'Tuyết cứ rơi, con bò buộc phải thích nghi hoặc sẽ chết'

'Tuyết cứ rơi, con bò buộc phải thích nghi hoặc sẽ chết'
"Tuyết vẫn cứ rơi, và con bò của cô buộc phải thích nghi, linh hoạt, hoặc là nó sẽ chết" là bài viết của anh TheHa Pham phản hồi về vấn đề đang tranh cãi du khách có ích kỷ ở Sa Pa?.
Người phụ nữ phải đi ủng trên mép ruộng bậc thang và dùng cây gậy chống để khỏi trơn trượt. (Ảnh: Hoàng Anh)
Người phụ nữ phải đi ủng trên mép ruộng bậc thang và dùng cây gậy chống để khỏi trơn trượt. (Ảnh: Hoàng Anh).

Những ngày vừa qua, nhiệt độ xuống thấp, tuyết rơi, bao phủ Sapa một màu trắng xóa dày đặc, khiến nhiều du khách kéo nhau lên chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú này. Thế nhưng, nhiều ý kiến cho rằng, thái độ của vui khi có tuyết lại là sự tàn nhẫn, ích kỷ đối vói người dân bản địa.

Đặc biệt sau khi bài viết: "Mẹ ơi chú ý đàn bò, họ còn cầu tuyết rơi nữa đấy" được đăng tải, gây nhiều luồng dư luận trái chiều. Người viết bài này là một học sinh trường HV Báo chí và Tuyên truyền. Là một người con ở Sa Pa, sống cảnh xa quê, viết thư gửi mẹ của mình.

Trong bài viết có đoạn: "Con có thể tưởng tượng khung cảnh “kẻ khóc - người cười” ở chốn đó mẹ ạ, con tưởng tượng ra cảnh các em bé co ro bên những bếp lửa, những đôi môi thâm tím khóc oe oe vì lạnh. Rồi con thấy hình ảnh của mẹ: đôi mắt dại đi vì lạnh, vì tài sản lớn nhất đang có nguy cơ mất đi vì những cơn tai họa đến từ mẹ thiên nhiên; vì tuyết rơi...
Và rồi, con lại thấy một bức tranh “sôi động” hơn hẳn đến từ họ - những người được gọi nôm na là “dân phượt” mà mẹ chưa bao giờ nghe đến tên, hay và biết. Họ trong những trang phục không thể ấm cúng hơn, cười nói rôm rả, hạnh phúc bất tận khi chứng kiến những bông tuyết vô tình đang phủ trắng lên căn nhà của mẹ; họ chụp ảnh và họ thỏa mãn".

Sau đây là bài viết thể hiện quan điểm riêng của Theha Pham, cựu sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn đăng tải trên mạng xã hội.

"Chào cô!

Xin thứ lỗi vì sự đường đột, sáng nay cháu có đọc được bức thư con gái cô viết, lo lắng vì vấn đề tuyết rơi ở quê mình và dặn cô cẩn thận, để ý những con bò. Cháu cũng quan tâm vì muốn giúp con bò của cô, thế nên cháu xin viết cho cô vài dòng.

Bằng hiểu biết của mình, cháu muốn tâm sự với cô rằng:

Thứ nhất, biến đổi khí hậu đang ngày càng khắc nghiệt ở mọi nơi trên thế giới, và Việt Nam mình, bao gồm cả quê hương cô, cũng chịu tác động sâu sắc. Cả thế giới đang cố gắng đối phó, nhưng chắc chưa thể thay đổi gì trong vài thập niên, thậm chí vài thế kỷ tới.

Thứ hai, kinh tế dịch vụ luôn mang lại giá trị cao hơn sản xuất nông nghiệp, các nước đang phát triển, cả Việt Nam ta và các địa phương miền núi, đồng bằng đều đang đi theo hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang công nghiệp và dịch vụ.

Thứ ba, như nhiều người vẫn nói, người lạc quan thì nhìn thấy cơ hội trong khó khăn, người bi quan luôn thấy nguy cơ trong cơ hội.

Quê ta năm nay có tuyết, mọi năm cũng rất lạnh và các năm sau có khi còn lạnh hơn vì biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Cô hãy che chắn cho con bò vào dịp này để nó tránh rét, đừng lo nó không có cỏ ăn, có khi nó còn được ăn cám thật ngon và bổ nữa. Bằng tiền cô kiếm được khi làm kinh tế dịch vụ.

Khách du lịch sẽ đến nhiều, đa phần là các bạn trẻ, một số đúng là ngây thơ và kệch cỡm, kệ họ cô ạ, quan trọng là họ mang cho ta cơ hội. Cô hãy dùng vốn để đầu tư. Ít thì mua áo mưa dùng 1 lần, chặt cây gỗ về đóng đinh để cho người ta dễ chống gậy đi trên tuyết, bán cho họ dăm ba chục mỗi thứ. Hoặc bảo bà con làm các loại hàng thổ cẩm, khăn mũ thật xinh, bán các loại đồ ăn nóng hổi, dễ làm, chắc chắn sẽ kiếm hời đấy ạ.

Nếu có nhiều vốn, cô thử buôn các hàng như là pin tiểu để lắp vào máy ảnh, ống kính, các loại sạc điện thoại, mở hiệu bán đồ mỹ nghệ, quà du lịch. Cô hãy ăn mặc trang phục truyền thống thật đẹp, chụp hình với họ để lấy cảm tình, chỉ cho họ chỗ chụp ảnh an toàn, khuyên họ hãy dùng túi đựng rác mà cô bán để đừng xả rác ra quê hương, giữ gìn cảnh đẹp để các năm sau còn đến… Cháu từng thấy có bác đồng bào dân tộc bán cho khách ta 1 con dao đeo hông có chuôi bằng sừng trâu giá nửa triệu, 1 cây sáo, cây khèn giá vài trăm nghìn, dân du lịch họ cần những thứ thiết yếu phát sinh và thích cái gì lạ lẫm mà ở nơi họ không có như vậy.

Cháu tin là nếu có càng nhiều khách du lịch đến, phiền toái cũng có, tác động cũng có, nhưng cơ hội cho cô và bà con mình càng nhiều hơn. Các bạn trẻ thành phố, họ có tiền, có nhiệt huyết tuổi trẻ, có tình yêu quê hương đất nước con người nhiều.

Nếu cô có tấm lòng và khả năng lớn hơn, hãy chỉ cho họ thấy những sự thiếu thốn, khó khăn của trẻ em vùng cao khi trời rét, như hình ảnh các báo đưa về hàng trăm em nhỏ quê mình chân trần trong mưa tuyết. Liên hệ với đoàn thể, các nhà báo, nhờ họ làm chương trình từ thiện giúp đỡ. Cháu tin là họ sẵn lòng, hãy bảo các nhà báo, hoặc nhà báo tương lai như con gái cô, liên hệ với một đơn vị truyền thông đủ lớn, làm chương trình và mời những đơn vị như Biti's, Adidas.. gì đó cùng tham gia, tài trợ vài ngàn đôi giầy chẳng đáng là bao với những công ty lớn này, nếu chương trình đó vừa từ thiện, vừa giúp họ quảng bá hình ảnh một cách thật đàng hoàng và cao đẹp…

Cháu mong cô và mọi người cùng nhìn nhận cuộc sống một cách lý trí và tích cực, chẳng thể thay đổi được sự thực khách quan bằng mong muốn cảm tính, cũng như nếu con bò có ghét khách du lịch vì dường như người ta thích thú trong khi nó khổ sở, thì cũng chẳng giải quyết được việc gì. Tốt hơn là ta hãy tìm ra giải pháp cho vấn đề. Tuyết vẫn cứ rơi, và con bò của cô buộc phải thích nghi, linh hoạt, hoặc là nó sẽ chết.

Cháu thực sự muốn giúp nó!

Cháu xin chúc cô sức khỏe và hạnh phúc".

Theo Zing

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.