Câu hỏi khó cho GS Ngô Bảo Châu

Câu hỏi khó cho GS Ngô Bảo Châu
Hội thảo sơ kết 2 năm hoạt động của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán học (VIASM) kéo dài gần 5 tiếng đồng hồ dường như vẫn chưa đủ để những người làm khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lí đủ thấy thỏa mãn.

> GS. Ngô Bảo Châu: Sự nghiệp đến từ 'mót lượm' hằng ngày

Hội thảo diễn ra từ 8h và kết thúc lúc gần 13h ngày 24/8 với các ý kiến đi thẳng vào những khó khăn và giải pháp nâng tầm vị thế Toán học Việt Nam trên trường quốc tế, thu hút người tài, triển khai toán ứng dụng ở Việt Nam như thế nào.

GS Ngô Bảo Châu cho rằng: Khoa học không phát triển từ những đơn đặt hàng. Triển khai ứng dụng Toán học ở Việt Nam như thế nào là vấn đề khó, câu hỏi mở cần sự đóng góp, hợp tác của các nhà khoa học. Viện hi vọng đón nhận được nhiều ý kiến giải quyết khó khăn này.

GS Ngô Bảo Châu. (Ảnh: Văn Chung)
GS Ngô Bảo Châu. (Ảnh: Văn Chung).

Nâng phong trào hay làm chuyên sâu?

Là một trong những cán bộ nghiên cứu đầu tiên được mời đến Viện, GS Phan Quốc Khánh băn khoăn: “Mục đích của Viện là tập trung phát triển toán học cao cấp nhưng cũng phải kéo nền toán học nước nhà đi lên”.

Việc tuyển chọn ứng viên theo GS Khánh nên có lưu ý để vực những “vùng trũng” như miền Trung hay các địa bàn xa xôi như Cần Thơ, Kiên Giang,…nơi toán học và người làm nghiên cứu còn yếu kém.

GS Dương Minh Đức, Trưởng khoa Toán (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG Hà Nội) thành viên Hội đồng khoa học của VIASM mong mỏi những người như GS Ngô Bảo Châu, GS Ngô Việt Trung quan tâm đưa toán học và niềm ham thích toán đến với học sinh phổ thông sớm hơn.

GS đề xuất tập trung các nhà khoa học về các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM để học sinh có thể tới đây tìm hiểu. “Không phát huy nguồn chất xám từ thế hệ trẻ thì rất uổng phí. Thu nhập, danh tiếng, sự thành đạt cũng là những điều hết sức thực tế chúng ta cần có để hướng thế hệ trẻ quan tâm hơn tới toán học” – lời GS Đức.

GS Phùng Hồng Hải. (Ảnh: Văn Chung)
GS Phùng Hồng Hải. (Ảnh: Văn Chung).

Đồng quan điểm, GS Phùng Hồng Hải (phó Viện trưởng Viện Toán học) cho biết cần có chính sách trọng dụng để trò giỏi thấy có tương lai khi nghiên cứu toán học. Tuy nhiên để phát triển khả năng của các em, cách làm lâu dài theo GS Hải là bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên. “Ta làm thực chất nên phải chia nhóm nhỏ, tìm người hăng hái nhất để đào tạo họ thành nòng cốt” – GS phân tích.

GS Hải cho biết sắp tới sẽ có 3 lớp đào tạo cho giáo viên đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Các cán bộ nghiên cứu, giáo viên sẽ có cơ hội giao lưu học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Người làm nghiên cứu có quan điểm rộng hơn nhưng giáo viên có thực tế.

VIASM cũng sắp hoàn thành dự án liên quan đến các bài giảng trực tuyến hoàn toàn miễn phí do TS Đặng Văn Dương xây dựng nhằm phổ biến kiến thức toán học tới bất kỳ nơi đâu và những ai quan tâm thông qua Internet.

Về quan điểm phát triển phong trào toán học, theo GS Hải: “Toán học thế giới không có biên giới. Muốn gia nhập, Việt Nam phải có tính quốc tế cao hơn. Đã đến lúc chúng ta nghĩ tới việc cấp học bổng người xuất sắc không chỉ trong khu vực Đông Nam Á, Đông Á mà cả thế giới. Hiện những nhà nghiên cứu tới Việt Nam được tài trợ 1000-2000 USD/tháng. Nếu có môi trường hấp dẫn họ sẽ ở lại...

Có hay không “lợi ích nhóm”?

Câu chuyện “lợi ích nhóm” được GS Phan Quốc Khánh nêu ra khi nhận thấy những tranh luận thậm chí “cãi nhau” giữa các viện và các trường đại học về việc sử dụng người tài bỗng trở thành chủ đề khiến hội thảo có phần căng thẳng.

“Tôi hiểu không có chuyện lợi ích cá nhân ở đây nhưng từ hoàn cảnh, vị trí và góc nhìn mỗi bên đều “bênh” cho phía mình” – GS Khánh phân trần.

Đây cũng là trăn trở bây lâu nay của Viện phó Viện Toán học. Từ kinh nghiệm của Đức, GS Hải cho rằng “cộng đồng khoa học Việt Nam nên có thỏa thuận ngầm về việc luân chuyển cán bộ một cách thực chất giữa các viện, trường. Tại Đức không có chuyện anh làm tiến sĩ ở một trường rồi tiếp tục làm giáo sư ở đó...

GS Phan Quốc Khánh. (Ảnh: Văn Chung)
GS Phan Quốc Khánh. (Ảnh: Văn Chung).

Tuy nhiên, GS Ngô Việt Trung Viện trưởng Viện Toán học cùng Trưởng khoa Toán Trường ĐH Sư phạm Hà Nội GS.TSKH Đỗ Đức Thái lại không đồng tình. GS Trung cho rằng: “Đó chỉ là chuyện của một vài cá nhân. Chúng ta đều dựa vào năng lực và khả năng của mỗi trường để hỗ trợ họ tốt nhất”. GS Thái cho rằng bản thân khoa hàng năm vẫn gửi nhiều người sang Viện Toán học hay đi nước ngoài làm nghiên cứu.

Ở phía người quan sát, GS Ngô Bảo Châu cho rằng: “Chuyện căng thẳng, mâu thuẫn giữa viện và trường có lịch sử rồi, không thay đổi được. Cá nhân tôi thấy mâu thuẫn cạnh tranh bản thân không hẳn đã là tiêu cực thậm chí tốt.

Chúng ta ghi nhận cố gắng của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội nhưng GS Hải có lý trong việc hiện hơi thiếu liên thông các viện, trường với nhau. Tôi tin cá nhân các nhà khoa học giỏi không muốn vậy”.

GS Ngô Việt Trung. (Ảnh: Văn Chung)
GS Ngô Việt Trung. (Ảnh: Văn Chung).

Không thể định hướng phát triển cho khoa học

Trước trăn trở GS Hải về việc nâng tầm vị thế toán học Việt Nam, GS Ngô Bảo Châu so sánh: “Nói rộng ra ý của anh Hải là nên phụng sự đất nước hay phụng sự khoa học. Đặt vấn đề như vậy thật khó có câu trả lời. Với tư cách GĐ Khoa học của VIASM tôi nghĩ cách vận hành thực dụng hơn.

Các nhà nghiên cứ khi đến Việt Nam cái họ mong đợi nhất là tìm đồng nghiệp Việt Nam, sinh viên cùng làm. Ta phải tổ chức hoạt động sao cho chặt chẽ. Đáng mừng là hiện nay hình ảnh VIASM đã được quốc tế biết đến. Vài ba nhóm nhà khoa học quốc tế có uy tín đã nộp hồ sơ vào Viện nghiên cứu. Cụ thể nhất là tháng 2/2014 sẽ có nhóm của GS có uy tín đến từ Trường ĐH Boston”.

Về việc tập trung vào phát triển vào một thế mạnh nhất định cho toán học Việt Nam, theo GS Châu: “Quan điểm về quản lí khoa học của tôi là không thể lập kế hoạch phát triển cho khoa học mà phải dựa vào thế mạnh của từng cá nhân, chăm lo cho họ”.

Theo Văn Chung
Vietnamnet

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.