Nhà báo Lê Xuân Sơn - TBT báo Tiền Phong, Trưởng BTC HHVN năm 2018:

Làm việc nghiêm túc cũng có cái 'thiệt thòi'

Nhà báo Lê Xuân Sơn - TBT báo Tiền Phong, Trưởng BTC cuộc thi trong buổi tiếp xúc với các thí sinh Chung khảo phía Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Nhà báo Lê Xuân Sơn - TBT báo Tiền Phong, Trưởng BTC cuộc thi trong buổi tiếp xúc với các thí sinh Chung khảo phía Nam. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Vòng chung khảo khu vực phía Nam của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2018 đang đi vào những ngày cuối tại Quy Nhơn, Bình Định. Nhà báo Lê Xuân Sơn -  TBT báo Tiền Phong, Trưởng BTC cuộc thi có những chia sẻ cởi mở trước đêm chung khảo 23/6.

Ông có thể cho biết những điểm khác biệt về mặt tổ chức (cách quản lý, thiết chế Ban giám khảo, cách chấm thi...)  của vòng Chung khảo phía Nam lần này so với các kỳ Chung khảo trước đây?

Về cơ bản vẫn là việc quản lý hết sức chặt chẽ để đảm bảo truyền thống nghiêm túc, hướng đến chất lượng cao của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam. Chúng tôi nỗ lực để đặt các thí sinh vào những điều kiện tốt nhất. Bên cạnh việc tổ chức cho các thí sinh luyện tập, rèn luyện để bộc lộ vẻ đẹp và những phẩm chất tốt nhất của bản thân, chúng tôi bố trí để các em tham gia nhiều hoạt động có ý nghĩa như quảng bá các địa danh lịch sử, các địa điểm danh thắng, có tiềm năng thu hút du lịch nhất của tỉnh Bình Định.

Làm việc nghiêm túc cũng có cái 'thiệt thòi' ảnh 1

Một tiết mục trong buổi tổng duyệt chung khảo phía Nam. Ảnh: hồng vĩnh

Ban Giám khảo (BGK) hoạt động theo quy chế quy định chặt chẽ chức năng, nhiệm vụ. Ban Tổ chức (BTC) và Ban Thư ký cuộc thi sắp xếp lịch làm việc và cung cấp đầy đủ thông tin, dữ liệu để các giám khảo không chỉ biết rõ những đặc điểm ngoại hình mà còn thuộc cả tính nết của từng thí sinh. Bên cạnh việc nắm rõ đặc điểm thí sinh như vậy, các giám khảo quan sát các phần thi trên sân khấu nhiều lần (kể cả khi luyện tập và tổng duyệt). Họ cũng có các file ảnh và băng hình để có thể xem lại thí sinh bất cứ lúc nào.

Tất cả những điều đó cộng với phương thức làm việc, thảo luận tập thể chi tiết từng trường hợp để đi đến đồng thuận chắc chắn sẽ dẫn đến kết quả chấm thi chính xác.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng thí sinh (cụ thể ở vòng Chung khảo mở đầu mùa thi HHVN) năm nay?

Lần này, tôi cảm thấy BTC và BGK làm việc dễ hơn vì sau khi làm rất chặt chẽ, kỹ lưỡng trong những cuộc thi trước, năm nay cuộc thi không còn phải đón tiếp nhiều thí sinh không đạt các tiêu chuẩn quy định trong Thể lệ cuộc thi nhưng vẫn đến với hi vọng lọt qua sơ khảo.BGK làm việc cũng thuận lợi vì có một nhóm đông thí sinh vượt trội trên mặt bằng chung.

Tuy nhiên, tôi cũng cảm nhận cái “thiệt thòi”, nếu có thể nói như vậy, của cách làm việc nghiêm túc và nghiêm khắc: Cuộc thi đã tự “xua đi” một phần thí sinh của mình, trong đó có nhiều thí sinh nếu không tính đến “phần phạm quy” thì không phải là không có chất lượng, ít ra thì cũng làm nền cho cảm giác “xôm tụ” đậm hơn ở vòng sơ khảo.

Theo ông, điều kiện đạt chuẩn Hoa hậu những năm gần đây có khác nhiều so với tiêu chuẩn của những năm trước? Cụ thể là tiêu chuẩn gì?

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam khá nhất quán trong tiêu chuẩn. Những tiêu chuẩn cơ bản đã được công bố trong thể lệ. Nhưng người giành vương miện Hoa hậu sẽ phải là người kết hợp hài hòa vẻ đẹp hình thể, vẻ đẹp nội tâm và trí tuệ. Người đó phải đại diện được cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam, văn hoá Việt Nam và có  khả năng đại diện được cho vẻ đẹp Việt Nam ở các cuộc thi sắc đẹp đỉnh cao của thế giới.

Là nhà tổ chức nhiều mùa Hoa hậu , điều  gì  khiến ông phải suy nghĩ đắn đo nhiều nhất khi điều hành sự kiện như thế này?

Có rất nhiều đắn đo, suy nghĩ. Thứ nhất, đây là một cuộc thi phức tạp, hết sức nhạy cảm, dễ xảy ra khủng hoảng truyền thông vì những lý do có thật và không có thật nên phải lo tổ chức thế nào để mọi thứ luôn nằm trong tầm kiểm soát. Thứ hai là tổ chức các sự kiện và làm truyền thông thế nào để công luận chú ý đến điều căn bản của cuộc thi là nghiêm túc tìm kiếm, tôn vinh cái đẹp và làm những việc có ích cho nhân dân các địa phương nơi cuộc thi tiến hành các vòng thi hoặc tổ chức các sự kiện chứ không phải là các hiện tượng đơn lẻ vụn vặt, những ầm ĩ không đáng có.

Vòng chung khảo lần này có vẻ như tiến hành hơi nhiều các hoạt động thăm quan, chụp ảnh, tổ chức các sự kiện ngoài chuyên môn. Điều đó có ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của đêm chung khảo?

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam bao giờ cũng nỗ lực đóng góp cho địa phương nơi tổ chức các sự kiện của cuộc thi. Đó là giới thiệu, quảng bá vẻ đẹp thiên nhiên, con người, truyền thống lịch sử, văn hoá, tiềm năng du lịch…

Đối với Bình Định, một tỉnh rất giàu có về những điều vừa kể thì mặc dù đã cố gắng, nhưng cuộc thi mới chỉ giới thiệu được một phần, đó là Bảo tàng Quang Trung, Tháp Đôi Quy Nhơn, Tượng đài Chiến Thắng Núi Bà, thắng cảnh thiên nhiênEo Gió, khu lưu niệm Hàn Mặc Tử, Khu du lịch nghỉ dưỡng FLC Quy Nhơn. Thí sinh cũng dự lớp tập võ trước tượng đài Quang Trung, tham gia dọn rác làm sạch môi trường biển…

Do nằm trong ý tưởng ban đầu của chương trình, BTC bố trí đủ thời gian và thí sinh ý thức rõ ý nghĩa việc mình làm nên tất cả đều rất cố gắng. Chắc chắn chương trình hoạt động đồng hành dày đặc đó không ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của vòng chung khảo và đêm chung khảo.

Được truyền hình trực tiếp qua VTV 9 và 13 Đài truyền hình địa phương khác, thông điệp lớn nhất của Đêm Chung khảo phía Nam tối nay với cộng đồng là gì thưa ông?

Về thông điệp, thực ra không chỉ vòng thi này mà tất cả các sự kiện của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đều hướng đến sự tôn vinh vẻ đẹp của con người Việt Nam, phụ nữ Việt Nam và vẻ đẹp củathiên nhiên, lịch sử, văn hoá, con người địa phương nơi diễn ra sự kiện đó.

Xin cảm ơn ông.

Tối nay thứ bảy 23/6 lúc 20h05’ Đêm Chung khảo phía Nam HHVN 2018 sẽ chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế FLC Qui Nhơn (Bình Định). Sự kiện được truyền hình trực tiếp trên VTV9 và được tiếp sóng trên 13 Đài phát thanh và truyền hình: Ninh Thuận; Cần Thơ; Kiên Giang; Let’s Việt; Bạc Liêu;Bến Tre; Hải Phòng (THP+); Đà Nẵng (DRT); Nghệ An; Bình Định; Bắc Cạn;Tây Ninh;Vĩnh Long 2.

Gương mặt dự thi chung khảo HHVN 2018 Khu vực phía Nam

Làm việc nghiêm túc cũng có cái 'thiệt thòi' ảnh 2

Nguyễn Thị Hồng Tuyết, SBD: 052, Cử nhân Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, đến từ TPHCM, sinh năm 1994

Làm việc nghiêm túc cũng có cái 'thiệt thòi' ảnh 3

Hà Lương Bảo Hằng, SBD 216, sinh viên Đại học Ngoại Thương cơ sở 2, đến từ Đắk Lắk, sinh năm 1997

Làm việc nghiêm túc cũng có cái 'thiệt thòi' ảnh 4 Đinh Thị Quỳnh Giang, SBD: 025, sinh viên Đại học Sài Gòn, đến từ Kon Tum, sinh năm 1997
MỚI - NÓNG