Hoa hậu Việt Nam: 30 năm tôn vinh nhan sắc Việt

Kỳ cuối: Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga thành danh tại Mỹ thế nào

Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga giao lưu tại Gala 30 năm HHVN. Chị là một trong số hoa hậu thành đạt và có sự nghiệp vững chắc ở Mỹ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga giao lưu tại Gala 30 năm HHVN. Chị là một trong số hoa hậu thành đạt và có sự nghiệp vững chắc ở Mỹ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Nguyễn Thiên Nga đăng quang năm 1996 luôn được xem là hoa hậu bí ẩn nhất Việt Nam, bởi chị từ bỏ hào quang của vương miện để sang Mỹ học tập và lập nghiệp.

THÔNG MINH VỐN SẴN TÍNH TRỜI

Nguyễn Thiên Nga sinh năm 1975, đăng quang Hoa hậu toàn quốc báo Tiền Phong năm 1996. Tới năm 1999 Thiên Nga tiếp tục giành ngôi hậu tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1999 - cuộc thi tổ chức năm lẻ duy nhất để chuẩn bị cho Hoa hậu hữu nghị Đông Nam Á. Nhan sắc và sự thông minh giúp Thiên Nga giành ngôi Á hậu 2 cùng năm tại cuộc thi cấp khu vực này. Vương miện hoa hậu mở ra cánh cửa vào thế giới mới đối với cô sinh viên ĐH Ngoại thương, để bước chân vào làng giải trí hào nhoáng xa hoa.

So với các hoa hậu đời đầu, Nguyễn Thiên Nga sở hữu chiều cao vượt trội 1m70. Cùng với hoa hậu Hà Kiều Anh, Thu Thuỷ, Thiên Nga tham gia nhiều chương trình giải trí, trình diễn thời trang. Tuy nhiên chỉ 5 năm sau khi đăng quang, Nguyễn Thiên Nga từ bỏ tất cả để sang Mỹ học và lập nghiệp vì muốn tạo dựng sự nghiệp học tập ở trường đại học danh tiếng của Mỹ. “Tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định ấy, vì đó là con đường tôi muốn đi”, chị nói.

Hỏi Thiên Nga nghĩ sao khi được đánh giá là một trong số hoa hậu thông minh nhất, chị cười: “Tôi nghĩ thông minh trời sinh, nhưng nếu không cố gắng sẽ không dễ dàng bởi kiến thức bao la. Tôi may mắn từ nhỏ đến lớn sống trong môi trường bạn bè đều học giỏi, lúc nào mình cũng tự nhủ để đưa mình vươn lên hơn”. Chị thừa hưởng trí tuệ của bố-GS.TS Nguyễn Hữu Phương. Đặt chân tới Mỹ năm 2001, sau đó Nguyễn Thiên Nga lấy bằng thạc sỹ Quản trị kinh doanh, hiện làm cố vấn cho Trung tâm Phát triển kinh tế ở thung lũng Silicon, thành viên Ban giám đốc Phòng Thương mại Việt Mỹ-tổ chức phi lợi nhuận giúp đỡ doanh nghiệp mới bắt đầu hoặc muốn phát triển hơn.

VƯỢT QUA NỖI ÐAU

Trở về cuộc hội ngộ Gala Nhan sắc hoàng kim 18/8 tại Tuần Châu, đây cũng là lần đầu Nguyễn Thiên Nga gặp lại nhiều người của báo Tiền Phong năm xưa, hội ngộ Hà Kiều Anh và lần đầu gặp gỡ đàn chị, đàn em hoa hậu. Nghe chị hát Còn tuổi nào cho em của Trịnh Công Sơn thấy đượm buồn. Thiên Nga khoe thích âm nhạc từ nhỏ nhưng chưa có duyên với âm nhạc. Cuộc trở về lần này cũng là cơ hội kết nối với ước mơ ngày xưa. Ca khúc chị lựa chọn trong đêm hội ngộ khá phù hợp với tâm trạng của người trải qua mất mát, chị đã khóc khi tập hát và thu âm.

