'Cơn sốt giáo dục' hoành hành ở châu Á

'Cơn sốt giáo dục' hoành hành ở châu Á
Ngày Zhang Yang nhận được giấy báo nhập học cũng là ngày cha cậu, ông Zhang Jiasheng, quyết định kết thúc cuộc đời bệnh tật của mình bằng một liều thuốc trừ sâu, để dành tiền đóng học phí cho con trai.

> Sinh viên nôn mửa cũng bị nộp phạt

Cách đây hai năm, Jiasheng, một lao động phổ thông ở tỉnh An Huy, Trung Quốc, mắc bệnh nặng và gần như phải nằm liệt giường. Con trai ông, Zhang Yang, một thanh niên ham học, vừa thi đỗ vào Học viện Y học Cổ truyền của thành phố Hợp Phì, với mơ ước lớn nhất là có thể sớm chữa khỏi bệnh cho cha.

Nhưng tin vui này của Yang, 18 tuổi, lại đang vượt quá sức chịu đựng của cha cậu. Theo tính toán của Jiasheng, cả gia đình ông, vốn đã phải gồng mình lên để chi trả các hóa đơn tiền thuốc, chắc chắn sẽ không đủ khả năng lo cho các khoản học phí của Yang.

Và như để giải quyết những gánh nặng ấy, ông Jiasheng đã quyết định lìa đời bằng một liều thuốc trừ sâu trong cơn khốn cùng.

Tất nhiên, không phải bậc phụ huynh nào ở Trung Quốc cũng có những suy nghĩ cực đoan như ông Jiasheng. Nhưng có một thực tế rằng, ngày càng nhiều gia đình ở Đông Á quyết định chi thêm thật nhiều tiền để giúp con cái họ được nhận một nền giáo dục như ý.

Hiện tượng này được các chuyên gia gọi là "cơn sốt giáo dục". Cơn sốt khiến nhiều gia đình bán cả nhà để cho con đi du học nước ngoài.

Các phụ huynh Trung Quốc ngồi chờ con trong một kỳ thi đại học. Ảnh minh họa: Chinahush
Các phụ huynh Trung Quốc ngồi chờ con trong một kỳ thi đại học. Ảnh minh họa: Chinahush.

'Vung tay quá trán'

Andrew Kipnis, một nhà nhân chủng học tại Đại học Quốc gia Australia, đồng thời là tác giả một cuốn sách về giáo dục ở Trung Quốc, cho biết việc đầu tư cho giáo dục ở một số nước Đông Á "đang trở nên cực đoan".

Thực trạng này không chỉ diễn ra ở những gia đình trung lưu, mà còn ngấm sâu vào tư tưởng của các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp lao động. Trong mắt họ, học vấn là cách duy nhất để khẳng định vị thế trong xã hội. Một số người còn vì thế mà để chính bản thân lún sâu vào nợ nần.

"Họ cắt giảm mọi khoản chi tiêu không cần thiết. Nhiều người thậm chí còn ngừng cả việc chữa bệnh. Họ muốn dùng các khoản tiền ấy để đầu tư cho sự học của con em", Kipnis nói.

"Làn sóng này tương đối dữ dội. Nhiều người chọn cách vay tiền của bạn bè hoặc người thân. Một số hoàn toàn không có khả năng trả nợ", Kipnis, người đã thực hiện cuộc nghiên cứu của ông ở huyện Châu Bình, tỉnh Sơn Đông, cho hay.

Theo một cuộc khảo sát từ Euromonitorco, thu nhập bình quân đầu người hàng năm của người dân Trung Quốc chỉ tăng 63,3% trong 5 năm, nhưng chi tiêu dành cho giáo dục lại tăng gần 94%.

'Khúc chiến ca của đại gia đình hổ'

Mô hình giáo dục
Mô hình giáo dục "mẹ hổ" đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các gia đình Trung Quốc. Ảnh: TIME.

