Sữa học đường: Lợi ích dành cho trẻ

Sữa học đường: Lợi ích dành cho trẻ
TP - Trong cuộc hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội với chủ đề Dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em và xây dựng Chương trình Sữa học đường hỗ trợ nâng cao thể trạng cho trẻ em mầm non và tiểu học giai đoạn 2014 - 2020, các đại biểu, chuyên gia trong nước và quốc tế đã chia sẻ kinh nghiệm về tầm quan trọng của việc bổ sung các sản phẩm dinh dưỡng đúng cách.

> Hai triệu trẻ uống sữa miễn phí
> 6 tỷ đồng cấp sữa miễn phí cho trẻ em

Mục tiêu để bắt kịp cái mới

TS Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ lao động Thương Binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, Chương trình Sữa học đường được Bộ LĐ-TB&XH xây dựng trình Thủ tướng phê duyệt lần này là bước tiếp theo của các chính sách đã được Chính phủ ban hành trong thời gian qua nhằm bảo đảm dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ em, đặc biệt là trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, như: Chiến lược quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030; 10 lời khuyên dinh dưỡng của Bộ Y tế; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung cho trẻ từ 6 đến 36 tháng tuổi và sữa nước.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về hoàn cảnh ra đời của chương trình bổ sung dinh dưỡng cho trẻ học đường, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết: “Xuất phát từ kinh nghiệm của các nước trong việc sử dụng các sản phẩm từ sữa để cải thiện dinh dưỡng, nâng cao thể trạng của trẻ em Việt Nam, chúng tôi nhận thấy chúng ta cần học tập và triển khai chương trình tương tự. Tình trạng suy dinh dưỡng tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ nghèo, ở nông thôn. Qua nghiên cứu cho thấy Chương trình Sữa học đường đã được thực hiện nhiều nơi trong nước và một số nước trong khu vực và đạt hiệu quả cao. Đơn cử, chiều cao trung bình của trẻ em Thái Lan đã cải thiện 5 cm sau 7 năm triển khai Chương trình Sữa học đường. Trong hội thảo này, chúng tôi cũng mời chuyên gia nước ngoài để trao đổi kinh nghiệm. Có thể nói trong lĩnh vực này chúng ta đang đi sau, vì vậy cần sớm tiến hành để bắt kịp các nước”.

Hội thảo đã được nghe các chuyên gia trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng bổ sung đúng cách, trong đó sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung được coi là thực phẩm tối ưu cho trẻ em. Các đại biểu cũng đã thảo luận về mục đích, nhu cầu và ý nghĩa nhân văn của Chương trình Sữa học đường do Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH xây dựng và trình bày tại Hội thảo.

Tiến sĩ Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chủ trì buổi hội thảo
Tiến sĩ Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH chủ trì buổi hội thảo.

Theo TS Doãn Mậu Diệp, chế độ ăn bổ sung hợp lý, bao gồm việc truyền thông kiến thức dinh dưỡng phù hợp lứa tuổi, cung cấp sản phẩm sữa cho trẻ em lứa tuổi mầm non và tiểu học thông qua chương trình sữa học đường là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đạt được những mục tiêu quốc gia về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng/thấp còi, nâng cao tầm vóc và thể lực ở trẻ em Việt Nam.

Cải thiện rõ rệt tình trạng suy dinh dưỡng

Được thực hiện thí điểm tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong 3 năm (2006-2009), chương trình sữa học đường đã góp phần cải thiện rõ rệt tình trạng suy dinh dưỡng (từ hơn 6.000 trẻ suy dinh dưỡng năm 2006 trong tỉnh, đến năm 2010 chỉ còn hơn 2.000 trẻ) và giúp phát triển thể lực ở trẻ em. Chương trình đã có những hoạt động giúp nâng cao nhận thức của người dân.

 Trẻ em uống càng nhiều đồng nghĩa với việc tiêu thụ đường càng ít vì sữa sẽ thay thế 2 loại nước uống mà trẻ thường dùng dễ gây béo phì là nước ép trái cây và nước uống có ga .

PGS.TS Lê Bạch Mai

Tại hội thảo, GS.TS Kraisid Tontisirin, Trường đại học Mahidol (Thái Lan), nguyên Giám đốc Nhóm dinh dưỡng và bảo vệ người tiêu dùng của Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) chỉ rõ các sản phẩm từ sữa bao gồm cả sản phẩm dinh dưỡng công thức là một phần quan trọng trong chế độ ăn bổ sung.

Việc bổ sung sữa cho trẻ em ở Thái Lan đã giúp cải thiện tốc độ tăng chiều cao của trẻ mầm non từ 2,1 cm/năm lên 4,4 cm/năm. Ông cũng đã chia sẻ những thành công và bài học từ Chương trình Sữa học đường tại Thái Lan từ năm 1992.

PGS. TS. Lê Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: “Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam đã có sự cải thiện trong những năm qua, nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng vẫn còn ở mức cao (16,2%), đặc biệt tỷ lệ thấp còi là 26,7%.

Một trong các nguyên nhân chủ yếu là do chế độ ăn bổ sung chưa đúng cách. Việt Nam vẫn còn nằm trong danh sách 16 quốc gia có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em thấp còi cao nhất thế giới. Ước tính năm 2010, nước ta có khoảng 1,3 triệu trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân và 2,1 triệu trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Trong vòng 15 năm từ 1985-2000, chiều cao trung bình của người Việt chỉ tăng 1,5cm. Hiện nay, chiều cao trung bình của nam thanh niên Việt Nam chỉ đạt 163,7cm, thấp hơn 13,1cm so với chuẩn. Chiều cao trung bình của nữ là 153cm, kém so với chuẩn là 10,7cm.

Vì vậy, vừa qua Bộ Y tế đã ban hành 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, trong đó nhấn mạnh trẻ sau 6 tháng và người trưởng thành nên sử dụng sữa và các sản phẩm sữa phù hợp với từng lứa tuổi.

Trẻ em uống càng nhiều đồng nghĩa với việc tiêu thụ đường càng ít vì sữa sẽ thay thế 2 loại nước uống mà trẻ thường dùng dễ gây béo phì là nước ép trái cây và nước uống có ga”.

Hai triệu trẻ được uống sữa miễn phí

Theo ThS. BS. Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), trẻ học đường được tính từ 12 tháng tuổi, khi bước vào các trường mầm non cho đến 18 tuổi. Đây cũng là đối tượng của chương trình.

Theo đó, 2 triệu trẻ em lứa tuổi mầm non (nhà trẻ và mẫu giáo) và tiểu học trên toàn quốc, trong đó đặc biệt 500 nghìn trẻ em tại các huyện nghèo nhất mỗi ngày sẽ được uống từ 200ml-220ml sữa tươi (sữa nước) có chất lượng và an toàn nhằm hỗ trợ cải thiện tình trạng sức khỏe và dinh dưỡng.

Bên cạnh đó, Chương trình cũng giúp nâng cao nhận thức của người dân, giáo viên về việc cho trẻ uống sữa đúng cách, đảm bảo dinh dưỡng.

Văn bản Chương trình Sữa học đường sẽ được Bộ LĐTBXH hoàn thiện và đệ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7 năm 2013. Đánh giá về đề án này, bác sĩ Nguyễn Đức Vinh, Vụ sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, đề án được chuẩn bị khá công phu và tương đối đầy đủ các nội dung. Nếu đề án được đáp ứng đầy đủ điều kiện để triển khai sẽ góp phần cùng ngành y tế thực hiện tốt Chiến lược Quốc gia về Dinh dưỡng.

Các đại biểu tham dự hội thảo đều thống nhất Chương trình sữa học đường góp phần giảm bớt sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển của trẻ tại các địa phương nghèo và mang đến cho trẻ em nghèo quyền được uống sữa hằng ngày, tăng cường thể trạng và giảm suy dinh dưỡng trẻ em, thu hút, vận động được nhiều trẻ em đến trường mầm non và tiểu học.

Đặc biệt, sự hỗ trợ của chương trình cũng là nguồn động viên các trẻ nghèo, mồ côi, khuyết tật vượt lên khó khăn để hòa nhập cộng đồng.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều có chung quan điểm Chương trình mới chỉ đề ra những giải pháp mang tính khả thi trong việc cung cấp sữa nước, trong khi nguồn cung sữa tươi trong nước mới chỉ đáp ứng được 27% nhu cầu.

Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh: “Để đảm bảo tính bền vững của Chương trình cần có một kế hoạch dài hạn về phát triển chăn nuôi bò sữa và ngành công nghiệp sữa của nhà nước cũng như nghiên cứu phương án cung cấp sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích ăn bổ sung cho trẻ em lứa tuổi nhà trẻ. Do vậy, cần có sự tham gia tích cực của các Bộ ngành, các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp”.

Thứ trưởng Diệp cũng cho rằng khi đưa sữa vào trường học, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm rất quan trọng. Cần giám sát chặt chẽ khâu bảo quản, vận chuyển sữa để không có những vụ ngộ độc xảy ra. Cùng với đó cũng phải cân nhắc mức độ bao phủ của chương trình theo lộ trình.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG