Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 'chữa cháy' cho đêm thi hoa hậu thế nào?

Khi Ban tổ chức đang rối lên vì lo lắng, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nhẹ nhàng bước lên sân khấu chữa cháy.

Vòng chung khảo khu vực miền Đông Nam Bộ, cuộc thi Hoa hậu báo Tiền Phong năm 1992 diễn ra ở nhà thi đấu Phan Đình Phùng, trong đội hình ban giám khảo có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Giáo sư Hoàng Thiệu Khang. Trước giờ diễn ra, nhạc sĩ và giáo sư đã ngồi trò chuyện rất say sưa bên chai rượu. Khi bắt đầu vào phòng họp của giám khảo, trong khi nhạc sĩ họ Trịnh khá bình thản thì giáo sư Khang có vẻ ngà ngà. Qua ba vòng chấm (áo dài dân tộc, áo tắm liền mảnh, trang phục tự chọn), Ban giám khảo vào hậu trường hội ý để tổ thư ký cộng điểm. Ngoài hội trường, hai người dẫn chương trình là Phương Thảo và Thanh Bạch tiếp nối các tiết mục văn nghệ.

Lúc bấy giờ, tổ thư ký mới phát hiện ra, giáo sư Hoàng Thiệu Khang không chấm, phiếu chưa có chút điểm nào. Có lẽ ông đã lơ mơ khi chương trình diễn ra. Ông giải thích, đèn bàn tối quá không thấy gì mà ghi. "Để moa, để moa chấm bây giờ, toa chấm thế nào?...", ông kéo Trịnh Công Sơn ngồi xuống ghế và hỏi. 

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 'chữa cháy' cho đêm thi hoa hậu thế nào? ảnh 1

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Công việc của tổ thư ký rối lên như canh hẹ do phải lục lại các phiếu và tìm phiếu điểm mà Giáo sư Khang chưa chấm. Tình huống này chưa bao giờ xảy ra nên cả Ban giám khảo rất lúng túng. May sao, Giáo sư Nguyễn Quang Quyền (nay đã mất) vốn có rất nhiều kinh nghiệm về nhân trắc học đã ngồi gợi lại cho Giáo sư Hoàng Thiệu Khang chấm… Ngoài sân khấu, các tiết mục văn nghệ phụ trợ đã hết. 10 phút, rồi 15 phút, 20 phút trôi qua. Cả màn tấu hài của Thanh Bạch khá hấp dẫn, thu hút khán giả cũng kết thúc. Những người hâm mộ chương trình hoa hậu mua vé vào đây không thể ngồi chờ… Khán giả đã bắt đầu ồn ào suốt ruột. Lúc ấy, nhà thơ Dương Kỳ Anh bảo nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: "Thôi, anh ra chữa cháy đi, tại anh mua rượu mời ông ấy mà…".

Trịnh Công Sơn không chần chừ, ông lấy cây đàn ghita bước lên sân khấu. Ông hát say sưa, hết bài này đến bài khác, khán giả vỗ tay rào rào…

Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy …

Cả hội trường hàng ngàn con người lặng phắc. Rồi, mỗi lần kết thúc một ca khúc, tiếng vỗ tay lại rào lên tưởng như không dứt.

Các phiếu điểm cuối cùng cũng đã cộng xong. Đại diện Ban thư ký lên cánh gà sân khấu để trao bản danh sách những người đẹp lọt vào vòng chung kết toàn quốc cho người dẫn chương trình. Nhưng hàng ngàn khán giả vẫn đắm chìm vào những ca khúc do chính người nhạc sĩ tài ba họ Trịnh biểu diễn.

Khi 15 người đẹp đại diện cho gần hai ngàn thí sinh dự thi của khu vực miền Đông và thành phố Hồ Chí Minh được đọc tên và bước ra sân khấu trong màn pháo bông, tiếng vỗ tay lại rào rào vang lên…

Không ai biết rằng một sự cố đã xảy ra làm Ban tổ chức toát mồ hôi. Sau lần ấy, Ban giám khảo đưa ra một quy định bắt buộc đối với các thành viên: Qua mỗi vòng trình diễn (Áo dài dân tộc, áo tắm liền mảnh, trang phục tự chọn), giám khảo nào không chấm xong nộp cho Ban thư ký thì coi như phiếu đó không có giá trị. Ban thư ký chỉ việc cộng điểm các thành viên chấm đúng, chấm đủ, chấm theo quy định thời gian, cộng lại rồi chia đều để lấy điểm trung bình cho mỗi thí sinh. Nhờ có quy định này, các thành viên Ban giám khảo về sau làm việc rất nghiêm túc, khẩn trương và không hề xảy ra sự cố nào tương tự.

Suốt thời gian ngồi ghế Ban giám khảo khu vực và cả mấy đêm chung kết sau đó, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất "mê" một thi sinh. Đó là một cô gái quê Đà Nẵng, đang học năm thứ hai Đại học Y khoa TP HCM, tên là Mạc Lê Đan Thanh. Trên sân khấu, cô gái họ Mạc không phải như đang đi mà như đang lướt nhẹ như một thiên thần áo trắng. Vẻ đẹp của Mạc Lê Đan Thanh là vẻ đẹp của âm nhạc, của thi ca. Nét dịu dàng, e lệ, thanh mảnh, với gương mặt hồn nhiên trong sáng đến kỳ lạ. Suốt thời gian luyện tập, cô gái họ Mạc đã cuốn hút Trịnh Công Sơn bởi vẻ đẹp của cô. Tuy chiều cao và các số đo nhân trắc học chưa thật chuẩn cho tiêu chí hoa hậu, nhưng cô đã thuyết phục nhạc sĩ họ Trịnh và nhà thơ Dương Kỳ Anh.

Ở vai trò trưởng ban tổ chức, nhà thơ Dương Kỳ Anh lo ngại, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho điểm cô gái họ Mạc quá cao so với phiếu chấm điểm và có thể quên mất tiêu chí mà Ban tổ chức và Ban giám khảo đã đặt ra. Thế nhưng, khi xem lại phiếu chấm điểm của ông, ông rất khách quan, cho điểm đúng theo thang điểm.

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam lần đó (năm 1992), thành công vang dội, Hà Kiều Anh là Hoa hậu, Vi Thị Đông là Á hậu, còn Mạc Lê Đan Thanh lọt vào top 10 người đẹp nhất.

Theo Theo Dương Kỳ Anh (Hoa hậu Việt Nam - Những chuyện chưa kể)
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.