8 năm coi thi, thầy Khắc Hiếu kỷ luật 1 thí sinh

8 năm coi thi, thầy Khắc Hiếu kỷ luật 1 thí sinh
Đã 8 lần coi thi đại học, nhưng thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu vẫn rất háo hức khi được tiếp xúc với các bạn trẻ trong một kỳ thi quan trọng của cuộc đời.

8 năm coi thi, thầy Khắc Hiếu kỷ luật 1 thí sinh

Đã 8 lần coi thi đại học, nhưng thạc sỹ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu vẫn rất háo hức khi được tiếp xúc với các bạn trẻ trong một kỳ thi quan trọng của cuộc đời.

Thầy Khắc Hiếu chia sẻ về những kỷ niệm sau 8 năm coi thi đại học
Thầy Khắc Hiếu chia sẻ về những kỷ niệm sau 8 năm coi thi đại học .
 

- Dù đã nhiều lần tham gia coi thi đại học nhưng cảm xúc của anh mỗi khi làm nhiệm vụ đặc biệt này như thế nào?

Năm nay là lần thứ 8 mình coi thi đại học. Cả 8 lần mình đều rất…háo hức để tiếp xúc với các em, hướng dẫn các em cách bình tĩnh để làm bài tốt.

Chức năng của giám thị ngoài việc đảm bảo an toàn và công bằng cho tất cả thí sinh thì chức năng của giám thị còn là giúp đỡ ổn định tâm lý thí sinh nữa mà.

Cảm xúc mỗi năm coi thi mỗi khác, có năm buồn, có năm vui. Năm nào phòng thi các em vui vẻ và nghiêm túc thì mình vui, năm nào phải ra tay kỷ luật ai đó thì năm đó khó mà vui được.

- Trong đợt thi đại học vừa qua, có kỷ niệm gì khiến anh nhớ nhất đến các thí sinh?

Trong buổi làm thủ tục và sinh hoạt quy chế thì mình có dặn các em khi đi thi nhớ mang theo một chai nước (đã lột sạch nhãn). Bởi uống nước là cách trấn tĩnh nhanh nếu bị hồi hộp. Uống nước cũng giúp não tỉnh táo hơn, đặc biệt cơ thể sẽ mệt mỏi nếu thiếu nước khi ngồi đến gần 3 giờ trong phòng thi mà thời tiết thì lại nóng.

Qua hôm sau, ngày thi chính thức đầu tiên, hầu như thí sinh nào trong phòng cũng mang theo chai nước.

Tuy nhiên, các em phản ảnh trên Facebook rằng nhiều điểm thi lại không cho các em mang theo nước vào phòng. Mặc dù thầy Trần Quốc Cường – chuyên viên về quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT khẳng định không cấm thí sinh mang nước, mang thuốc và các vật dụng có liên quan đến sức khỏe vào phòng thi nhưng hầu như các em đều bị các điểm thi cấm. Mình chỉ thấy tội cho các em ấy...

Nhưng hình ảnh đáng nhớ nhất có lẽ là hình ảnh những thí sinh đi nép vào ông bà, bố bà mẹ đang tay xách nách mang, vẻ lam lũ vẫn còn hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ, quần áo đã cũ mèm, mang đôi dép lê cũ kỹ.

Bên cạnh họ, những thí sinh như những niềm hy vọng, họ nhìn con như hy vọng cho một tương lai tươi sáng hơn cuộc đời mình.

- Trong phòng thi do anh làm giám thị có trường hợp đặc biệt hay bị kỷ luật không?

Cách đây vài năm, mình đã lập biên bản kỷ luật một thí sinh trong phòng thi vì em ấy liên tục hỏi bài các bạn, quấy rối sự tập trung của các thí sinh ngồi gần.

Mình nghĩ, một khi đã đặt bút chọn thi vào trường sư phạm thì tự lực làm bài và trung thực trong thi cử là phẩm chất tối thiểu. Nếu ngay cả thi cử mà còn trông chờ, ỷ lại, đeo bám người khác thì làm sao sau này các em đó dạy được cho học trò biết trung thực khi làm bài, biết tự lực trong cuộc sống?

Việc loại một thí sinh không đủ phẩm chất đạo đức khỏi môi trường sư phạm là việc cần làm, để khỏi ảnh hưởng đến cả chục lứa học sinh họ dạy sau này.

- Anh chia sẻ gì về các thí sinh dự thi vào trường năm nay?

Mình chỉ dám chia sẻ về các thí sinh trong những phòng thi mà mình làm nhiệm vụ. Trong thời gian “trà dư tửu hậu” trước khi đợi bóc đề, mình hay hỏi tụi nhỏ “Vì sao mấy đứa chọn thi vào trường sư phạm? Nghe báo chí nói nghề này sẽ khó giàu mấy đứa không ngại sao?”.

Hầu hết các thí sinh đều trả lời “Em thi vì em thích ngành này”, “Đây là ước mơ từ nhỏ của em”…

Đó là một tín hiệu đáng mừng khi các em thi vì cái tâm với nghề dù chỉ còn là sơ khai. Những thí sinh đăng ký vào trường sư phạm sau này ngày càng ý thức rõ hơn về lựa chọn của mình.

- Có nhiều thí sinh nhận ra giám thị của các em chính là thầy giáo nổi tiếng Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu không?

Mình không nổi tiếng đến thế đâu! Phòng mình làm nhiệm vụ thì chỉ thấy thí sinh nhìn nhìn chứ không hỏi han gì đặc biệt. Còn phòng của người quen coi thi thì mình nghe kể lại là một số thí sinh cũng có “hỏi thăm” về thầy Hiếu, đặc biệt là những phòng thi của các thí sinh đăng ký vào ngành Tâm lý học. Mình cũng thấy vui vui.

- Liệu đã có thí sinh nào mải ngắm thầy mà quên làm bài chưa?

Nhan sắc của mình rất bình thường nên chắc chẳng học sinh nào thèm ngắm đâu (cười).

- Công việc coi thi nhiều người cho rằng khá đơn giản và không mất sức nhưng là người trong cuộc, anh có thể chia sẻ gì về những vất vả của công việc này?

Coi thi không hề đơn giản! Vì nếu bạn làm tròn chức trách của mình thì có rất nhiều việc để làm.

Vào phòng thi, phải làm các thủ tục cho đúng trình tự, không được phép tự ý làm mà sai quy định. Phải nắm vững quy chế tuyển sinh từng chi tiết để giải đáp cho thí sinh. Phải trấn an thí sinh và tạo cho các em tâm lý thoải mái trong lúc chờ đề. Phải đảm bảo không em nào gian lận hay làm phiền thí sinh khác.

Trong phòng thi, giám thị không được trò chuyện, không được làm bất cứ gì khác ngoài việc để mắt đến thí sinh. Thu bài phải tuyệt đối an toàn, không được thiếu một chữ ký nào của cả thí sinh và giám thị. Mọi sự cố xảy ra trong phòng thi thì giám thị phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp.

- Áp lực đối với các giám thị cũng không hề nhỏ, vậy anh đã tự trấn tĩnh mình như thế nào?

Mình thì không thấy áp lực, vì mình cũng đã quen và đa phần vì mình thấy vui khi được tiếp xúc với bọn trẻ, khuyên các em đừng gian lận, đừng phạm vào quy chế. Giám thị thì không cần phải tự trấn tĩnh mình, mà giám thị phải tỉnh táo để trấn tỉnh cho các thí sinh, bởi trong phòng thi thì thí sinh là người quan trọng nhất.

Theo Phạm Thịnh
VTC News

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.