD 322) nói.

Liên quan ngành y, các nhóm “Cơm hạnh phúc” và “Người gieo hạt nắng” tập trung sự quan tâm vào bệnh nhân nghèo, bệnh nhân khuyết tật, trẻ mắc hội chứng Down. Ở “Cơm hạnh phúc”, 7 thí sinh đã vượt quãng đường gần 100km để tự tay chuẩn bị một bữa cơm cho trẻ em, người già đang sống trong ở Mái ấm Mây Ngàn ở tỉnh Tây Ninh. Mái ấm này do cô Nguyễn Thị Thu sáng lập. Suốt 10 năm nay, “Cơm hạnh phúc” của cô Thu đã giúp đỡ hàng ngàn bệnh nhân nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn.

“Người gieo hạt nắng” lại là câu chuyện cảm động về võ sư Nguyễn Thị Thanh Loan - người sáng lập CLB “Aikido - Thế giới là yêu thương” dành riêng cho trẻ em khuyết tật, đặc biệt là trẻ mắc hội chứng Down, thiểu năng trí tuệ. 

Những câu chuyện giúp ta lớn lên

Mục đích chính của những dự án nhân ái chính là chia sẻ, kết nối và lan tỏa yêu thương. Phù Bảo Nghi (SBD 069) nói: “Qua mỗi dự án, chúng em mới chỉ cho đi rất ít nhưng đã nhận lại rất nhiều. Về lòng tốt, sự hào hiệp, về niềm tin vào cuộc sống và nghị lực không từ bỏ...”. Thí sinh có điểm số IELTS 8.0 và đỗ 3 trường ĐH của Mỹ từng có kinh nghiệm làm từ thiện cùng bố mẹ, song cô muốn, sau cuộc thi này sẽ khởi động những dự án dài hơi hơn và “do chính mình làm ra”.

Ở dự án “Đường tới tương lai”, 7 thí sinh đã “bị sốc mạnh” khi đến thăm ngôi nhà “toàn sách là sách” của  anh Nguyễn Tú Anh - người đã mang dự án “1001 thư viện nơi bản xa” đến khắp cả nước. Đậu Hải Minh Anh (SBD 138) ngay sau khi biết đến mô hình này đã muốn tham gia cùng và vận động bạn bè, người quen tặng sách.

“Cho vì mình chỉ là có gì cho nấy thôi, còn cho vì người thì khó hơn, mình phải dành nhiều quan tâm, quan sát và cả nghiên cứu nữa mới cho đúng được. Nhưng cũng vì thế mà cho vì người hiệu quả hơn, mình cũng vì thế mà vui hơn”, Nguyễn Thị Bích Thùy (SBD 182)

Lê Ngọc Trang (SBD 169) cho biết, khi đến tận thôn Bù Cà Mau, tỉnh Bình Phước trao quà, cô mới biết các em ở đây “đói” sách như thế nào. Trang thích cách ví von mỗi cuốn sách sẽ mở ra một thế giới, càng có nhiều sách được trao đi, càng có thêm nhiều tri thức, tình yêu, sự cảm thông, những bài học ngôn ngữ... lan tỏa. Trang cũng là một trong các thí sinh tích cực ủng hộ dự án này. Nguyễn Lê Ngọc Thảo (SBD 068) nói: “Nhìn nụ cười hạnh phúc của các em, cuối cùng, em cũng hiểu được vì sao anh Nguyễn Tú Anh đã dành tất cả thời gian của mình xây dựng hơn 600 thư viện trên khắp cả nước”.

Ở nhóm “Niềm tin”, thí sinh được gặp thầy giáo khiếm thị Nguyễn Quốc Phong tại Mái ấm Thiên Ân. Thầy Phong đã dùng tâm huyết cả đời mình để tạo ra Thiên Ân nhằm tạo điều kiện, cung cấp kiến thức cho các em khiếm thị ở vùng sâu vùng xa để các em “vượt qua bóng tối nhờ giáo dục”.

Võ Ngọc Hồng Đào (SBD 018) vẫn nhớ cảm giác chật vật khi cùng các bạn học chữ nổi để viết thư bày tỏ sự cảm kích gửi thầy Phong. Cô gái được đánh giá là “đi đứng, nói năng đều như một hơi thở nhẹ”, nhưng xốc vác không ngờ khi tự tay khuân vác, lắp ráp đồ đạc giúp các em khiếm thị.

Hoa hậu Việt Nam năm 2020: Hành trình lan tỏa sự ấm áp ảnh 2 Chơi trò chơi với trẻ em ở “Aikido – Thế giới là yêu thương”
Tận mắt gặp gỡ, tận tay giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình, thí sinh mới cảm nhận trực tiếp được niềm vui của việc cho đi và sự khác nhau giữa “cho vì mình và cho vì người”.

“Phiên chợ tử tế” là dự án cuối cùng trong chuỗi hành trình nhân ái. Ở đây, thí sinh có cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với cô Lan “bánh đúc” - người luôn thực hiện các chuyến từ thiện với những sản phẩm 0 đồng và chủ nhân cây ATM Gạo - anh Hoàng Tuấn Anh. Họ cùng nhau trao tặng nhu yếu phẩm cho anh chị em công nhân tại khu công nghiệp Bắc Ninh, đem đến những tiết mục văn nghệ, giao lưu đầy ắp tiếng cười để xua bớt những khó khăn, vất vả trong đời sống do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID - 19.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.