Trong cuốn sách "Khúc chiến ca của mẹ hổ", tác giả Amy Chua từng tường thuật lại một hành trình dạy con đầy nghiêm khắc theo kiểu truyền thống của các bậc phụ huynh Trung Quốc. Phong cách giáo dục này gần đây đã được mở rộng phạm vi và trở thành một "dự án cấp gia đình". "Không chỉ là sự xuất hiện của những bà mẹ hổ, nó còn kéo theo cả những ông hổ, bà hổ", Todd Maurer, một chuyên gia về giáo dục châu Á, cho biết.

Các gia đình ở Trung Quốc, Singapore và Hàn Quốc luôn đứng đầu trong danh sách những quốc gia đầu tư nhiều nhất cho giáo dục. Theo sau là Ấn Độ và Indonesia.

Tại Hàn Quốc, nơi giới chức tin rằng nỗi "ám ảnh học hành" đang đe dọa tới sự cân bằng của xã hội, tỷ lệ chi tiêu vào lĩnh vực này đang tạo ra một làn sóng vay nợ lên tới mức kỷ lục. Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế LG, 28% các gia đình Hàn Quốc đang phải sống ở mức nghèo khó và hoàn toàn không có khả năng chi trả các khoản nợ hàng tháng.

Trong khi đó, 70% thu nhập của một gia đình ở nước này lại được dồn vào việc đầu tư cho con em ăn học, đặc biệt là ở những trường tư, theo thống kê của Viện Nghiên cứu Kinh tế Samsung.

Theo ông Michael Seth, giáo sư chuyên ngành lịch sử Hàn Quốc, thuộc trường Đại học James Madison, Mỹ, đồng thời là tác giả của một cuốn sách về tinh thần ham học của người Hàn Quốc, mọi khoản chi tiêu khác đều được cắt giảm "trên diện rộng".

"Các khoản chi cho nhà ở, nghỉ dưỡng hay vui chơi ngày càng được thu gọn. Hầu hết các quốc gia đang phát triển khác ở châu Á, nhất là Trung Quốc, đều có một mô hình tương tự", ông Seth nói.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân của thực trạng này đến từ sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh vào con cái, cũng như từ áp lực thi cử ngày càng đè nặng lên vai các sĩ tử.

"Hệ thống giáo dục Hàn Quốc đang vượt quá sức chịu đựng của những đứa trẻ", Seth nói. "Và cách duy nhất để tránh xa cơn ác mộng này là đừng có con. Trong một xã hội có tỷ lệ sinh cực thấp như thế này, thì việc giáo dục những đứa trẻ quả là rất tốn kém".

Học thêm từ lớp một

Nỗi ám ảnh về học vấn kinh khủng tới mức chính phủ Hàn Quốc đã nhiều lần thất bại trong việc kìm hãm nó. Giới chức gần như không thể làm gì để khiến các bậc phụ huynh ngừng ném tiền vào những lớp học ngoại khóa cũng như các trung tâm luyện thi.

Mặc dù chưa tới mức nghiêm trọng như Hàn Quốc, nhưng cơn sốt giáo dục ở Trung Quốc cũng đang dần vét sạch túi tiền của các bậc phụ huynh. Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Mintel được thực hiện gần đây cho thấy, 9 trên 10 đứa trẻ thuộc các gia đình trung lưu ở Trung Quốc phải học thêm sau giờ lên lớp. Người ta làm việc này vì tin rằng nó sẽ giúp những đứa trẻ thêm tự tin và giỏi giang trước khi bước vào cánh cổng của trường đại học.

Nếu như trong quá khứ, các lớp học bổ túc chỉ thực sự cần thiết trước khi các em thi vào đại học từ một tới hai năm, thì giờ nó được bắt đầu ngay từ khi những đứa trẻ chỉ mới học trung học, hoặc thậm chí là tiểu học.

Matthew Crabbe, giám đốc phụ trách khu vực châu Á của Mintel, nói rằng người dân Trung Quốc làm việc này bằng cách sử dụng các khoản tiền đáng lẽ được dùng để chăm sóc sức khỏe.

"Bởi vì học phí cứ không ngừng tăng, và mức độ cạnh tranh tại các trường đại học ngày một gay gắt, nên họ buộc phải đầu tư cả tiền tiết kiệm để đảm bảo rằng, lũ trẻ sẽ có được thành tích như ý", Crabbe nói.

Sĩ tử luyện thi trước ngày diễn ra gaokao, tức kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc. Ảnh: Beijing Cream
Sĩ tử luyện thi trước ngày diễn ra gaokao, tức kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc. Ảnh: Beijing Cream.

Mỹ là nhất

Cơn sốt này không chỉ dừng lại ở việc đảm bảo cho những đứa trẻ có được một vị trí vững chắc sau cánh cổng đại học. Gần 87% phụ huynh Trung Quốc khẳng định, họ muốn cho con đi du học nước ngoài, bởi theo quan niệm của người dân nước này, một tấm bằng ở Tây phương sẽ giúp con cái họ tiếp cận gần hơn với thành công trong tương lai.

Làn sóng này không chỉ dành riêng cho những đứa trẻ nhà giàu. Theo Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, một phần ba số học sinh Trung Quốc đã đi du học trong năm 2010 đều từ những gia đình thuộc tầng lớp lao động.

Đó là một gánh nặng tài chính khổng lồ, và nhiều bậc cha mẹ không lường được cái giá mà họ thực sự phải trả. Theo Zhang Jianbai, điều hành viên của một trường tư thục ở Vân Nam, các bậc phụ huynh ở những thành phố nhỏ thường bán hoặc cầm cố cả giấy tờ nhà đất để dồn tiền cho con đi du học.

"Thủ tục du học rất tốn kém, bởi nó không thể được thực hiện thông qua hệ thống giáo dục công", ông Maurer nói.

Để hiện thực hóa được giấc mơ Mỹ, các em phải tham gia những khóa học Anh ngữ, những trại hè và những khoản tiền không nhỏ dành cho các trung tâm tư vấn du học.

Chỉ riêng năm ngoái, khoảng 40.000 học sinh Trung Quốc có mặt ở Hong Kong để tham dự SAT, kỳ thi tuyển sinh của Mỹ. Theo New Oriental Education, một công ty giáo dục ở Trung Quốc, mỗi gia đình phải chi tới 1.000 USD để cho con đi thi, chưa kể tới 8.000 USD tiền học thêm.

Ván bài học vấn

"Các bậc phụ huynh đang từ bỏ những tài sản cuối cùng để dồn tiền đầu tư cho con đi du học", Lao Kaisheng, một nhà nghiên cứu về chính sách giáo dục ở Đại học Sư phạm Thủ đô ở Bắc Kinh, nói.

Điều này đồng nghĩa với việc, những đứa trẻ sau khi tốt nghiệp đại học sẽ phải gánh trên vai trách nhiệm trả nợ cho gia đình. Đây là một vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, nhất là khi số lượng sinh viên ra trường mỗi năm ngày càng tăng, và một tấm bằng cử nhân ở nước ngoài không còn có giá như trong quá khứ.

Nhưng những lý do này chưa đủ để làm hạ nhiệt cơn sốt giáo dục, thứ đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân Đông Á. Nó cũng dựa trên thực tế rằng, không còn cách nào để thành công hoặc kiếm được một chỗ đứng vững chắc trong xã hội ngoài việc phấn đấu để có một tấm bằng loại ưu. Nó đã đúng trong 50 năm trước, và vẫn sẽ đúng trong 50 năm tới, ông Lao nhận định.

"Chừng nào tình trạng này còn tiếp tục, chừng đó việc đầu tư thật nhiều vào giáo dục và đặt áp lực lên vai những đứa trẻ còn được cho là hợp lý", Seth nói.

Theo Quỳnh Hoa
VnExpress

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG