Du học “nghệ thuật sống”

Du học “nghệ thuật sống”
Họa sĩ thiết kế – đó là con đường không nhiều sinh viên lựa chọn. Tôi chính thức học Graphic Design từ tháng 10/2008. Từ lúc bắt đầu cho đến kết thúc, những kiến thức và kinh nghiệm tôi tiếp thu được tương phản rất nhiều với quan niệm lúc trước về ngành đồ họa.

> Các 'chiêu' lừa visa du học

> Chàng sinh viên Việt tỏa sáng trên “đất nước hoa hồng”

Du học “nghệ thuật sống” ảnh 1

Lúc đầu tôi đã không ngừng thắc mắc về những môn học không hề liên quan đến poster và hình ảnh số, cho đến lúc tôi nhận ra lợi ích thật sự của chúng. Mỹ thuật phương Tây chú trọng khai thác nội dung và lý luận mang tính chuyên nghiệp tương đương với các ngành nghề phổ thông khác. Vượt qua mỗi khóa học như thế một cách trọn vẹn, sẽ không có nhiều khác biệt trong phương pháp tư duy giữa một họa sĩ và một nhà kinh doanh, một chính trị gia hay một nhà khoa học. Sản phẩm của mỗi ngành nghề có thể khác nhau, nhưng kết quả của đào tạo là những con người mới.

Ngày tôi đặt chân đến nước Anh lần đầu tiên đã cách đây 5 năm. Những khó khăn của chúng tôi ngày ấy không chỉ có một rào cản về ngôn ngữ, mà cả sự ngỡ ngàng trước London và nước Anh của thời hiện đại. Đây không phải quốc gia của riêng người Anh nữa, mà là một ngôi nhà toàn cầu. Tôi nhận ra những thứ để mình học hỏi không bao giờ hết

Nhiếp ảnh là một trong những môn học tôi yêu thích nhất dù tôi đến với nó khá muộn. Cần phải hiểu nhiếp ảnh ở đây không đơn thuần là những bức ảnh tiệc tùng, vui chơi, du lịch. Nó không đòi hòi một trình độ thượng thừa hay một đẳng cấp xã hội, thậm chí một chiếc máy chụp phim rẻ tiền cũng đủ để thay thế một đống công cụ kếch xù. Nó khác với những thứ phù phiếm, vô thực thường thấy ở mỹ thuật truyền thống, nhiếp ảnh là một nghệ thuật đại chúng.

Văn hóa châu Âu vốn đã khác nhiều so với châu Á, văn hóa Anh và cuộc sống ở London lại là những bức tranh hoàn toàn khác biệt. Bất kể bạn học gì, làm gì, cái nhìn đa chiều là điều thiết yếu cho một cuộc sống thực mà bạn chưa bao giờ biết. Góc nhìn từ nghệ thuật hiện đại đã tạo ảnh hưởng rất lớn lên góc nhìn cuộc sống của tôi. Cân bằng giữa việc học và cuộc sống riêng là một vấn đề không đơn giản.

Đối với những sinh viên du học tự túc từ lâu như tôi, áp lực phải sống tự lập và gánh nặng tiền bạc đã đè nặng lên vai ngay từ những tháng ngày đầu tiên. Người ta vẫn thường nói: không nghèo thì không phải là sinh viên. Với chúng tôi, khó khăn vật chất có thể không nhiều như phần đông các bạn sinh viên ở Việt Nam, nhưng nỗi khổ tinh thần thì không phải lúc nào cũng được lấp đầy. Sự khắc nghiệt của cuộc sống xa nhà lúc nào cũng gắn kết cho chúng tôi một thế giới riêng. Những ngôi nhà cho thuê bất hợp pháp là điểm đến lý tưởng cho những sinh viên như tôi, dù điều kiện học tập chưa thật sự đảm bảo.

Giới hạn lớn nhất của sáng tạo là sự thụ động, giới hạn lớn nhất của mỗi người là chính bản thân mình. Đọc, hiểu, ngẫm nghĩ, đó là cách người Anh dạy tôi tạo ra những cái mới. Tìm tòi, lắng nghe và thấu hiểu, đó là những gì tôi đã thu lượm được từ cuộc sống bên ngoài trường học. Nghệ thuật đỉnh cao cũng khắc nghiệt như cuộc sống vậy! Bản chất cuộc sống xung quanh mỗi chúng ta cũng là một bức tranh muôn màu nơi mỗi cuộc đời là một mảnh ghép. Cái đẹp chỉ tồn tại khi vẫn còn những thứ xấu xí. Sống chính là một nghệ thuật, tôi gọi đó là nghệ thuật cuộc sống.

Theo Nguyễn Minh Tuấn (London Metropolitan University)/ SVVN

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG