Khi người đẹp góp sức xây cầu, khoan giếng, làm đường…

Thí sinh tham quan khu lưu niệm về Bác, bên bến Nhà Rồng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Thí sinh tham quan khu lưu niệm về Bác, bên bến Nhà Rồng. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - 40 dự án nhân ái là một nội dung quan trọng của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, hy vọng ghi được dấu ấn đẹp tại 13 tỉnh thành, nơi mà các dự án được thực hiện với đại diện là 40 thí sinh vào chung kết.

Dự án nhân ái, thế nào?

Mục đích của dự án nhằm góp phần hỗ trợ các địa phương căn cứ vào nhu cầu của họ, chủ yếu xoay quanh đời sống văn hóa tinh thần, môi trường, không gian sống. Phát động, tuyên truyền phong trào chung tay hướng về cộng đồng của đoàn viên thanh niên địa phương, với sự đồng hành của người đẹp nhân ái - đại diện cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016.

Ngay sau khi kết thúc vòng chung khảo phía Nam, 20 thí sinh thắng cuộc sẽ bốc thăm để chọn dự án, đồng thời bắt tay vào thực hiện. Mỗi tỉnh có thể vài dự án phù hợp.

Tháng Bảy, đến lượt 20 thí sinh thắng cuộc ở vòng phía Bắc cũng hành động tương tự để rồi ở vòng chung kết, Ban giám khảo, Ban tổ chức sẽ tuyên bố người đoạt danh hiệu “Người đẹp Nhân ái”. Quan  trọng hơn danh hiệu, đó là thành quả mà họ đạt được trong việc chung tay với cộng đồng và các địa phương trong công việc mới mẻ này.

13 tỉnh thành, mỗi nơi sẽ có vài dự án được thực hiện với các cụm dự án ở: Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Giờ, khu vực Tây Nam bộ, huyện đảo Lý Sơn. Thí sinh miền Bắc thực hiện dự án ở bốn cụm: Hà Nội, Tây Bắc, Côn Đảo, Tây Nguyên.

Chương trình thi chung khảo khu vực năm nay sẽ kéo dài 1 tuần, chủ yếu thí sinh được luyện tập và có điều kiện thi thố về ngoại hình hơn, còn nếu muốn bộc lộ toàn diện thì phải chờ vào sâu, vòng chung kết. Dự án nhân ái khiến các thí sinh năm nay có cơ hội để lại dấu ấn ngay cả khi Hoa hậu Việt Nam 2016 đã kết thúc.

Kinh phí của dự án đương nhiên do Ban tổ chức, mà chủ yếu là Công ty Sen Vàng huy động. Còn tỉnh đoàn, địa phương đề xuất nội dung, sau đó các bên thống nhất phê duyệt. Ngoài ra, thí sinh - những người đẹp nhân ái, có thể tự huy động thêm kinh phí trong khả năng của họ - Phó Tổng biên tập báo Tiền Phong Trần Thanh Lâm cho biết.

Trong các dự án này, tùy thuộc tình hình và nhu cầu của từng địa phương mà các người đẹp sẽ chung tay với cộng đồng tham gia xây cầu, nâng cấp, tráng đổ bê tông tuyến đường cũ hỏng, xây dựng khu vui chơi cho trẻ nhỏ, sơn sửa trang trí nâng cấp trường học, xây đường dẫn nước ống nước hoặc cống, bể chứa nước cho hộ nghèo, lắp đặt hệ thống đèn đường thôn xóm, trồng đước ở rừng ngập mặn, ươm trồng cây trên các tuyến đường. Rồi truyền thông gây quĩ mổ tim cho hàng ngàn bệnh nhi…

Khi người đẹp góp sức xây cầu, khoan giếng, làm đường… ảnh 1

Thí sinh Hoa hậu thăm Bến Nhà Rồng.

Không thể thiếu những hành động thiết thực khác như: Tuyên truyền cổ động nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và trực tiếp bắt tay vào làm sạch rác ở biển, ở kênh rạch, thăm hỏi tặng quà cho người già trẻ nhỏ, trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó…

Nghe tên (tạm đặt) của một số dự án để hình dung: Bảo vệ lá chắn Cần Giờ, Không gian xanh môi trường xanh, Chiến dịch Biển xanh, Nhịp cầu nối bờ vui, Bê tông hóa tuyến đường, Điện sáng đường quê…

Các người đẹp nhân ái phía Bắc cũng có cơ hội phát động các dự án tích cực hướng về cộng đồng. Ở phía Bắc, họ có thể lên Tây Bắc, vào Tây Nguyên, ra Côn Đảo hoặc ở ngay tại thủ đô, chung tay trong những hành động hữu ích: Hỗ trợ (vật chất) giữ gìn bản sắc văn hóa Mường, duy tu sửa chữa nhà văn hóa thôn, nước sạch về buôn làng, làm nhà chồi cho thân nhân thăm chiến sĩ, hỗ trợ các lớp học tình thương…

Bên bến Nhà Rồng

Sáng 9/6, ba mươi thí sinh trong tà áo dài thướt tha có cuộc dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Bảo tàng Hồ Chí Minh và dâng hoa trước tượng Người ở bến Nhà Rồng.

Đa số các cô gái quê các tỉnh thành khác, chỉ vài người ở thành phố mang tên Bác. Cho nên gần như họ chỉ nghe và thấy hình ảnh bến Nhà Rồng trên phim ảnh. Họ, lần đầu tiên được thấy chẳng hạn bức ảnh anh thanh niên Nguyễn Tất Thành làm bồi bàn ở khách sạn Carton, nước Anh. Cả hình ảnh ông vua đầu bếp của khách sạn này, người đã giúp đỡ Nguyễn Tất Thành trong thời gian anh làm phụ bếp tại đây. Có một sự thành kính cần thiết trên những gương mặt hội về từ khắp các thành phố, làng mạc xa xôi. Thích thú chiêm ngưỡng những bình gốm cực đại mà đảng bộ và nhân dân một tỉnh Nam bộ dâng tặng bảo tàng. Trong phòng trưng bày “Bác Hồ với miền Nam, miền Nam với Bác Hồ” nhiều người nói thích bức tranh Bác tưới cây vú sữa - một biểu tượng Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/Miền Nam mong Bác nỗi mong cha. Phòng trưng bày hai tầng không lớn, không nhiều hiện vật lắm nhưng gợi một không khí trang nghiêm với những dấu ấn lịch sử địa lý không thể phai nhòa.

30 thí sinh vừa đổ bộ, một số đoàn du khách xúm lại ngắm nghía bình phẩm, đề nghị chụp ảnh cùng, tíu tít hỏi han về cuộc thi mà họ được biết qua báo chí. Có thí sinh như Nguyệt Tiên (Cà Mau) chụp ảnh với lần lượt từng người trong đoàn, hoặc với nhân viên của bảo tàng, mất thời gian ra phết mà nụ cười tươi rói từ đầu đến cuối.

Hỏi Quỳnh Loan (Huế) sao chắp tay mắt nhắm lâu vậy ở bàn thờ Bác, cô cho biết phong tục Huế là vậy. Lục Thị Thu Thảo (Bình Dương) thì nhớ lại lần đầu đến đây khi là học sinh tiểu học. “Hồi đó khi chị thuyết minh nói đến đoạn ngày Bác mất lòng vẫn nhớ về miền Nam, em đã khóc rất nhiều”. Ấn tượng của cô sinh viên Ngoại thương đến giờ không đổi nhưng cô nói giá được xem thêm những đoạn phim, được nghe nhạc hoặc có những góc nhỏ dạy các bài hát ngắn về Bác hẳn bảo tàng sẽ hấp dẫn hơn.

Một buổi sáng nắng Sài Gòn tháng 6, với cuộc viếng thăm đầy ý nghĩa một di tích lịch sử quan trọng ở thành phố mang tên Bác. Sau đó, thí sinh trở lại phòng tập luyện để chuẩn bị cho đêm chung khảo 12/6 ở Nhà hát Hòa Bình. Họ sẽ phải rèn luyện nhiều, từ thể lực, sự dẻo dai trở đi, để phục vụ nhiều hoạt động, nhất là dự án nhân ái trên kia nếu còn cơ hội bước tiếp. Qua một buổi sáng, cá biệt vài cô gái có biểu hiện sức khỏe và sự chuẩn bị chưa đạt yêu cầu.

Nhằm lan tỏa những hành động đẹp trong phong trào chung hướng về cộng đồng (đang được cả nước hưởng ứng), đồng thời quảng bá hình ảnh mới, nổi bật của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016, toàn bộ quá trình thực hiện chuỗi hoạt động cộng đồng của 40 thí sinh sẽ được xây dựng dưới dạng truyền hình thực tế, phát trên kênh VTV9 vào 20h tối Chủ nhật bắt đầu vào 26/6 đến 21/8 (gồm 8 tập, mỗi tập 5 dự án).

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.