Ai hướng nghiệp học sinh?

Ai hướng nghiệp học sinh?
TP - Thầy cô giáo ở bậc phổ thông là nhà tư vấn giúp học sinh chọn đúng ngành, đúng trường thi, phù hợp với năng lực bản thân. Tuy nhiên, đội ngũ làm công tác này đang thiếu và yếu. Đó là ý kiến của nhiều chuyên gia giáo dục đưa ra tại buổi tọa đàm “Trao đổi kinh nghiệm hướng nghiệp 2013” vừa được tổ chức tại TPHCM.

> Nhiều trường dự kiến thêm ngành, tăng chỉ tiêu
> Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2013: Vẫn 'ba chung', chưa có đột phá

Hướng nghiệp kiểu tự phát

Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng, việc hướng nghiệp cho học sinh phổ thông là rất quan trọng nhưng tại các trường THPT, thầy cô giáo làm việc này gần như tự phát, vì thế mà hiệu quả của việc hướng nghiệp không cao.

Giáo viên làm công tác hướng nghiệp tại các trường THPT hầu như không được đào tạo bài bản, không có kiến thức về ngành nghề…

TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng: Một người làm công tác tư vấn có thể nói thiếu chứ không được nói sai. Lý thuyết hướng nghiệp trong sách vở không còn phù hợp mà phải có sự cập nhật thường xuyên về tình hình kinh tế, nhu cầu nhân lực…, từ đó có thể hướng nghiệp hiệu quả hơn.

Cô Dương Thu Trang - Trường THPT Mạc Đĩnh Chi chia sẻ: Hiện nhiều phụ huynh đang định hướng nghề nghiệp cho con em mình theo cảm tính và phần việc chính định hướng nghề nghiệp cho học sinh chủ yếu là do giáo viên ở trường phổ thông.

Tuy nhiên, hiện nay giáo viên cũng chỉ làm một cách tự phát, phục vụ cho bộ môn hướng nghiệp chứ chưa hướng đến hiệu quả hướng nghiệp. Bởi họ không được đào tạo bài bản và không nắm được nhu cầu nhân lực của các ngành nghề trong xã hội.

Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: Đa số các em học sinh chọn ngành nghề theo định hướng của gia đình, số đông. Theo ông Thanh, để thay đổi điều này, các trường là đơn vị chủ yếu để định hướng ngành nghề cho học sinh.

Học sinh nên chấp nhận phân luồng

TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, phụ huynh và học sinh, thường có tâm lý sau khi học phổ thông sẽ tiếp tục học tiếp. Hiện nay tổng chỉ tiêu đào tạo sau phổ thông hằng năm đủ sức nhận hết tất cả học sinh sau THPT. Tuy nhiên, học sinh cần nhận thức được khả năng của mình có thể vào được bậc học nào sau THPT như trung cấp, nghề, CĐ hay ĐH.

Thi rớt ĐH không phải là sự chấm hết mà chúng ta phải chấp nhận sự phân luồng, bởi hằng năm chỉ một bộ phận học sinh vào được CĐ, ĐH, số còn lại sẽ học trung cấp, nghề…

Th.S Lâm Tường Thoại (ĐH Quốc gia TPHCM) nói: Chúng ta động viên các em chọn ngành nghề theo năng lực, sở thích. Việc chọn học làm “thầy” hay làm “thợ” do chính bản thân học sinh quyết định nhưng các em phải được tư vấn kỹ càng.

TS Nguyễn Kim Quang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM) chia sẻ: Hệ thống ngành nghề đào tạo hiện nay ở các trường mở rộng rất nhiều nên cơ hội để học sinh chọn được ngành phù hợp cũng rộng mở hơn.

Trong quá trình học, sinh viên cũng có thể chuyển đổi nghề nghiệp. Việc chọn ngành đúng sở thích sẽ giúp người học phát huy tốt hơn các thế mạnh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG