Người đẹp Nhân ái miền Bắc tập 6: Chờ đột phá

Bốn gương mặt phía Bắc ở trường quay, từ trái qua: Đào Thị Hà, Huỳnh Thúy Vi, Trần Tố Như, Ngô Thanh Thanh Tú. Ảnh: BTC.
Bốn gương mặt phía Bắc ở trường quay, từ trái qua: Đào Thị Hà, Huỳnh Thúy Vi, Trần Tố Như, Ngô Thanh Thanh Tú. Ảnh: BTC.
TP - Ngoại hình bốn thí sinh xuất hiện trong tập 6 Người đẹp Nhân ái (phát VTV9 tối 7/8) khá đồng đều và có nét riêng nổi bật. Nhưng để tìm ứng viên giải Người đẹp Nhân ái qua tập này, thì chưa rõ lắm.

Tròn nhiệm vụ

Trong bốn thí sinh, Trần Tố Như là một trong vài gương mặt sáng nhất vòng chung kết. Huỳnh Thúy Vi hài hòa cả gương mặt, vóc dáng, làn da. Đào Thị Hà vòng 1 nảy nở, miệng tươi. Ngô Thanh Thanh Tú- một trong hai thí sinh cao nhất vòng chung kết- 1 mét 8, học hành bài bản (Học viện Ngoại giao), được khán giả chú ý còn vì có chị gái- Ngô Trà My từng thành công ở cuộc Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam (đoạt Á hậu 1).

Bốn dự án rất khác nhau và dễ hay, trước hết bởi bối cảnh thực hiện. Họ cuối cùng cũng hoàn thành nhiệm vụ với vẻ háo hức.

Nghe nói Đào Thị Hà hôm quay dự án “Kết nối đỏ” khá chật vật khiến ê-kip vất theo, dù cô thực hiện ngay Thủ đô. Hà thăm hỏi, thay mặt BTC tặng tiền và quà cho bệnh nhân tan máu bẩm sinh; cùng các bạn trẻ đạp xe phát động hiến máu và bản thân cũng chìa tay hiến máu. Tuy nhiên, với thông điệp “Hiến máu cứu người- nụ cười trẻ thơ” cô lại giới hạn đối tượng cần giúp đỡ là trẻ em, chỉ trẻ em thôi.

Đến mảnh đất Côn Đảo làm nhiệm vụ, Trần Tố Như, sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân người Thái Nguyên có được những khuôn hình đặc biệt khi cùng thanh niên tình nguyện viếng nghĩa trang liệt sĩ, phỏng vấn cựu tù, thăm nhà tù Côn Đảo. Cô nói: “Chưa bao giờ em cảm thấy gần hơn với lịch sử dân tộc như thế”.

Dự án của Như không liên quan lịch sử lắm: Tặng, lắp đặt trang thiết bị thể dục thể thao cho chị em phụ nữ ở công viên đường Nguyễn Huệ. Công trình của Như cũng như các bạn đều trị giá không dưới 100 triệu đồng.

Phóng viên Tiền Phong đi theo dự án của Huỳnh Thúy Vi (Cần Thơ) kể dân chúng nơi Vi đến- xã Hạ Bì, huyện Kim Bôi, Hòa Bình rất dễ thương, nhiệt thành đón tiếp thí sinh hoa hậu. Xem Vi trong khuôn hình và tại trường quay tả lại dự án “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường” thấy rõ sự hồ hởi, phấn chấn của cô gái miền Tây Nam bộ lần đầu ra miền Bắc lại còn được làm những công việc ý nghĩa: Giao lưu văn hóa, tặng quà cho người dân địa phương gồm 4 chục bộ trang phục dân tộc biểu diễn, một bộ chiêng Mường, rồi nhạc cụ dân tộc, cả đàn Organ, âm ly, loa đài. Chưa kể còn xây một sân khấu bê tông, phục vụ hoạt động văn hóa văn nghệ xã.

Nhặt được lá thăm ghi “Cho tôi một vé đi...”, Ngô Thanh Thanh Tú (Hà Nội) đoán dự án của cô liên quan đường sá, đi lại. Thực ra đó là “Cho tôi một vé đi tuổi thơ”. Tức là xây dựng khu vui chơi giải trí tuổi thơ ở Nhà sinh hoạt cộng đồng Buôn Dur 1, xã Dur K’măn, huyện K’rông Ana, Đắk Lắk. Sau khi đoán sai nội dung dự án, Tú lại tỏ ra hoạt ngôn, chủ động thuyết trình thêm về công việc của mình- đem lại niềm vui cho những đứa trẻ Tây Nguyên, và có sự chuẩn bị cẩn thận về “luật trẻ em” để tranh luận, biện giải ở trường quay.

Đi tìm ứng viên

Bệnh viện. Những gương mặt trẻ em xanh rớt, thiếu máu. Có em nằm trên giường với vết sẹo lồi to tướng do mới đại phẫu. Một người bố trẻ có hai đứa con nhỏ xíu đều mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Anh trông cũng xanh rớt, đau buồn kể, cứ chiều đến các con lại sốt, và da thì luôn xanh xao.

Đào Thị Hà ào đến, có sự niềm nở khi thăm hỏi. Nhưng dáng vẻ, điệu bộ của cô cứ lập bập thế nào. Cô còn gặp khó khăn trong diễn đạt, trước hết bởi là cô gái Nghệ An tập nói tiếng Bắc. Ở tập này, Xuân Bắc đưa khái niệm “PR lòng nhân ái”. Theo tiêu chuẩn này thì Hà chưa tận dụng được cơ hội để “PR lòng nhân ái”.

Trần Tố Như có thần thái khá tốt trong hơn ba chục thí sinh vào chung kết, không riêng miền Bắc. Xứng đáng được chờ đợi tỏa sáng trong tập 6 này. Nét chưa hoàn hảo của Như là hàm răng, với những răng cửa hơi xiên. Nước da cũng không nổi bật, nhất là khi Như luôn cặp kè với Hiền “trắng” người Đà Lạt. 

Có lúc bị MC Trấn Thành hỏi khó, Như không mất bình tĩnh nhưng câu trả lời chưa cho thấy cô nhìn xa, sâu hơn công việc có phần đơn giản của mình. Nhớ lại, khi có cơ hội tỏa sáng, thí sinh Ngọc Trân người Huế đã không bỏ lỡ chút nào, kể cả lúc được mời thuyết minh thêm về dự án. Cho nên mới nói, ứng viên giải Người đẹp Nhân ái biểu hiện ở tập 4 có rõ ràng hơn.

Làm dự án “Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mường”, Huỳnh Thúy Vi đưa thông điệp “Tìm về giá trị văn hóa là tìm về cội nguồn dân tộc” chứng tỏ sự chín nghĩ của một cô gái 23 tuổi đã đi làm (giao dịch viên ngân hàng). Vi cũng ghi điểm khi tuyên bố sau đây sẽ lập một trang mạng viết về văn hóa dân tộc. 

Trong khuôn hình làm dự án ở Kim Bôi, Vi có lúc trông hơi thiệt thòi so với bên ngoài- mặt rất gầy, dáng cũng vậy. Trên trường quay cô ổn hơn, xinh xắn tươi tắn. Phóng viên Toan Toan theo Vi đi Hòa Bình khen cô biết quan tâm người khác và nhanh nhẹn, chủ động, nồng nhiệt tham gia dự án. Trong hành trang, cô không quên mang bánh, kẹo của quê hương Cần Thơ tặng cho trẻ nhỏ, nhưng chiếc áo bà ba với khăn rằn thì không có cơ hội diện ở Hòa Bình.

Không biết có bị cúp đột ngột mà trong tư cách bình luận viên, Á hậu Huyền My gây cảm giác cô nói về bản thân hơi nhiều trong khi phải dành ưu tiên cho thí sinh. Ở tập này, nhà báo Trác Thúy Miêu có lúc cũng nói hơi dài còn Xuân Bắc khôn khéo phát động được cả việc hiến máu nhân đạo ở trường quay.

MỚI - NÓNG