Kỳ cuối: Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga thành danh tại Mỹ thế nào ảnh 1
 

Nguyễn Thiên Nga kết hôn với học trò của bố mình, cũng là người giúp đỡ chị trong giai đoạn đầu sang Mỹ học cao học. Chồng chị sau này trở thành giáo sư giảng dạy kỹ thuật ở Mỹ, giữ vị trí quản lý cấp cao cho một công ty công nghệ cao ở thung lũng Silicon. Hai người có một cậu con trai theo lời chị là “bản sao thu nhỏ của bố từ hình dáng tới tính cách”. Ba năm trước, chồng chị đột ngột qua đời ngay tại phòng làm việc. “Tôi và con trai giống như hai người từ trên mây bỗng rớt xuống đất, nhưng tôi nghĩ mình phải là người đỡ cho con”, chị nói. Nỗi đau đột ngột, mất mát quá lớn đẩy chị tới giai đoạn khủng hoảng kéo dài, phải điều trị tâm lý suốt hai năm.

“Hai người cùng chông chênh hết nhưng tôi là mẹ lớn tuổi hơn, hiểu biết hơn phải đỡ cho con. Khi mình khổ nhưng nếu mình nghĩ mình hy sinh cho người khác tự nhiên thấy không còn đau khổ nữa. Thương con, coi con là quan trọng nhất nên tôi xem con như bạn để nó thấy được an ủi, mạnh mẽ hơn”, Thiên Nga kể. Không thể chìm khuất trong nỗi đau mãi, Thiên Nga bảo phải sống và làm việc tiếp, mỗi ngày tự mình phải tiếp cận nguồn năng lượng tích cực. Hoa hậu bí ẩn nhất Việt Nam giờ trò chuyện cởi mở, cười nhiều hơn dù ẩn sâu trong đôi mắt kia vẫn thấp thoáng nỗi đau.

KÝ ỨC NGỌT NGÀO

Sau 22 năm đăng quang, Nguyễn Thiên Nga cho rằng tâm trạng thí sinh hoa hậu ngày ấy với bây giờ không khác nhau nhiều. Có chăng sự khác biệt ở chỗ cuộc thi ngày xưa tổ chức đơn giản hơn bây giờ. “Tôi nghĩ mong ước trở thành hoa hậu của các cô gái đều mãnh liệt, bởi đó là đôi cánh đưa người ta đến thế giới khác biệt, nấc thang vươn tới đỉnh cao”, chị  nói. Nhắc kỷ niệm 22 năm trước, chị kể đăng ký thi Hoa hậu Toàn quốc báo Tiền Phong chưa áp lực cho lắm, khi quyết định thi Hoa hậu Việt Nam 1999 áp lực danh hiệu có thật vì “sợ trượt”...

Kỳ cuối: Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga thành danh tại Mỹ thế nào ảnh 2

Hoa hậu Nguyễn Thiên Nga đăng quang năm 1996. Ảnh: Hồng Vĩnh.

“Tôi nghĩ mình khi ấy may mắn vì vừa đủ độ chín, không quá khờ khạo mặc dù cuộc sống trước đó của tôi rất đơn giản chỉ biết tới học hành”, chị cười. Khi ấy Thiên Nga là sinh viên ĐH Ngoại thương, có ưu thế về giao tiếp và có nền kiến thức xã hội và văn hoá. “Ban giám khảo như chị Trà Giang, anh Dương Xuân Nam tiếp xúc thí sinh rất quý tôi”, chị nhớ lại.

5 năm sau khi đăng quang, Nguyễn Thiên Nga từ bỏ tất cả để sang Mỹ học và lập nghiệp vì muốn tạo dựng sự nghiệp học tập ở trường đại học danh tiếng của Mỹ. “Tôi chưa bao giờ hối tiếc về quyết định ấy, vì đó là con đường tôi muốn đi”, chị nói. 
MỚI - NÓNG